Trung Quốc thử nghiệm máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 

Ngày 26-12 (giờ Bắc Kinh), Viện Nghiên cứu và Thiết kế Máy bay Thành Đô (CADI) (còn gọi là Viện Thiết kế 611) phối hợp cùng Không quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm đầu tiên với mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6.

Video máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Trung Quốc bay thử nghiệm lan truyền trên mạng xã hội. Nguồn: Bulgarianmilitary

Các video trên mạng xã hội cho thấy chiếc máy bay chiến đấu này được hộ tống bởi một chiếc J-20 – chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Trung Quốc. Các hình ảnh trích từ video và các góc chụp phóng to đã tiết lộ một số chi tiết đáng chú ý.

Mẫu máy bay thử nghiệm sử dụng cấu hình cánh kép Delta, một thiết kế hiện đại, kết hợp hai phần của mỗi bên cánh với góc quét khác nhau, giúp tối ưu hiệu suất khi bay ở tốc độ siêu âm và trong các tình huống không chiến ở cự ly gần.

Quân sự thế giới hôm nay (27-12): Nga thành lập trung đoàn tên lửa S-500 đầu tiên
Thiết kế bên ngoài của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Trung Quốc. Ảnh cắt từ video: Armyrecognition

Phần cánh trước với góc quét nhỏ hơn giúp cải thiện khả năng kiểm soát máy bay ở tốc độ thấp, đặc biệt quan trọng trong các tình huống tác chiến đòi hỏi sự linh hoạt cao. Đồng thời, thiết kế này giảm lực cản khí động học, tăng hiệu suất sử dụng nhiên liệu và kéo dài thời gian hoạt động trên không.

Hình dạng cánh kép Delta được thiết kế để phân tán tín hiệu radar, kết hợp với sự liền mạch giữa cánh và thân máy bay nhằm giảm tối đa diện tích phản xạ radar. Ngoài ra, hệ thống quản lý luồng khí đẩy tối ưu giúp che giấu hiệu ứng nhiệt của động cơ, làm giảm nguy cơ bị phát hiện bằng radar hoặc cảm biến hồng ngoại.

Một đặc điểm nổi bật khác của mẫu máy bay chiến đấu này là thiết kế không có đuôi. Việc loại bỏ đuôi cũng giúp giảm diện tích phản xạ radar và giảm phát xạ nhiệt, tăng khả năng tàng hình trước các hệ thống phòng không của đối phương.

Quân sự thế giới hôm nay (27-12): Nga thành lập trung đoàn tên lửa S-500 đầu tiên
Mô hình cho thấy thiết kế bên trong của máy bay. Ảnh: Bulgarianmilitary

Mặc dù các thông số kỹ thuật chính xác của máy bay vẫn được giữ bí mật, giới chuyên gia tin rằng mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Trung Quốc được tích hợp rất nhiều công nghệ hiện đại. Trong số đó, nổi bật là khả năng tàng hình vượt trội, cùng hệ thống điện tử hàng không tiên tiến.

Mẫu máy bay này còn được cho là được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), giúp xử lý dữ liệu lớn và cải thiện khả năng ra quyết định trong các tình huống chiến đấu thực tế. Một tính năng đáng chú ý khác là khả năng phối hợp với các phương tiện không người lái (UAV), mở ra khái niệm "đội hình chiến đấu kết hợp người-máy" trong tương lai. Điều này không chỉ tăng cường tính linh hoạt mà còn tối ưu hóa độ chính xác trong các hoạt động chiến đấu, từ trinh sát, tấn công mục tiêu cho đến bảo vệ đội hình.

Nga thành lập Trung đoàn tên lửa S-500 đầu tiên

Mới đây, Đại tướng Valery Gerasimov, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga, đã công bố việc thành lập Trung đoàn tên lửa S-500 Prometheus đầu tiên của nước này. 

Quân sự thế giới hôm nay (27-12): Nga thành lập trung đoàn tên lửa S-500 đầu tiên
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 trưng bày tại Diễn đàn Army-2020. Ảnh: Armyrecognition

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 được sản xuất với hai cấu hình chính: Một cấu hình chuyên về phòng không tầm xa và một cấu hình tập trung vào phòng thủ tên lửa. Tuy nhiên, Đại tướng Gerasimov không tiết lộ chi tiết về số lượng tên lửa S-500 đã được biên chế cho đơn vị, do vậy quy mô triển khai của hệ thống phòng thủ tên lửa này vẫn còn là một ẩn số.

Việc tổ chức các hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 theo đội hình đơn vị được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao toàn diện năng lực phòng thủ của Nga. Tên lửa S-500 có khả năng đối phó với nhiều mối đe dọa hơn so với các hệ thống phòng thủ tên lửa tiền nhiệm là S-300 và S-400. Một trong những nâng cấp đáng chú ý nhất là khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa siêu vượt âm, và thậm chí cả các vệ tinh quỹ đạo thấp. 

So với các hệ thống S-300 và S-400, hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 có ưu thế hơn ở nhiều khía cạnh quan trọng. Cụ thể, S-500 có tầm bắn lên tới 600km, vượt trội so với tầm bắn 400km của hệ thống S-400 và khoảng 200km của S-300. Với tầm bắn mở rộng, S-500 tạo ra một "ô phòng thủ" lớn hơn nhiều, trở thành lá chắn hữu hiệu chống lại các cuộc tấn công, xâm nhập từ trên không. Thêm vào đó, hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 được nâng cấp khả năng đánh chặn tên lửa siêu vượt âm, dòng tên lửa vốn là thách thức lớn đối với các hệ thống S-400 bởi tốc độ và khả năng cơ động của chúng.

Ngoài ra, một trong những tính năng nổi bật nhất của tên lửa S-500 là khả năng tiêu diệt các vệ tinh quỹ đạo thấp, mở ra một nhiệm vụ mới, không chỉ giới hạn ở phòng không mà còn bao gồm khả năng ngăn chặn các hệ thống vệ tinh của đối phương. 

Ấn Độ mua thêm pháo tự hành K9 Vajra-T

Bộ Quốc phòng Ấn Độ vừa ký thỏa thuận với Tập đoàn Larsen & Toubro (L&T) nhằm cung cấp các hệ thống pháo tự hành K9 Vajra-T cho Lục quân nước này. Thông tin được công bố trên trang web chính thức của Tập đoàn L&T.

Quân sự thế giới hôm nay (27-12): Nga thành lập trung đoàn tên lửa S-500 đầu tiên
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh trên một xe pháo tự hành K9 Vajra-T tại nhà máy của Tập đoàn Larsen & Toubro ở Hazira, bang Gujarat ngày 16-1-2020. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ấn Độ

Theo thỏa thuận, L&T sẽ sản xuất hàng loạt pháo tự hành K9 Vajra-T tại Ấn Độ theo giấy phép chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc. K9 Vajra-T là phiên bản cải tiến từ hệ thống pháo tự hành K9 Thunder của Hàn Quốc, được tùy chỉnh để phù hợp với yêu cầu của quân đội Ấn Độ. Giá trị hợp đồng được ước tính khoảng 895,5 triệu USD bao gồm các xe pháo tự hành cùng với các dịch vụ liên quan. 

Hệ thống pháo tự hành K9 Vajra-T sẽ được sản xuất tại nhà máy của Tập đoàn L&T ở Hazira, bang Gujarat, với sự tham gia hợp tác của Công ty Hanwha Aerospace (Hàn Quốc). Đây là hợp đồng thứ hai của L&T liên quan đến việc sản xuất các hệ thống pháo tự hành.

Trước đó, vào năm 2017, L&T đã thắng thầu phát triển và sản xuất 100 hệ thống pháo tự hành K9 Vajra-T trong đợt đầu tiên và đã hoàn thành bàn giao trước thời hạn vào năm 2020.

Đáng chú ý, hơn 80% quy trình sản xuất pháo K9 Vajra-T được thực hiện tại Ấn Độ, với các thành phần sản xuất trong nước chiếm hơn một nửa tổng chi phí. Pháo tự hành K9 Vajra-T được thiết kế để hoạt động hiệu quả trong các môi trường khắc nghiệt, từ vùng núi cao với nhiệt độ dưới 0 độ C đến các khu vực sa mạc.

Hệ thống pháo tự hành K9 Vajra-T cũng được trang bị nhiều linh kiện nội địa, bao gồm hệ thống nạp đạn và hệ thống kiểm soát hỏa lực.

Hợp đồng mua sắm pháo tự hành K9 Vajra-T mới của Bộ Quốc phòng Ấn Độ không chỉ giúp củng cố sức mạnh quân sự của quân đội nước này mà còn thúc đẩy ngành sản xuất quốc phòng trong nước.