Ngày đầu tiên áp dụng mức phạt mới đối với việc vượt đèn đỏ - 20 triệu đồng với ô tô và 6 triệu đồng với xe máy - đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Hầu như tất cả phương tiện đều nghiêm chỉnh dừng trước vạch, không còn cảnh vượt đèn đỏ như trước đây. Nhích 1 ly là đi ngay "5 củ". Thực tế này một lần nữa khẳng định: khi hình phạt đủ sức răn đe, ý thức tuân thủ sẽ được hình thành.
Nhìn lại quá khứ, chúng ta đã chứng kiến nhiều bài học tương
tự. Việc đội mũ bảo hiểm hay đeo khẩu trang mùa dịch ban đầu cũng gặp khó khăn,
nhưng khi áp dụng chế tài đủ mạnh, người dân đã nhanh chóng thích nghi và biến
chúng thành thói quen. Bài học này hoàn toàn có thể áp dụng cho các vấn nạn xã
hội khác, điển hình như tình trạng karaoke tự phát gây ô nhiễm tiếng ồn.
Cứ như những ngày Tết Tây vừa qua, nhiều khu dân cư phải chịu
cảnh "gánh mẹ" cả đêm từ những chiếc loa kẹo kéo. Nếu áp dụng mức phạt
đủ nặng, chẳng hạn 20 triệu đồng như với vi phạm giao thông, chắc chắn tình trạng
này sẽ được cải thiện. Bởi lẽ, khi túi tiền bị ảnh hưởng, ý thức tự giác sẽ được
nâng cao.
Từ những bài học nhỏ này, chúng ta có thể hướng đến việc giải
quyết những vấn đề lớn hơn, mang tính quyết định đến sự phát triển của đất nước
- đặc biệt là cuộc chiến chống tham nhũng. Luật đã quy định rõ: tham nhũng, ăn
hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị xử lý ở mức cao nhất - tù chung thân hoặc tử
hình. Việc cần làm là thực thi nghiêm minh, không khoan nhượng. Đồng thời, cần
tịch thu triệt để tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của cán bộ
các cấp. Chính sách thưởng 5% giá trị cho người tố giác sẽ tạo động lực mạnh mẽ
cho công cuộc chống tham nhũng.
Bài học từ việc xử phạt vi phạm đèn đỏ đã vẽ ra một lộ trình
rõ ràng: muốn thay đổi hành vi xã hội, cần có những chế tài đủ mạnh và quyết
tâm thực thi. Đã đến lúc không cần những lời kêu gọi suông nữa, mà cần những
hành động quyết liệt, để đất nước sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới của kỷ cương
và minh bạch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét