Ngày 12/12, phái đoàn Việt Nam tại Liên
hợp quốc (LHQ) đã tổ chức lễ công bố Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân
quyền LHQ nhiệm kỳ 2026-2028.
Sự kiện được tổ chức vào dịp kỷ niệm
Ngày Nhân quyền quốc tế đã thu hút sự quan tâm, tham dự của đông đảo đại sứ,
đại diện các phái đoàn thường trực và quan sát viên tại LHQ. Việc tiếp tục ứng
cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2026 – 2028 khẳng định vị thế và uy tín
của Việt Nam đối với quốc tế, cũng như sự ghi nhận đối với thành tựu và đóng
góp của Việt Nam trong đảm bảo quyền con người.
Những luận điệu xuyên tạc, vu cáo
Tuy nhiên, ngay sau tuyên bố của đại
diện Việt Nam, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội của các tổ chức thù
địch, phản động lưu vong đã tung ra nhiều bài viết công kích, xuyên tạc, vu cáo
tình hình nhân quyền Việt Nam. Đồng thời, họ kêu gọi sự can thiệp của các tổ
chức quốc tế nhằm gây sức ép, cản trở Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền
LHQ nhiệm kỳ 2026-2028.
Nếu như đọc qua bài
viết trên trang RFA Tiếng Việt với tiêu đề “Nhiều tổ chức nhân quyền phản
đối Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ”, nhiều người sẽ lầm tưởng
về việc có nhiều tổ chức quốc tế lên tiếng đối với vấn đề này. Tuy nhiên, trong
nội dung bài viết chỉ nêu ý kiến của duy nhất một thành viên thuộc tổ chức Liên
minh xã hội dân sự toàn cầu (Civicus) với vài thông tin sơ sài cũng như thêm
thắt một số thông tin xuyên tạc có chủ đích nhằm hạ thấp uy tín của Việt Nam.
Tổ chức Civicus cũng là cái tên quen thuộc thường xuyên có hoạt động xuyên tạc,
vu cáo Việt Nam về tình hình nhân quyền. Như vậy, không hề có chuyện “nhiều tổ
chức nhân quyền phản đối” mà chỉ là một số tổ chức, nhóm cá nhân có hoạt động
chống phá Việt Nam đã lợi dụng việc này để “té nước theo mưa”.
Ngoài ra, VOA Tiếng
Việt dẫn nguồn tin từ tổ chức Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) về
việc tổ chức này “bày tỏ quan ngại trước sự gia tăng đàn áp của chính quyền
Việt Nam đối với các nhóm tôn giáo độc lập”. Tuy nhiên, nội dung bài viết đều
là những thông tin, căn cứ mơ hồ, nội dung phản ánh sai trái như cho rằng Việt
Nam có phân biệt đối xử của xã hội đối với người dân tộc thiểu số, vu cáo chính
quyền hành hung người dân tộc thiểu số theo tôn giáo ở Tây Nguyên và Tây Bắc,
bày tỏ quan ngại về việc người dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành ở Tây Nguyên
bị hạn chế hoạt động, áp dụng luật pháp không nhất quán dẫn tới nhiều khó khăn
trong việc đăng ký với chính quyền cấp tỉnh của các giáo xứ vùng sâu, vùng xa.
Điều đáng nói là những thông tin trên lại xuất phát từ một số phần tử chống đối
trong nước tích cực tham gia hội luận trực tuyến do bên ngoài tổ chức, số này
xuyên tạc rằng “chính quyền Việt Nam cướp đất của người Khmer, đàn áp người dân
tộc”… Những thông tin bịa đặt như vậy nhưng lại được đưa vào báo cáo nhân
quyền, tạo cớ chống Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Tổ chức khủng bố Việt
Tân thì rêu rao về các cuộc biểu tình của người Việt tại một số quốc gia như Na
Uy, Đức, Úc, Canada… để vu cáo Việt Nam “đàn áp nhân quyền”. Các đối tượng lồng
ghép những biểu ngữ sai sự thật về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, vu cáo
“dưới chế độ độc tài, người dân Việt Nam không có dân chủ, tự do” và cho rằng
chính quyền Việt Nam đang thực hiện những hành vi đàn áp đối với những người
bất đồng chính kiến; miệt thị, xuyên tạc Việt Nam “bịt miệng” quyền tự do báo
chí và quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, nhìn những hình ảnh được chính tổ chức
này lan truyền trên mạng xã hội, không khó để thấy những cuộc biểu tình trên
thực chất chỉ là sự tập trung của một nhóm nhỏ với những gương mặt chống đối
quen thuộc, hoàn toàn không có chuyện “biểu tình rầm rộ” như thông tin họ đưa
ra.
Có thể thấy, dựa vào
các thông tin sai lệch về tình hình tự do tôn giáo, dân tộc và tình hình nhân
quyền do một số phần tử phản động ở trong nước, một số tổ chức phi chính phủ
không thiện chí với Việt Nam, tổ chức phản động lưu vong chống phá Việt Nam như
Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (Civicus); Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa
Kỳ (USCIRF), Mạng lưới nhân quyền Việt Nam (VHRN)…, trong đó có nhiều thông tin
phiến diện, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Dựa vào đó, các thế lực
thù địch kêu gọi sự can thiệp của các quốc gia phương Tây nhằm đòi Chính phủ
Việt Nam phải trả tự do cho tất cả những phạm nhân mà họ tự gọi là “tù nhân
lương tâm”…
Đây không phải chiêu
trò gì mới khi các tổ chức trên đưa những thông tin xuyên tạc, vu cáo về tình hình
nhân quyền cũng như kêu gọi sự can thiệp của quốc tế nhằm chống phá Việt Nam
ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ. Khi Việt Nam tuyên bố ứng cử nhiệm kỳ 2023
- 2025, các thành phần chống phá Việt Nam cũng đã dùng mọi thủ đoạn tuyên
truyền xuyên tạc, hạ uy tín, cản trở Việt Nam. Dưới chiêu bài bảo vệ dân chủ,
nhân quyền, các tổ chức này ra sức vận động nhằm gây sức ép lên Chính phủ Hoa
Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo
(CPC), sau đó Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc
biệt về tự do tôn giáo (SWL). Với chiêu trò này, họ tìm cách hạ uy tín, vị thế
của Việt Nam đối với quốc tế cũng như khuếch trương thanh thế và kích động số
chống đối ở trong nước tiến hành các hoạt động tụ tập, gây rối, bạo loạn lật
đổ.
Chiêu trò vu cáo không
thể phủ mờ thành tựu, vị thế của Việt Nam
Nhân quyền là vấn đề
mang tính phổ quát của toàn cầu. Tuy nhiên, với mỗi quốc gia, dân tộc, tuỳ theo
đặc điểm văn hoá, lịch sử đều có những tiêu chuẩn, quy định riêng. Việc áp đặt
tiêu chí của nước này vào nước khác là không phù hợp và đó cũng là hành vi can
thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, không đúng với quy định của LHQ. Trên
thực tế, Việt Nam đã thể hiện bằng những hành động cụ thể thực thi quyền con
người theo những Công ước mà Việt Nam đã ký kết. Cụ thể như: Bộ luật Hình sự
năm 2015 tiếp tục bỏ án tử hình ở 8 tội danh; không áp dụng hình phạt tử hình
với người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng
tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội. Tính đến nay, Việt Nam đã phê
chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của LHQ về quyền con người; phê chuẩn, gia
nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế. So với nhiều nước, Việt Nam
không thua kém về số lượng các công ước đã ký kết.
Từ khi Hội đồng Nhân
quyền LHQ được thành lập (năm 2006), Việt Nam hai lần trúng cử vào Hội đồng
này: Năm 2013, lần đầu tiên trúng cử nhiệm kỳ 2014-2016; năm 2022 trúng cử
nhiệm kỳ 2023 - 2025 và đang tái ứng cử nhiệm kỳ 2026-2028 để tiếp nối những
đóng góp và cam kết. Đồng thời, Việt Nam là thành viên tích cực của các thể chế
nhân quyền LHQ và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con
người. Với tư cách là quốc gia thành viên, Việt Nam đã nội luật hóa các quy
định của pháp luật quốc tế vào hệ thống pháp luật quốc gia; rà soát kết quả
thực hiện và báo cáo định kỳ nghiêm túc với Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Trong nhiệm kỳ
2023-2025, Việt Nam cùng 13 quốc gia khác đảm nhiệm vị trí thành viên của Hội
đồng Nhân quyền. Trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã thể
hiện cam kết mạnh mẽ thông qua các hoạt động thực chất. Tại các diễn đàn quốc
tế, Việt Nam tích cực tham gia đối thoại, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia
trong việc bảo đảm quyền con người. Chẳng hạn, Việt Nam đã nhiều lần phát biểu
và góp ý về các vấn đề toàn cầu như bảo vệ quyền trẻ em, thúc đẩy bình đẳng
giới và ứng phó với biến đổi khí hậu – những lĩnh vực có tác động trực tiếp đến
quyền sống và phát triển của con người. Không chỉ dừng lại ở các diễn đàn quốc
tế, trong nước, Việt Nam cũng triển khai nhiều chương trình, chính sách nhằm
hiện thực hóa các cam kết về quyền con người. Đồng thời, Việt Nam đã được quốc
tế ghi nhận khi có cách tiếp cận xây dựng trong thúc đẩy đối thoại trong khuôn
khổ Hội đồng Nhân quyền giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ
chế của LHQ về quyền con người nhằm giải quyết những quan tâm cụ thể về các vấn
đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo; gắn với việc phối hợp với các nước đang
phát triển đấu tranh để bảo đảm Hội đồng Nhân quyền hoạt động đúng nguyên tắc,
thủ tục, không chính trị hóa, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước.
Tại khu vực, uy tín
của Việt Nam được thể hiện qua vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam
Á (ASEAN) 2020, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền
(AICHR).
Năm 2024, một trong
những thành tựu nổi bật là các chính sách an sinh xã hội được thực hiện một
cách hiệu quả, đặc biệt hướng đến các nhóm yếu thế. Các chương trình hỗ trợ
sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa đã góp phần giảm
nghèo bền vững, trong khi các sáng kiến thúc đẩy giáo dục hòa nhập dành cho trẻ
em khuyết tật được triển khai rộng rãi. Ngoài ra, việc cải cách Luật Lao động
nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động trong các ngành công nghiệp đã giúp Việt
Nam cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao mức sống cho hàng triệu người lao
động. Theo Báo cáo Phát triển con người của UNDP, Chỉ số phát triển con người
(HDI) của Việt Nam năm 2024 tăng 8 bậc so với kỳ trước, từ 115 lên vị trí
107/193 quốc gia. Theo xếp hạng của LHQ, chỉ số hạnh phúc năm 2024 của Việt Nam
tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143; chỉ số phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam năm
2024 tăng 1 bậc so với năm 2023, xếp thứ 54/166. Việt Nam hiện là thành viên và
tích cực tham gia các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhiệm kỳ
2023-2025. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam được đánh giá là một
trong những quốc gia tiến nhanh nhất trên thế giới về tăng Chỉ số phát triển
con người (HDI). Chỉ trong vòng 1 thập kỷ, chỉ số phát triển con người của Việt
Nam đã tăng 46%, thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ tăng cao nhất thế giới. Theo các
tổ chức và chuyên gia quốc tế, đây là minh chứng cho thấy Việt Nam luôn đặt con
người là mục tiêu, động lực cho sự phát triển.
Việc tái ứng cử làm
thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2026-2028 là cơ hội lớn để Việt Nam
tiếp tục đóng góp tích cực vào những nỗ lực chung của LHQ cũng như của cộng
đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy những giá trị phổ quát về quyền con
người, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển
và tiến bộ xã hội. Các chiêu trò vu cáo không thể phủ mờ thành tựu, vị thế, uy
tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét