Thứ Năm, 2 tháng 1, 2025

Học tập tấm gương mẫu mực, sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

 Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn là việc làm có ý nghĩa quan trọng đối với cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thể hiện năng lực tư duy khoa học, sáng tạo và phẩm chất đạo đức, phong cách, lối sống thanh cao của một danh nhân văn hóa kiệt xuất nhưng lại rất gần gũi với cuộc sống, công việc hàng ngày, ai cũng có thể học tập, làm theo được. Theo Người, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là một yêu cầu trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, là điều kiện bắt buộc trong thực thi đời sống mới mà còn là một phẩm chất đạo đức cần phải có của người cách mạng. Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm Đường Kách mệnh dùng để huấn luyện lớp cán bộ cách mạng đầu tiên, Hồ Chí Minh đã chỉ ra tư cách của người cách mệnh: tự mình phải cần kiệm, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, ít lòng ham muốn vật chất... Trong nhiều bài viết và nói sau này, Người đều đề cập đến bốn đức quan trọng là cần, kiệm, liêm, chính. Theo Người, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu. “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Phải đánh bạt những tư tưởng công thần, địa vị, danh lợi của chủ nghĩa cá nhân, làm cho tư tưởng của chủ nghĩa tập thể thắng lợi, tức là phát huy tinh thần cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ của công, chống tham ô, lãng phí”
Tấm gương mẫu mực Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí biểu hiện xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Rất nhiều câu chuyện được kể lại từ những người được sống và làm việc cùng Bác đã minh chứng cho nhân cách của vị lãnh tụ “một đời thanh bạch, chẳng vàng son”, “nâng niu tất cả, chỉ quên mình”: Trong kháng chiến chống Pháp, Bác cũng sinh hoạt như anh em bảo vệ, ăn chung với mọi người… Trời rét (...), chỉ đắp chiếc chăn cũ nhuộm nâu, quần áo của Bác đều nhuộm nâu. Bác tự đánh máy (...). Văn phòng Trung ương cử một đồng chí sang giúp Bác đánh máy, Bác phê bình là lãng phí(2). Chỉ khi sắp sang Pháp, vào cuối tháng 5/1946, Bác mới may thêm một bộ dạ đen, cũng cùng một kiểu với bộ kaki vẫn mặc. Hành lý của một vị Chủ tịch nước sang đàm phán về việc sống còn của dân tộc với Chính phủ Pháp, xếp không đầy một vali khổ nhỡ. Ngoài mấy bộ quần áo nói trên, có một đôi giầy da. Không có bác sĩ đi theo để săn sóc Bác dọc đường. Đồ dùng riêng của Bác là cái đồng hồ cũ kỹ
Cả một đời vì nước, vì dân, tất cả những gì Bác tiết kiệm trong cuộc sống cá nhân đều là để dành phục vụ tổ chức, đoàn thể, cách mạng. Đồng bào trong nước và các bạn nước ngoài tặng Bác nhiều vải lụa tốt, nhưng Bác không cho may mà dùng để làm tặng phẩm cho đồng bào và chiến sĩ có thành tích trong kháng chiến. Với sách cũng vậy, dù Bác nhận được rất nhiều sách của các tác giả, các nhà xuất bản gửi biếu, sách của những cá nhân và tổ chức nước ngoài gửi tặng qua Bộ Ngoại giao hoặc các đoàn của ta đi công tác mang về... nhưng Bác không có thư viện riêng. Sách báo đọc xong, Bác thường gửi tới các nơi cần sử dụng. Những sách báo cần làm tư liệu, Bác giữ lại, nhưng sử dụng xong Bác cũng gửi đi tới các nơi cần sử dụng. Bác có một cuốn sổ tiết kiệm (đứng tên đồng chí Lê Hữu Lập) gửi ở quầy tiết kiệm phố Hàng Gai, Hà Nội. Tiền tiết kiệm được dành dụm từ tiền lương hàng tháng còn lại sau khi trừ mọi chi tiêu sinh hoạt và tiền nhuận bút mà Bác viết bài cho báo Nhân dân. Bác thường dùng tiền tiết kiệm làm quà tặng trong những dịp cần thiết (như có dịp đi công tác về, Bác thấy bộ đội phòng không trực chiến dư­ới ánh nắng chói chang của mùa hè, Bác đã chỉ thị rút số tiền tiết kiệm trong sổ trao cho Bộ Quốc phòng làm quà tặng bộ đội phòng không để có thêm nước giải khát). Dịp Bác đi nước ngoài dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô, là đại biểu mời, Bác được Đảng bạn tặng một số tiền và Bác đã dặn thư ký Vũ Kỳ nhập số tiền đó vào quỹ Đảng. Bác coi số tiền đó là của chung chứ không để vào sổ tiết kiệm của Người.

Trong tình hình kinh tế và chính trị của dân ta hồi đó, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh hoạt bình thường như cán bộ và nhân dân chứng tỏ Bác hiểu rất rõ, rất sát tình hình đời sống vật chất của nhân dân và cán bộ, đồng thời thể hiện tấm lòng của Bác, một lãnh tụ muốn cùng chịu gian khổ với dân. Sự giản dị ấy, phong thái ung dung ấy kết hợp nhuần nhị những nét cao đẹp của tính cách dân tộc với đạo đức cộng sản, có sức thu hút mạnh mẽ trái tim mọi người và khiến cho Bác càng trở nên vĩ đại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, yêu nước thì phải thi đua thực hành tiết kiệm, tích cực chống lãng phí để xây dựng đất nước, xây dựng CNXH. Người luôn nhấn mạnh đến vấn đề này tại mỗi hội nghị, mỗi đại hội, mỗi kỳ họp Quốc hội và nhiều bài nói, bài viết khác. Trong bài Quốc hội ta vĩ đại thật (Báo Nhân dân, số 2304, ngày 10/7/1960) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến nhiệm vụ của mỗi vị đại biểu Quốc hội để xứng đáng là người đày tớ trung thành của nhân dân là phải: “- Thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; - Một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội; - Làm gương mẫu trong việc thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô”. Người còn viết nhiều tài liệu để tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân, yêu cầu trong mọi hành động, mọi lĩnh vực và mỗi người đều phải tiết kiệm, chống lãng phí. Bác lưu ý đặc biệt việc phải triệt để tiết kiệm của công vì đó là mồ hôi, công sức của dân, xương máu của bộ đội, chiến sĩ. Với viên chức tại các công sở, Bác yêu cầu: “phải biết tiết kiệm đồng tiền kiếm được, cũng như các vật liệu và đồ dùng trong các sở. Rút bớt hết những sự gì không cần thiết, chớ phao phí giấy má và các thứ của công(6). Với bộ đội, Bác căn dặn rất cụ thể về việc giữ gìn, bảo vệ chiến lợi phẩm bởi đó cũng là của công, của nhân dân, của quốc gia, không phải của địch; chiến sĩ ta phải đổ máu mới lấy lại được cho nên “Không được phung phí, hoặc chiếm làm của riêng cá nhân, khi canh gác phải biết thu dọn cho ngăn nắp, và che mưa nắng cho chu đáo”(7). Bác còn chỉ dẫn các cấp chỉ huy trong quân đội: “Không tiêu hoang phí tiền riêng của các chú cũng chưa phải là Kiệm. Các chú còn phải biết tiết kiệm của công, dạy cho bộ đội biết tiết kiệm của công, thì mới thật là Kiệm. Các chú không lấy của công làm của tư, không lấy chiến lợi phẩm về cho gia đình bè bạn mới chỉ là Liêm một nửa. Các chú phải dạy cho bộ đội và khuyến khích nhân dân không lấy của công, không lấy chiến lợi phẩm làm của riêng mới thật là Liêm”(8). Với thanh niên là những chủ nhân tương lai của nước nhà, Bác đặt ra yêu cầu không chỉ giáo dục cho họ về vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí mà còn phải rèn luyện tạo thành thói quen trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Từ tháng 2/1955, trong bài viết “Bảo vệ tài sản công”, Bác đã căn dặn: “Các ngành giáo dục cần phải bồi dưỡng cho thanh niên thói quen tiết kiệm, bảo vệ của chung; chống lãng phí xa hoa, xem khinh lao động” . Với chị em phụ nữ Việt Nam vốn có tính cách tốt đẹp là cần cù, chịu khó, biết lo toan, Bác khuyến khích chị em hăng hái thi đua thực hiện “cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình”. Với cán bộ ngành ngoại giao, Bác căn dặn những điều cần chú ý: “Cán bộ ngoại giao ta ra ngoài phải có hình thức làm sao cho gọn ghẽ, sạch sẽ, nhưng không được lãng phí, xa hoa. Tr­ường hợp làm tiệc mặn, song nếu ta làm được tiệc trà thay vào là tốt nhất. Ta không thể đua với người được. Người giàu có, còn ta thì nghèo. Chính vì vậy, phải hết sức tiết kiệm. Ngoại giao càng phải tiết kiệm”(9). Trong Thư gửi đồng bào công giáo nhân dịp lễ Nôen 1953, Bác kêu gọi đồng bào công giáo tham gia kháng chiến cứu nước, thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cải cách ruộng đất làm cho người cày có ruộng, tín ngưỡng tự do. Bác khẳng định đó cũng chính là “làm trọn chính sách của Chính phủ cũng là làm trọn tinh thần của Chúa Cơ đốc”.
Cuộc đấu tranh chống lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong cuộc chiến với thứ “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp này, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động, trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân khu vực công, khu vực tư để từ đó “tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới” như Tổng bí thư Tô Lâm đã kêu gọi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét