Trong giai đoạn hiện tại, không một quốc gia nào có thể bỏ qua vấn đề nhân quyền mà có thể thiết lập quan hệ tốt đẹp với nước khác và không gặp phải sự phản kháng của nhân dân. Vì thế, quay trở lại với các tư tưởng chính trực, đúng đắn và nhân văn được thực tế và lịch sử thừa nhận về quyền con người (QCN) của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tính tất yếu khách quan. Tuy nhiên, thời đại ngày nay đã khác với những năm 50, 60 của thế kỷ XX nên những vấn đề mà người dân, Đảng và Nhà nước Việt Nam phải đối mặt trong lĩnh vực phát triển kinh tế nhằm bảo đảm QCN cũng có nhiều vấn đề mới, cần nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo và khoa học và phù hợp
Trong lĩnh vực kinh tế, QCN được Hồ Chí Minh giải thích một cách giản dị, đó là làm cho dân được ấm no và giàu có. Để nhân dân Việt Nam được no cơm, ấm áo, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: phải phát triển sản xuất. Người nói: “Muốn xã hội giàu thì mỗi cá nhân, mỗi gia đình cho đến cả nước phải tăng gia sản xuất”. Muốn phát triển sản xuất, phải tiết kiệm để tích lũy vốn cho đầu tư phát triển, phải nắm vững và tích cực cải tiến công nghệ, phải áp dụng các hình thức tổ chức sản xuất tối ưu.
Dù theo chủ nghĩa nào thì phát triển kinh tế cũng là điều kiện vật chất để công dân cải thiện cuộc sống và vị thế trong xã hội. Thực tế cho thấy, ở các nước có chế độ chính trị tư bản chủ nghĩa, khi thu nhập đầu người khá cao, vượt qua nhiều mức thu nhập thỏa mãn nhu cầu tất yếu, chính phủ có thể tăng thu thuế để cung cấp nhiều loại phúc lợi xã hội cho dân cư, tức bảo đảm QCN một cách phổ biến. Một chính phủ không có nguồn lực tài chính thì khó có thể duy trì bộ máy quyền lực của mình, nói gì đến hỗ trợ công dân bằng phúc lợi xã hội. Chính vì thế, ưu tiên phát triển kinh tế, với tư cách điều kiện và nội dung quan trọng bảo đảm QCN, một trong những tư tưởng kiên định của Hồ Chí Minh cần được phát huy.
Trong giai đoạn đến 2030 và 2045, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao năng suất lao động để đạt được thu nhập cao trên cơ sở ứng dụng thành quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh, phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội, bảo đảm QCN. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng, nhưng không phải bất khả thi. Trên thế giới đã có nhiều nước hoàn thành quá trình này trong 25-30 năm. Năm 2020 Việt Nam đã lỡ hẹn với mục tiêu hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên cần tính toán các kế hoạch khả thi. Một trong những điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ này là đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu và quản lý nhà nước nhằm tạo môi trường thích ứng. Trong điều kiện đó, tư tưởng người lao động phải tự giác, tự chủ hoàn thành nhiệm vụ của mình, không dựa dẫm, ỷ lại vào xã hội, nhà nước và yêu cầu đối với cán bộ mà Hồ Chí Minh đề ra là vừa hồng,vừa chuyên phải được vận dụng thực chất và phù hợp với tình hình mới.
Phát triển kinh tế trong điều kiện hội nhập vào thị trường thế giới trong đó quyền chi phối còn nằm trong tay các nước tư bản lớn đòi hỏi Đảng, Nhà nước và mọi công dân phải linh hoạt ứng biến, một mặt, giống như khẳng định của Hồ Chí Minh, phải kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa, bởi chỉ có xã hội chủ nghĩa mới cho phép quảng đại người lao động có điều kiện vật chất và tinh thần làm chủ xã hội, làm chủ chính mình. Tuy nhiên, phải thoát khỏi tư tưởng nóng vội cho rằng có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng biện pháp hành chính.
Phát triển kinh tế phải tuân theo quy luật là quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, do đó, phải phát huy mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho từng người dân tự chủ quyết định trong điều kiện kinh tế thị trường bằng cách thừa nhận và đối xử bình đẳng với mọi thành phần kinh tế, trong đó lấy cạnh tranh lành mạnh làm thuốc thử loại bỏ thành phần kinh tế có hiệu quả hoạt động thấp hơn các thành phần kinh tế khác. Không nên áp đặt cho thành phần nào đó vai trò kiểm soát nền kinh tế.
Mặt khác, cần tuân thủ pháp luật quốc tế, vì đó là điều kiện đầu tiên để Việt Nam có thể hội nhập, từ đó tăng khả năng, cơ hội và nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững, dù rằng pháp luật quốc tế chưa phải công bằng do sự kiểm soát của các nước tư bản chủ nghĩa. Ở đây nguyên tắc mà Hồ Chí Minh đưa ra vẫn có giá trị định hướng, soi sáng cho chúng ta. Đó là, Việt Nam sẽ thiết lập quan hệ với tất cả các nước tôn trọng và đối xử thành thật với chúng ta. Mọi vấn đề lợi ích phải dựa trên nguyên tắc cùng có lợi và chủ quyền quốc gia.
Các tư tưởng về tự do, độc lập, bình đẳng giữa các dân tộc, trên cơ sở đó thiết lập thể chế để người dân lao động được quyền tự chủ trong các quyết định liên quan đến họ của Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, nhất là đối với Việt Nam trong giai đoạn đến 2030 và 2045. Tuy nhiên, vận dụng các tư tưởng đó vào thực tiễn cần phù hợp với thời đại và đặc thù Việt Nam thể hiện qua một số quan điểm sau đây:
Một là, Việt Nam ngày nay đã khác xa thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày nay Việt Nam không chỉ độc lập, thống nhất, mà còn trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế cũng như có quan hệ kinh tế với nhiều nước trên thế giới. Vì thế, cách hiểu về độc lập, nhất là độc lập về kinh tế đã khác những năm 50-60 của thế kỷ XX. Độc lập kinh tế không phải là không phụ thuộc vào đầu tư, thương mại với nước khác. Độc lập về kinh tế thể hiện ở khía cạnh Việt Nam có tiếng nói trong xây dựng pháp luật quốc tế cũng như có cơ cấu kinh tế tiến bộ hiện đại, định vị vững vàng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Để có thể vận dụng hiệu quả và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế tạo tiền đề vật chất bảo đảm QCN định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, thiết nghĩ, Đảng, Chính phủ và mọi công dân cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, nghiên cứu sâu sắc, chắt lọc các tư tưởng tinh túy còn giá trị đến ngày nay của Hồ Chí Minh trong lĩnh vực phát triển kinh tế tạo tiền đề vật chất bảo đảm QCN. Những tư tưởng sau đây của Hồ Chí Minh cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng: (i) QCN chỉ có thể được thực hiện khi dân tộc có quyền độc lập, tự quyết và quyền này phải được các nước tôn trọng. Muốn vậy phải trở thành một nước giàu, mạnh; (ii) phải phát triển kinh tế toàn diện cả công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ trên cơ sở cải tiến kỹ thuật và tổ chức sản xuất; (iii) mỗi người, cả nông dân, công nhân, trí thức, công thương… đều phải nỗ lực tự chủ phát triển kinh tế trên cương vị người làm chủ, không thể trông chờ, chây ì dựa vào nhà nước, người khác, nước khác; (iv) Đảng, Nhà nước thông qua cán bộ quản lý kinh tế phải tạo điều kiện cho công dân làm chủ thông qua chế độ quản lý dân chủ, chế độ dân phê bình cán bộ, cán bộ đi sâu đi sát nhân dân.
Thứ hai, sau khi đã xác định rõ các tư tưởng cốt lõi, cần xây dựng kế hoạch, phương thức tuyên truyền, vận động thực chất, phù hợp với từng ngành nghề, từng đối tượng như Hồ Chí Minh đã làm, như đối với công nhân, đối với nông dân, người làm dịch vụ, đối với các dân tộc ít người, thanh niên, phụ nữ... Điều quyết định là gây dựng ở mỗi công dân ý chí tự lực, tự cường, có ý chí vươn lên làm chủ bản thân, làm chủ xã hội. Đồng thời cũng xác định rõ những nghĩa vụ, yêu cầu, nhiệm vụ mà mỗi công dân phải hoàn thành trên cương vị của mình theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Hạn chế khai thác khía cạnh thần thánh hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ ba, muốn phát triển kinh tế, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần kỹ thuật, thái độ làm việc tích cực, sáng tạo của người lao động, thái độ tận tâm, phong cách dân chủ của cán bộ quản lý. Muốn vận dụng các tư tưởng này vào thực tiễn Việt Nam hiện nay cần cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu đào tạo được đội ngũ lao động chuyên nghiệp, thành thạo nghề và có năng lực sáng tạo để làm chủ quá trình sản xuất. Cần chọn lọc, bồi dưỡng, quản lý, đãi ngộ, kiểm soát để có đội ngũ cán bộ quản lý vừa hồng, vừa chuyên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét