Âm mưu của các thế lực thù địch tách sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội
Mỗi khi Việt Nam diễn ra những sự kiện chính trị trọng đại: Đại hội Đảng, chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội, sửa đổi Hiến pháp, ban hành, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và quân đội…, bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau, không ít cá nhân, tổ chức thù địch lại hợp xướng “bài ca muôn thuở” - đồng loạt tung ra những luận điệu cũ rích đòi Việt Nam thực hiện đa nguyên, đa đảng, đòi bỏ Điều 4, Hiến pháp năm 2013, đòi “phi chính trị hóa” quân đội... Các thế lực thù địch xảo biện và xuyên tạc rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và tổ chức, lãnh đạo quân đội là do nhu cầu lịch sử của công cuộc giải phóng dân tộc, nhưng hiện nay Việt Nam đã hoàn toàn được giải phóng và thống nhất đất nước hơn 45 năm, Đảng đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình” và không cần sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội(?!). Họ cho rằng, hiện nay, quyền lãnh đạo đất nước cần phải chia sẻ cho các lực lượng khác bằng cách thực hiện đa đảng hoặc trao cho cái gọi là “lực lượng dân chủ cấp tiến”; rằng, quân đội phải “trung lập”, quân đội phải “đứng ngoài chính trị”(?!).
Bản chất của luận điệu này là muốn tách quân đội khỏi sự lãnh đạo của Đảng, tiến tới vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, làm cho quân đội “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, mất phương hướng, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, suy yếu về chính trị, tiến tới bị vô hiệu hóa. Chúng muốn làm biến chất một đội quân vốn từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng, trở thành một đội quân đi ngược lại lợi ích của Đảng, của nhân dân, từ đó dễ bề làm chuyển hóa chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Không chỉ những phần tử chống đối lưu vong, mà hiện nay, một số phần tử cơ hội, bất mãn ở trong nước cũng ráo riết chống phá. Trên các trang mạng xã hội, chúng thường xuyên vu khống, xuyên tạc bản chất, vai trò, chức năng của quân đội, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo và tách sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.
Bài học từ thực tiễn lịch sử
Ngay từ khi mới ra đời, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng xác định sử dụng bạo lực cách mạng để đánh đổ bạo lực phản cách mạng. Trên cơ sở đó, Đảng đã sớm đề ra chủ trương tổ chức và lãnh đạo lực lượng vũ trang. Tại Đại hội I của Đảng (tháng 3-1935), trong Nghị quyết về “Đội tự vệ” - bước đi ban đầu trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng - Đảng xác định: “Công nông cách mạng Tự vệ đội là dưới quyền chỉ huy thống nhất của Trung ương, quân ủy của Đảng Cộng sản”(1). Khi mới thành lập (ngày 22-12-1944), thực hiện theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã thể hiện rõ sự lãnh đạo của Đảng trong tổ chức và thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh hệ thống chỉ huy có chi bộ đảng, bên cạnh người chỉ huy có chính trị viên. Từ khi thành lập đến nay, quân đội luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo đó được thực hiện theo nguyên tắc: “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện”, “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, thống nhất về mọi mặt”, “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” đối với quân đội. Tuy cách diễn đạt mỗi thời kỳ lịch sử có khác nhau, nhưng bản chất cốt lõi đều là một, đó là, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất thực hiện quyền lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam. Sự lãnh đạo đó thể hiện ở những vấn đề bao trùm có tính toàn diện: xác định đường lối quân sự, quốc phòng, xây dựng tổ chức, biên chế, bảo đảm vũ khí, trang bị, hiện đại hóa quân đội; phát triển khoa học, nghệ thuật quân sự; tổ chức nuôi dưỡng bộ đội; tiến hành công tác đảng, công tác chính trị,…
Đảng đã quy định cụ thể về hệ thống tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị, tổ chức quần chúng các cấp trong quân đội, để luôn giữ vững được vai trò lãnh đạo đối với quân đội, không ngừng xây dựng và phát huy bản chất, truyền thống “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(2) của quân đội. Trong quá trình ra đời và phát triển, quân đội đã làm tốt vai trò là chỗ dựa vững chắc cho toàn dân khởi nghĩa đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, lập nên những chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975), hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Sau ngày thống nhất đất nước, do hậu quả chiến tranh và những yếu tố tác động khác nhau, đã có giai đoạn, đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, kéo dài; đời sống cán bộ, chiến sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, Việt Nam lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược ở hai đầu đất nước (biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc). Dù thách thức đặt ra nặng nề, nhưng quân đội vẫn một lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, vượt mọi khó khăn, chiến đấu kiên cường, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Trong thời kỳ đổi mới, với chủ trương xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đội quân cách mạng ấy đã và đang thể hiện rõ là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy, nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tham gia phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Nhân tố quyết định để quân đội làm nên những thành tích mới ấy cũng xuất phát từ vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội.
Nhìn rộng ra, cách mạng thế giới đã để lại nhiều bài học đắt giá, nếu đảng cộng sản buông lỏng lãnh đạo đối với quân đội, thì cách mạng đứng trước nguy cơ thất bại. Sự khủng hoảng và sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, sự tan rã, mất phương hướng của quân đội các nước này ở cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ việc buông lỏng và tiến tới thủ tiêu nguyên tắc lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội (trước đó, trong một thời gian dài, quân đội Liên Xô bỏ hệ thống tổ chức đảng từ toàn quân đến cơ sở). Đó chính là sai lầm trầm trọng mà Đảng Cộng sản Liên Xô đã mắc phải trong lãnh đạo quân đội. Điều đó càng đặt ra yêu cầu trong việc quán triệt, thực hiện nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong quân đội.
Trong tiến trình đổi mới từ Đại hội VI đến Đại hội XIII, Đảng đều xác định chủ trương giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, đề ra những chủ trương, giải pháp lãnh đạo xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Ngày 20-7-2005, Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TW, “Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Sự vững mạnh về chính trị của quân đội, sự phát triển về chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội sau 16 năm thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW đã chứng minh tính đúng đắn của việc xác lập lại chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội. Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ Quân đội trong 5 năm tới, trong đó tiếp tục khẳng định phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội.
Trong giai đoạn phát triển mới, nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”(3). Đại hội chủ trương: “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân”(4).
Giải pháp giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội
Để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong tình hình mới, cần nắm vững và thực hiện tốt những giải pháp chủ yếu sau:
Một là, quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng toàn dân của Đảng. Cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ.
Quán triệt, học tập Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, làm cho mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn dân nhận thức rõ về nguyên tắc, tính tất yếu, yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong tình hình mới.
Trong chiến lược phát triển đất nước, cần tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”. “Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc,… trong từng địa phương, vùng, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể”(5).
Hai là, tập trung xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, đủ năng lực lãnh đạo toàn diện, có sức chiến đấu cao.
Đây là nhân tố giữ vai trò quyết định trực tiếp đến lãnh đạo xây dựng quân đội vững mạnh, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, cần quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng khi dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Đảng bộ Quân đội phải thật sự là một đảng bộ mẫu mực, thật sự trong sạch, vững mạnh, có tính chiến đấu cao, đoàn kết chặt chẽ để lãnh đạo toàn quân tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc và của quân đội, mãi mãi xứng danh là “Bộ đội Cụ Hồ”, mãi mãi xứng danh là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng. Phải chăm lo xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quân đội tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với Nhà nước và nhân dân, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, bảo đảm chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống(6).
Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội theo hướng tổng hợp, phù hợp với yêu cầu mới.
Tiến hành công tác đảng, công tác chính trị là vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, là “linh hồn, mạch sống” của quân đội cách mạng do Đảng lãnh đạo, bảo đảm cho quân đội giữ vững bản chất cách mạng, tính nhân dân và dân tộc. Do vậy, công tác này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, vừa toàn diện, vừa trọng điểm theo phương châm “ở đâu có bộ đội và nhân dân, ở đâu có sự chống phá của kẻ thù, ở đâu có hoạt động quân sự, quốc phòng…, ở đó có hoạt động công tác đảng, công tác chính trị”. Phải kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, bảo đảm đồng bộ các mặt tư tưởng, tổ chức, cán bộ, chính sách, dân vận và tuyên truyền… Trong điều kiện mới, công tác đảng, công tác chính trị vừa chú trọng xây dựng bản lĩnh chính trị, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, tinh thần sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vừa đặc biệt chú trọng xây dựng yếu tố tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh…, bảo đảm cho quân đội “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Bốn là, chăm lo thực hiện tốt chính sách đối với lực lượng vũ trang, chính sách hậu phương quân đội.
Cần khảo sát đời sống thực tế của từng nhóm cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ, chiến sĩ làm việc trong lĩnh vực, địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh để có chính sách cho phù hợp. Cần rà soát, bổ sung bảo đảm hệ thống chính sách hậu phương quân đội. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng thu hút, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, theo đó, việc tuyển dụng người vào làm việc trong quân đội phải bảo đảm về lý lịch chính trị, phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn, đồng thời có chính sách về thu nhập phù hợp với sự phát triển chung của xã hội và tính đặc thù của chuyên môn khi phục vụ trong quân đội.
Năm là, tăng cường mối quan hệ đoàn kết máu thịt quân - dân, kiên quyết vạch trần và đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa quân đội” của các thế lực thù địch./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét