KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN TÍNH ĐẢNG TRONG NỀN BÁO CHÍ CÁCH MẠNG !
-----
Nhiều học giả tư sản cho
rằng, muốn có tự do báo chí, tự do ngôn luận thì không những phải cho báo chí
tư nhân hoạt động, mà không để báo chí bị chi phối, ảnh hưởng bởi yếu tố chính
trị.
Thậm chí họ cho rằng, sở dĩ
Việt Nam không có tự do báo chí, tự do ngôn luận bởi xuất phát từ nền chính trị
nhất nguyên, bởi "chế độ độc đảng" can thiệp vào hoạt động báo chí.
Đây là luận điệu hoàn toàn sai trái, vô căn cứ. Bởi lẽ, không có một nền báo
chí nào hoàn toàn đứng ngoài chính trị, vô chính trị như các luận điệu thù địch
xuyên tạc, rêu rao.
Tính đảng trong thông tin báo
chí là hiển nhiên
Trong giao tiếp hằng ngày,
khi chúng ta nghe lại câu chuyện từ ai đó, thì người kể câu chuyện đều có thái
độ rõ ràng, khen hay chê, đồng tình hay phản đối, cho dù thái độ ấy có thể
không bộc lộ trực tiếp, nhưng các chi tiết câu chuyện thì bộc lộ rõ ràng chủ
định của người kể. Nhà văn sáng tạo tác phẩm cũng vậy, hình tượng nhân vật cùng
hệ thống chi tiết trong tác phẩm biểu hiện thái độ, quan điểm của tác giả.
Nhưng trong văn học lại có chuyện, khi nhân vật-hình tượng nghệ thuật đã
“trưởng thành” thì có thể tự “phát tác” mà nhà văn khó "quản trị"
được. Còn trong sáng tạo tác phẩm báo chí, toàn bộ chi tiết, số liệu, nhân vật,
kể cả ngôn từ, giọng điệu... đều được nhà báo “quản trị” chặt chẽ. Cái đó người
ta gọi là tính khuynh hướng. Tính khuynh hướng hình thành một cách tự nhiên
trong phản ánh cuộc sống, trong thông tin thực tế về những gì đã và đang diễn
ra.
Trong báo chí, phản ánh thực
tế bao giờ cũng có những thuộc tính vốn có của nó. Đó là, phản ánh cái khách
quan và phản ánh luôn mang tính mục đích, vì lợi ích nào đó; và tất nhiên là
người phản ánh, đưa ra thông tin không thể làm hại đến lợi ích của bản thân
mình. Phản ánh do đó có tính chọn lọc. Việc chọn lọc này vừa là khoa học, vừa
là nghệ thuật và thể hiện năng lực của chủ thể sáng tạo, tức là “gói được” bức
tranh hiện thực trong phạm vi phản ánh và làm nổi bật bản chất sự kiện, vấn đề
thông tin.
Những thuộc tính vốn có này,
xét cho cùng, cũng trả lời câu hỏi: Phản ánh, thông tin để làm gì, vì lợi ích
của ai? Vậy nên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn các nhà báo, khi cầm bút, phải
tự trả lời được mấy câu hỏi: Viết cái gì? Viết cho ai? Viết để làm gì? Và cuối
cùng mới viết như thế nào? Đây là những câu hỏi nằm lòng mà các nhà báo luôn
ghi nhớ, bất kỳ anh ta làm việc ở cơ quan báo chí nào.
Bản chất hoạt động báo chí là
hoạt động truyền thông đại chúng, hướng tới và phục vụ đông đảo công chúng, xã
hội và vì lợi ích cộng đồng. Mỗi cộng đồng, xã hội đều do một giai cấp, một
chính đảng thống trị/cầm quyền/lãnh đạo; sự vận động, phát triển xã hội ấy chịu
sự chi phối quan điểm, chính sách của đảng cầm quyền. Chẳng hạn ở Hoa Kỳ, quan
điểm/chính sách thời ông D.Trump làm tổng thống khác với thời ông J.Biden làm
tổng thống, thậm chí có chính sách bài trừ nhau, mặc dù đều là do giai cấp tư
sản thống trị. Báo chí Hoa Kỳ, về cơ bản thông tin theo định hướng chính sách
của đảng cầm quyền thông qua quyết sách của tổng thống.
Như vậy, báo chí ý thức tự
giác được quá trình thông tin đứng trên lập trường của đảng phái nào, thông tin
vì lợi ích giai cấp nào, cái đó người ta gọi là tính giai cấp của báo chí. Khi
báo chí nhận thức được rằng, thông tin phục vụ lợi ích của đội tiền phong và
đại biểu lợi ích trung thành của giai cấp, của chính đảng-đó gọi là tính đảng.
Như vậy, tính đảng là sự biểu hiện tập trung nhất, đậm đặc nhất, tinh túy nhất
của tính giai cấp. Đó là nhìn từ phương diện tư tưởng-chính trị.
Còn về lợi ích dân sinh, cần
phải xem, lợi ích đó có đáp ứng nhu cầu lợi ích cơ bản, cấp bách của đông đảo
nhân dân hay không. Vậy nên, dòng thông tin báo chí thể hiện sâu sắc tính đảng,
nếu gắn chặt với tính nhân dân, tính dân tộc, thì báo chí sẽ quy tụ và thể hiện
được sức mạnh thực tế. Lợi ích căn bản và cấp bách của nhóm xã hội lớn, được
báo chí ủng hộ và bảo vệ, đồng thời báo chí sẽ khơi nguồn, hình thành dư luận
xã hội.
Đảng Cộng sản Việt Nam là
đảng của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động và dân tộc Việt
Nam. Đảng là lực lượng cầm quyền, lãnh đạo toàn dân xây dựng, phát triển đất
nước theo cương lĩnh, đường lối và chính sách được hoạch định. Do đó, báo chí
thông tin, tuyên truyền cho toàn dân hiểu và thực hiện, để biến quan điểm,
chính sách ấy thành hiện thực cuộc sống; đồng thời, báo chí đấu tranh chống
những quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng vì
nó làm phương hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước và lợi ích của nhân dân, đất
nước.
Trên cơ sở nền tảng lý luận
Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam công khai
thừa nhận tính đảng trong báo chí và đã thiết lập các quan điểm nền tảng cho
báo chí hoạt động; đồng thời thiết kế một nền báo chí cách mạng mà cơ quan báo
chí là cơ quan ngôn luận của tổ chức trong hệ thống chính trị. Đó là quan điểm
nhất quán và là nền tảng, sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tiến trình phát triển của
báo chí cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay.
Báo chí cách mạng Việt Nam là
một nền báo chí thể hiện rõ tính đảng, đồng thời mang đậm tính nhân dân, vì
Đảng lấy lợi ích nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, phục vụ nhân dân, vì sự phát
triển của dân tộc. Đó cũng là nền báo chí thấm đẫm tính nhân văn, vì quyền và
lợi ích chính đáng của công dân, vì sự phát triển con người. Đó cũng là nền báo
chí thể hiện đạo đức cao cả, vì hệ giá trị dân tộc và chuẩn mực đạo đức cộng
đồng, vì lợi ích công.
Với nhận thức như thế, làm
sao có thể phủ nhận tính đảng của báo chí? Mặc dù không ít quan điểm từ phương
Tây cho rằng, báo chí của họ đứng ngoài chính trị, đứng trên giai cấp và không
can thiệp vào cuộc đấu tranh tư tưởng, nhưng thực tế thì ngược lại. Thậm chí ở
Hoa Kỳ, cơ quan báo chí hay hãng truyền thông nào “thân cận” với đảng phái nào
thì định hướng thông tin theo và phục vụ lợi ích chính trị của đảng ấy. Trong
cuốn “Một nền báo chí không có tự do của chúng ta-100 năm phê bình truyền
thông”, các tác giả đã đấu tranh, chỉ trích nhau và từ đó bộc lộ rõ thêm bản
chất nền báo chí Hoa Kỳ. Trong thực tế, rất dễ nhận biết, báo chí Hoa Kỳ và báo
chí phương Tây nói chung, khuynh hướng chính trị rất rõ ràng, phục vụ đường lối
chính trị của giai cấp thống trị rất quyết liệt.
Một số biểu hiện cơ bản của
tính đảng trong thông tin báo chí
Trước hết, về nội dung, yêu
cầu của tính đảng trong hoạt động báo chí, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có
nhiều văn bản đề cập, tựu trung lại có mấy vấn đề quan trọng: Một là, tuyên
truyền, giáo dục lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hai là, đấu tranh, phản bác
những quan điểm sai trái, thù địch, chống phá sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Ba là, tuyên truyền, giáo dục tinh thần đại đoàn kết dân tộc và đấu tranh bảo
vệ khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bốn là,
đấu tranh chống những biểu hiện bảo thủ, lạc hậu, những thói hư tật xấu trong
cộng đồng, những rào cản văn hóa trong quá trình phát triển đất nước và hội
nhập quốc tế.
Trong bất kỳ thể chế xã hội
nào, báo chí dù trực tiếp hay gián tiếp, là phương tiện và phương thức đi đầu
trong cuộc đấu tranh chính trị, tư tưởng; do đó, báo chí trong môi trường
truyền thông số luôn phải thể hiện là phương tiện và phương thức siêu kết nối
công chúng-xã hội, tức là tận dụng khả năng siêu kết nối của nền tảng số để kết
nối nguồn lực trí tuệ và cảm xúc của nhân dân vì sự phát triển bền vững, vì lợi
ích cộng đồng. Đó là quá trình báo chí, truyền thông đại chúng tham gia can
thiệp xã hội, tức là tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội đã và đang
đặt ra. Trong quá trình này, lợi ích chính trị của Đảng, Nhà nước luôn được thể
hiện như sợi chỉ đỏ, có tính nguyên tắc. Sức mạnh chính trị, lợi ích chính trị
của Đảng, trước hết thể hiện ở niềm tin chính trị của nhân dân. Do đó, báo chí
cách mạng cần phải đề cao trách nhiệm chính trị trong xây dựng, kết nối niềm
tin từ công chúng và nhân dân. Đảng, Nhà nước đã nêu rõ quan điểm xây dựng “Nhà
nước của dân, do dân, vì dân” và thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân
làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Cần tiếp tục nêu cao tính
đảng trong thông tin báo chí
Trong quá trình lãnh đạo sự
nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta đã xác định, phát triển kinh tế-xã hội là
trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Trong xây dựng Đảng, vấn đề căn cốt là
tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước,
chống lạm dụng quyền lực, bởi lạm dụng quyền lực thì sẽ tha hóa quyền lực và
dẫn đến tha hóa chế độ xã hội. Vậy nên, nêu cao tính đảng của báo chí trước hết
là trách nhiệm chính trị của các tổ chức đảng, chính quyền các cấp. Tất cả bộ
máy trong hệ thống chính trị không được ngăn cản báo chí thực hiện vai trò giám
sát xã hội, trong thực hiện chính sách công, trong thực thi công vụ và trong
đấu tranh chống lợi ích nhóm dưới mọi hình thức. Mọi biểu hiện coi nhẹ, buông
lỏng hoặc ngăn chặn vấn đề này, đều là suy giảm tính đảng của báo chí cách
mạng.
Mặt khác, đội ngũ nhà báo
cách mạng, trước hết là người đứng đầu cơ quan báo chí, cần không ngừng học hỏi
nâng cao trình độ và giác ngộ chính trị, cập nhật kiến thức và kỹ năng làm
nghề, kỹ năng quản trị cơ quan báo chí trong tình hình mới. Cùng với đó, cần
quan tâm đào tạo, phát triển và có chính sách thích đáng cho đội ngũ nhà báo
chính luận, để họ đủ năng lực và chuyên tâm viết những tác phẩm phân tích, bình
luận, đánh giá các sự kiện và vấn đề thời sự trên các lĩnh vực đời sống kinh
tế-xã hội. Thực tế cho thấy, luồng báo chí thông tin sự kiện trên báo chí chúng
ta cập nhật khá tốt, nhưng luồng những tác phẩm phân tích, bình luận, đánh giá
các sự kiện và vấn đề thời sự góp phần đấu tranh tư tưởng, hướng dẫn dư luận xã
hội cần phải nhanh nhạy, sắc bén, kịp thời, thuyết phục hơn nữa.
Khi có chính sách phù hợp,
chúng ta sẽ có được đội ngũ nhà báo chính luận ngang tầm, góp phần tiếp tục nêu
cao tính đảng hơn nữa của báo chí và qua đó góp phần xây dựng nền báo chí Việt
Nam cách mạng, hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét