Trong giai đoạn hiện nay, một lớp “nông dân mới” đang dần hình thành cùng với sự phát triển của nền nông nghiệp và hội nhập của đất nước là xu hướng tất yếu. Đây sẽ là lực lượng lao động có trình độ năng lực có thể đáp ứng được yêu cầu của một nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, thời gian qua, các chính sách về phát triển đội ngũ lao động này có thực hiện nhưng chủ yếu là đào tạo sơ cấp và “cầm tay chỉ việc” chưa có sự nâng cao trong đào tạo và tập trung vào kỹ thuật sản xuất. Chính sách khuyến khích trí thức về nông thôn có thực hiện nhưng chưa đồng bộ và hấp dẫn, đủ sức thu hút, nhất là những trí thức giỏi và sinh viên một số chuyên ngành khác như Luật, Kinh tế, Thương mại… về phát triển sự nghiệp ở nông thôn. Việc chuyển dịch cơ cấu lao động chưa có sự chuẩn bị đầy đủ nên khi lao động nông thôn chuyển sang làm việc ở khu vực khác dẫn đến thiếu cục bộ nguồn lao động, nhất là lao động trẻ, có tay nghề, việc già hóa lực lượng lao động ở nông thôn cũng là vấn đề cần quan tâm.

Dù là người tạo sản phẩm nhưng nông dân vẫn đứng ở vị trí yếu thế hơn, hầu như không được đưa ra các quyết định, nhất là giá bán nông sản. Nông dân thường thụ động, năng lực ứng phó chưa cao đối với những thách thức và rủi ro trong sản xuất nông nghiệp thường xuyên như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu,… Một vài nơi, các ngành chức năng chưa có sự quan tâm đúng mức việc kết nối trong quan hệ giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà nước, doanh nghiệp… chưa bền chặt.

Mức đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn dù rất nhiều nhưng so với yêu cầu thực tế còn hạn chế và dàn trải, chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp của ngành đối với nền kinh tế quốc dân; kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn còn nhiều bất cập, lĩnh vực logistic chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, làm ảnh hưởng đến giá thành và chất lượng nông sản, xuất khẩu nông sản chủ yếu vẫn là xuất thô, còn ít sản phẩm được chế biến để tăng giá trị và thời gian bảo quản. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, dựa trên kinh tế hộ, chính vì vậy năng suất lao động xã hội thấp. Năng lực thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 của nông dân còn hạn chế.

Đặc biệt, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người nông dân, xuất hiện những vấn đề cần quan tâm giải quyết như: một số giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đạo đức xã hội bị ảnh hưởng; tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, cờ bạc, tín dụng đen, đòi nợ thuê ở nông thôn còn diễn biến phức tạp, làm cho nông dân lo lắng, bức xúc. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực nông thôn ngày một gia tăng, nhất là từ các làng nghề và các khu công nghiệp nông thôn, do khai thác, phát triển tự phát, không theo quy hoạch. Việc nông dân sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu quá mức cũng làm cho môi trường đất, nước bị ô nhiễm, gây ra hậu quả trực tiếp lên nông sản, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người nông dân và người tiêu dùng, đồng thời ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản.

Công tác tuyên truyền vận động nông dân có lúc, có nơi chưa thực hiện tốt, còn dàn trải, chưa có chiều sâu. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở một vài địa phương còn hình thức; việc quán triệt và truyền thông, nâng cao vai trò chủ thể của nông dân còn hạn chế do chưa có sự tham gia tích cực của một số cán bộ, công chức, nhân dân; một số nông dân còn thờ ơ, chưa nhận thức đúng về vai trò, trách nhiệm, sống khép kín và có tư tưởng “muốn được nghèo”, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội.

Khơi dậy khát vọng vươn lên, xây dựng giai cấp nông dân trở thành lực lượng lao động tiên tiến, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng của Đảng. Để tiếp tục cụ thể hóa và đưa các quan điểm đường lối, chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn, cần phải nâng cao nhận thức về vai trò chủ thể của giai cấp nông dân và các ngành, các cấp có liên quan trong tất cả các mối quan hệ với nông dân. Chính sự nhận thức đúng về vai trò, vị thế và trách nhiệm, quyền hạn của mình thì giai cấp nông dân mới tự phát huy nội lực để vươn lên, tức là phải có sự phối hợp hài hòa giữa sự tác động của xã hội và suy nghĩ hành động tích cực của nông dân thì mới phát huy được vai trò chủ thể. Cần nâng cao hơn nữa sự công nhận, quan tâm của các giai tầng khác trong xã hội, nhất là nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông thôn đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống nông dân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, trong xu hướng hiện nay, vấn đề về giai cấp nông dân đang đặt ra nhiều thách thức mới cần giải quyết. Vì vậy, Đảng cần ban hành nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng giai cấp nông dân trong giai đoạn hiện nay nhằm tạo điều kiện để nông dân trở thành lực lượng lao động chuyên nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; là lực lượng chính trị - xã hội vững mạnh, hùng hậu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có bản lĩnh, trình độ và năng lực làm chủ nông thôn; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở nông thôn; nông dân phải thật sự là người làm chủ nông thôn, là người được hưởng thụ xứng đáng với những thành quả, công sức và những đóng góp đối với đất nước.

Đặc biệt, trong công tác quản lý và điều hành, Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn để huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư vào nông thôn, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, điện, giao thông, thủy lợi, khoa học - công nghệ, chế biến nông sản, dạy nghề cho nông dân...; có chính sách khuyến khích mở rộng quy mô sản xuất, tích tụ ruộng đất, khắc phục tình trạng manh mún đất sản xuất, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng quy hoạch các vùng sản xuất gắn với hình thành cơ sở chế biến và tiêu thụ nông sản. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý để nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi, phát triển sản xuất và ngăn chặn tình trạng tín dụng “đen” ở nông thôn; Nhà nước có chính sách vĩ mô giúp nông dân tiêu thụ nông sản, tăng cường các giải pháp quản lý vật tư nông nghiệp, cây, con giống; có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản liên kết với nông dân theo hình thức đóng góp cổ phần, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu phát triển; khuyến khích các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu khoa học chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, đưa kỹ thuật số, tự động hóa, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, gắn kết sản xuất và tiêu thụ; tăng cường các chính sách vận động và khuyến khích nông dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm nông nghiệp để hạn chế thiệt hại của nông dân do rủi ro, thiên tai, dịch bệnh; tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kiến thức cho nông dân về quản lý kinh tế, quản trị nông nghiệp, khoa học - kỹ thuật, văn hóa - xã hội, pháp luật, thị trường và hội nhập quốc tế; có chính sách thu hút trí thức về nông thôn, từng bước trí thức hóa giai cấp nông dân, xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa việc chuyển dịch cơ cấu lao động và yêu cầu phát triển một lực lượng lao động nông nghiệp tiên tiến.

Mặt khác, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa không chỉ phát triển về số lượng, mà phải tạo được sự biến đổi về chất lượng, nâng cao niềm tin của giai cấp đối với Đảng, Nhà nước; nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng, kỷ cương lao động, biết hợp tác lao động để nông dân thực sự là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; đồng thời, cũng là đối tượng chính được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cần tập trung xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, đây là yêu cầu rất cần thiết, xem làm nông là một nghề và có thể làm giàu từ nghề nông. Chú trọng việc đào tạo nghề nâng cao và toàn diện, vì hiện nay làm nông nghiệp không chỉ cần có kinh nghiệm và kiến thức về nông nghiệp mà cần phải có kiến thức ở nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, dịch vụ, văn hóa, chính trị…

Cùng với đó, cần quan tâm đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền vận động nông dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là biết được vai trò, vị trí trong xã hội và trong mối quan hệ với các giai cấp, tầng lớp khác. Nâng cao trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng, thay đổi nhận thức và tư duy trong sản xuất để biết cần sản xuất ra những sản phẩm gì, có tâm, có tầm, biết nghĩ đến sức khoẻ nhân dân, không làm tổn thương lợi ích chung của cộng đồng, là người có kiến thức và hành động vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, phát triển bền vững cho hôm nay và cho thế hệ tương lai. Biết liên kết trong sản xuất, hợp tác, tự nguyện tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể. Có tư duy mở, luôn mong muốn mở rộng không gian giao tiếp, chủ động tạo lập các mối quan hệ xã hội.

Bên cạnh đó, cần phát huy đúng mức quyền làm chủ của giai cấp nông dân, đây là vấn đề cốt lõi để nông dân thực hiện tốt vai trò chủ thể. Thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” một cách thực tế và lấy sự hài lòng của người dân là thước đo cho hiệu quả công việc. Thực hành tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách cụ thể, thiết thực và hiệu quả.

Song song đó, xây dựng cơ chế phù hợp, tạo điều kiện cho tổ chức Hội Nông dân thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ vận động giai cấp nông dân, làm cầu nối giữa Đảng và giai cấp nông dân. Hội Nông dân có nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, trách nhiệm của Hội đối với giai cấp nông dân, nhất là trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Có sự đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ nội dung và phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Hội. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hội viên; vận động nông dân khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất, phấn đấu lao động vươn lên làm giàu chính đáng, tham gia tốt các hoạt động xã hội, tích cực xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của chính quyền; phong trào Hội Nông dân phát động phải hấp dẫn, thu hút và tập hợp đông đảo nông dân tham gia.

Đáng chú ý, cần có các công trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia để có thể nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tính chất và truyền thống của mỗi vùng, miền khác nhau. Có sự phân tích, đánh giá hiệu quả các mô hình đã được triển khai trong thực tế về phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới như: cánh đồng mẫu lớn, nông trang, nông trại; xây dựng hợp tác xã kiểu mới; liên kết giữa nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp và nhà khoa học; chuỗi giá trị nông sản; sự quan tâm của nông dân đối với công việc chính quyền địa phương. Cần có các chính sách, pháp luật về nông nghiệp phù hợp để giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong thời gian qua, tạo điều kiện để giai cấp nông dân phát huy vai trò chủ thể. Cần nghiên cứu xây dựng Luật về giai cấp nông dân và hoạt động của tổ chức Hội Nông dân nhằm tăng cường địa vị pháp lý của giai cấp nông dân.

Giai cấp nông dân có vị trí quan trọng trong các giai tầng của xã hội, với lực lượng đông đảo, đây là giai cấp đã, đang và sẽ có nhiều đóng góp, có sức ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi đất nước trong tiến trình hội nhập với thế giới. Khi thực hiện các chủ trương liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các cấp ủy đảng, chính quyền cần phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là yêu cầu quan trọng, cần thực hiện một cách nghiêm túc, có kết quả và đem lại hiệu quả cao. Để làm được điều đó, cần có sự đánh giá và nhìn nhận đúng mức vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân và nông thôn, quan tâm đến tâm tư, tình cảm và nguyện vọng nhằm phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn./.