Thứ Năm, 21 tháng 11, 2024

LẠI XUYÊN TẠC VỀ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là xem xét Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Hội nghị chưa diễn ra vậy mà trên một số diễn đàn, mạng xã hội đã có những bài viết, những ý kiến của một số người đội lốt là “nhà dân chủ”, “trí thức” xuyên tạc về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Sau khi Hội nghị thành công và kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XV họp tuần đầu tiên thì chính những người này lại tiêp tục đưa những thông tin sai lệnh, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Đây không phải là lần đầu tiên những người nói trên xuyên tạc về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thực tế thời gian qua cho thấy, cứ mỗi lần Quốc hội họp, mỗi lần bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là các luận điệu chống phá về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của các phần tử chống đối, thù địch lại đem ra chép lại. Thế nhưng dù có “tung hỏa mù”, có những “vỏ bọc kín đáo” thì luận điệu đó vẫn không che nổi bản chất, âm mưu thâm độc của họ.

Thực tế, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một phương thức tổ chức quyền lực nhà nước dựa trên nền tảng Hiến pháp và pháp luật, vì dân chủ, con người, quyền con người, quyền công dân. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một trong những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là một trong những phương hướng cơ bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, được xây dựng, hoàn thiện đồng thời với xây dựng, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, dân chủ xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là ba trụ cột phát triển đất nước.

Bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Điều 2 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận và khẳng định điều đó.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tồn tại, được hiện thực hóa, vận động và phát triển thông qua các giá trị của nó. Quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quá trình hiện thực hóa, làm sâu sắc, gia tăng các giá trị của nó.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Viêt Nam được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đặc trưng này thể hiện tính đặc thù của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gắn với hệ thống chính trị Việt Nam, là sự thể hiện sinh động việc vận dụng sáng tạo của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, với mưu đồ chống phá, nhiều đối tượng xấu đã xuyên tạc, công kích, đưa ra các bài viết làm sai lệch bản chất vấn đề. Một số người còn cho rằng, “đã là nhà nước pháp quyền thì không thể đi đôi với xã hội chủ nghĩa”, đưa ra “kiến nghị” đòi bỏ nội dung xã hội chủ nghĩa trong đề án xây dựng nhà nước pháp quyền.

Thậm chí, một số người nhân danh “đổi mới” để vu cáo rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam hiện “đứng trên pháp luật” nên không thể có nhà nước pháp quyền”; cho rằng, “việc đặt đề án xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhằm che đậy cho bản chất độc tài của chế độ”… Những luận điệu trên thể hiện rõ ý đồ chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Cũng phải thừa nhận, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của chúng ta cũng đã bộc lộ những hạn chế, khiếm khuyết, trong đó có vấn đề tham nhũng, suy thoái, những hiện tượng tiêu cực trong đời sống văn hoá, xã hội còn diễn biến phức tạp, nhiều vấn đề tồn tại kéo dài khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng tới sự uy nghiêm của luật pháp và niềm tin của người dân vào thể chế. Tuy nhiên, những tồn tại đó có nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là trong điều kiện đất nước hội nhập, mở cửa, luật pháp chưa đầy đủ, còn những kẽ hở bị lợi dụng; công tác quản lý Nhà nước còn những yếu kém, còn tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái, nhũng nhiễu.

Vấn đề là Đảng, Nhà nước ta đã nghiêm túc nhìn nhận hạn chế, thiếu sót, đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để chấn chỉnh, đặc biệt là việc xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Để xây dựng Đề án trên, Ban Chỉ đạo đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo quốc gia, lấy ý kiến các tỉnh ủy, thành ủy và nhiều cuộc tọa đàm chuyên sâu để lấy ý kiến rộng rãi. Quá trình xây dựng Đề án được đánh giá cao về cách làm bài bản, dân chủ, khoa học, tạo được sự đồng thuận cao trong các tập thể, cá nhân tham gia xây dựng Đề án. Tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nhất trí thông qua.

Vì thế, không có lý do gì để các đối tượng tự xưng “nhà dân chủ” để giở trò “đâm bị thóc, chọc bị gạo”, xuyên tạc về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét