Ngày 6/1/1946, đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử nước ta khi lần đầu tiên người dân Việt Nam thông qua lá phiếu của mình được quyền trực tiếp lựa chọn, bầu những người có tài, có đức vào Quốc hội để gách vác công việc nước nhà. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đã đánh dấu sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ngày nay là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào (Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ
Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh (Việt Nam độc lập Đồng minh hội) khai mạc Đại hội
đại biểu quốc dân (còn gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào). Tham dự có hơn 60 đại
biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới,
các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số Việt kiều
ở Thái Lan và Lào để bàn kế hoạch Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về nhân
dân.
Đại hội thông qua ba quyết định lớn: Thứ nhất, nhất trí tán
thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng
bộ Việt Minh; Thứ hai, thông qua 10 chính sách của Việt Minh và hiệu triệu đồng
bào tích cực phấn đấu thực hiện, trong đó điểm mấu chốt đầu tiên là giành lấy
chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn
toàn độc lập; Thứ ba, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí
Minh làm Chủ tịch.
Đại hội đã quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5
cánh ở giữa, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”. Ngày 17/8/1945, Đại hội bế mạc
trong không khí sôi nổi của Tổng khởi nghĩa. Thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng
Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người
được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng để lãnh đạo cuộc cách
mạng của Nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên
quyết lãnh đạo Nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc
lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, không lùi bước”.
Quốc dân Đại hội Tân Trào là mốc son trong lịch sử vẻ vang của
cách mạng Việt Nam, là tiền thân của Quốc hội Việt Nam, như lời Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã khẳng định: “Việt Nam quốc dân đại biểu Đại hội cử ra Ủy ban dân tộc giải
phóng Việt Nam để lãnh đạo toàn quốc nhân dân kiên quyết đấu tranh kỳ cho nước
được độc lập. Đó là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử tranh đấu giải phóng của
dân tộc ta từ ngót một thế kỷ nay. Đó là một điều khiến cho đồng bào ta phấn khởi
và riêng tôi hết sức vui mừng”.
Thực hiện Nghị quyết Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, nhân
dân Việt Nam đã nhất tề nổi dậy. Cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được
thắng lợi, tiêu biểu là khởi nghĩa ở Hà Nội (ngày 19/8/1945), Huế (ngày
23/8/1945), Sài Gòn (ngày 25/8/1945). Chính quyền trong cả nước đã thuộc về
nhân dân. Vua Bảo Đại xin thoái vị để “được làm dân tự do của một nước độc lập”.
Ngày 25/8/1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải
phóng do Quốc dân Đại hội Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của
nước Việt Nam “một Chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách là chỉ đạo
cho toàn thể, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ cộng hòa
chính thức”.
Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng
chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng
đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 03/9/1945, Chính phủ lâm thời tổ chức phiên họp đầu
tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc
Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám
tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng
giống…”.
Ngày 08/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 14-SL quy định mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu
Quốc hội và ghi rõ: Chiểu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16 –
17/8/1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân
chủ cộng hòa và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu
theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên; tiếp theo đó, ban hành Sắc lệnh số 39-SL
ngày 26/9/1945 về thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh
số 51-SL ngày 17/10/1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo
lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín; Sắc lệnh số 71-SL
ngày 02/12/1945 bổ khuyết Điều 11 chương V của Sắc lệnh số 51-SL nhằm tạo điều
kiện thuận lợi hơn cho người ứng cử. Công tác chuẩn bị cho Tổng tuyển cử diễn
ra rất khẩn trương trong điều kiện thù trong, giặc ngoài; trong bối cảnh nền
kinh tế, xã hội hết sức khó khăn. Cuộc Tổng tuyển cử lúc đầu được dự kiến là
ngày 23/12/1945, nhưng để thực hiện chủ trương thống nhất và hòa giải, có thêm
thời gian cho công tác chuẩn bị và các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn, đi vận
động tranh cử. Ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh hoãn cuộc Tổng
tuyển cử đến ngày chủ Nhật, 06/01/1946.
Việc tổ chức Tổng tuyển cử, các ban bầu cử được thành lập tới
tận làng xã do Ủy ban nhân dân các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Nhiều người có tài,
có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Danh
sách cử tri và ứng cử viên được hoàn thành và niêm yết công khai. Quần chúng
sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng
nhất làm đại diện cho mình, hạn chế những phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển
cử để tranh giành quyền chức.
Ngày 05/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc
dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng
bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên
trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của
mình”.
Ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã
diễn ra trên cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và
Tây Nguyên. Ở Hà Nội đã có 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại
thành đi bỏ phiếu trong không khí tràn đầy phấn khởi của ngày hội dân chủ. Kết
quả, có 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ
Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).
Cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành sôi nổi trên khắp cả nước.
Riêng các tỉnh phía Bắc, mặc dù phải đối phó với âm mưu phá hoại hết sức tinh
vi và trắng trợn của kẻ thù, nhưng cuộc Tổng tuyển cử diễn ra an toàn. Các tỉnh
phía Nam, nhất là ở Nam Bộ, cuộc bầu cử diễn ra dưới bom đạn rất ác liệt của giặc
Pháp.
Tổng số cử tri đi bỏ phiếu đạt tỷ lệ 89%, trừ một số nơi phải
bầu bổ sung còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cuộc Tổng tuyển
cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái
khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông
dân, chiến sỹ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Trong
thành phần của Quốc hội có đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc - Trung - Nam,
các giới từ những nhà cách mạng lão thành, thương gia, nhân sĩ trí thức và các
nhà hoạt động văn hóa, đến đại biểu các thành phần tôn giáo, những người không
đảng phái và các đảng phái chính trị.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến
hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng,
trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển
nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành
của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới của đất nước ta có một
Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống
chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân
Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - Nhà nước của dân, do
dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức
toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường
quốc tế.
Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đến nay, Quốc hội Việt
Nam đã trải qua gần 79 năm hình thành và phát triển với 14 nhiệm kỳ. Dưới sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh,
ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân
dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam, thực hiện các quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của
đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, bảo đảm việc thực
hiện quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, góp phần củng cố, xây dựng hoàn thiện
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét