Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2024

Soi đường cho đổi mới tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn

 

Vấn đề xây dựng tổ chức, kiện toàn đội ngũ cán bộ công đoàn được đặt ra trong nhiều nghiên cứu và phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những tổng kết lý luận khoa học sâu sắc, những chỉ đạo sát sao của đồng chí là nền móng, định hướng để các cấp công đoàn thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Quan tâm đến giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn

Năm 1986, mở đầu công cuộc đổi mới đất nước, cuốn sách “Tìm hiểu sự lãnh đạo của Đảng đối với công đoàn” do đồng chí Nguyễn Phú Trọng chủ biên được xuất bản tại Nhà xuất bản Lao động. Khi đó, đồng chí đang đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng ban Xây dựng Đảng của Tạp chí Cộng sản. Năm 2001, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cuốn sách được đồng chí chỉnh lý, bổ sung và cho tái bản.

Soi đường cho đổi mới tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn
 
Soi đường cho đổi mới tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Cuốn sách đã trở thành tư liệu quý bởi cung cấp những vấn đề lý luận, làm sáng tỏ những quan điểm của Đảng xung quanh vấn đề Đảng lãnh đạo công đoàn cũng như trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong tham gia xây dựng giai cấp công nhân, xây dựng Đảng. Từ những nghiên cứu, đồng chí đúc rút: Một trong những nội dung cơ bản của sự lãnh đạo về tổ chức của Đảng đối với công đoàn là Đảng chăm lo xây dựng và củng cố tổ chức công đoàn, kiện toàn đội ngũ cán bộ công đoàn và đổi mới phương thức hoạt động, lề lối công tác của công đoàn.

Đồng chí cho rằng: “Trong việc xây dựng và củng cố tổ chức công đoàn, khâu đặc biệt quan trọng cần quan tâm là nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các công đoàn cơ sở (CĐCS). Bởi vì cơ sở là nơi công đoàn trực tiếp liên hệ với công nhân, viên chức, là nơi thực hiện mọi nhiệm vụ công tác của Đảng và Nhà nước, là nơi biến đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước thành hiện thực".

Luôn dành sự quan tâm đến giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn, quán triệt quan điểm “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, trong suốt thời gian đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, 3 kỳ Đại hội Công đoàn Việt Nam, lần thứ XI, XII, XIII, khi chỉ đạo, định hướng cho đại hội, đồng chí luôn nhấn mạnh và yêu cầu tổ chức công đoàn đẩy mạnh xây dựng tổ chức, kiện toàn đội ngũ cán bộ, cải tiến phương thức hoạt động để phù hợp với yêu cầu mới, tập hợp được đông đảo công nhân, người lao động (NLĐ) trong tất cả các thành phần kinh tế.

Tại Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2013-2018, đồng chí yêu cầu công đoàn các cấp, đặc biệt là CĐCS phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, “khắc phục tình trạng xơ cứng, hành chính hóa trong hoạt động công đoàn”.  Chỉ đạo tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2018-2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, không để bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra vào những ngày đầu tháng 12-2023. Dù tuổi cao, sức khỏe đang cần được chăm sóc, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn tới tham dự cùng tổ chức công đoàn. Phát biểu với đại hội, sau khi chỉ rõ bối cảnh mới, những khó khăn, thách thức, đồng chí yêu cầu: Công đoàn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động, thu hút ngày càng đông đảo công nhân, viên chức, NLĐ tự giác gia nhập và tham gia hoạt động công đoàn.

Đồng chí nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ công đoàn phải luôn luôn đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời: NLĐ vào tổ chức công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì? Phải chăng đó là để họ được giáo dục, học tập, rèn luyện và trưởng thành; được gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và quyền lợi của mình với công đoàn; tin tưởng công đoàn sẽ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho mình. Đằng sau câu hỏi đó phải là những nỗ lực của tổ chức công đoàn, của cán bộ công đoàn để thực sự mang lại quyền lợi, niềm tin cho NLĐ”.

Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo sát sao của đồng chí, ngày 12-6-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Như vậy, kể từ khi Nghị quyết số 167-NQ/TW ngày 21-9-1967 về việc tăng cường công tác vận động công nhân và hoạt động của công đoàn trong tình hình mới được ban hành, Bộ Chính trị tiếp tục có nghị quyết mới về tổ chức công đoàn. Nghị quyết số 02-NQ/TW đã “thổi luồng sinh khí mới” cho hoạt động công đoàn, là sự cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và luận điểm của đồng chí: “Lãnh đạo về tổ chức là một nội dung rất quan trọng trong sự lãnh đạo của Đảng đối với công đoàn”.

Đổi mới tổ chức, hoạt động của Công đoàn Việt Nam

Thời gian tới, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chuyển biến nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm, môi trường hoạt động, đối tượng tập hợp và phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn. Chủ trương, quan điểm của Đảng, những luận cứ, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “kim chỉ nam” cho tổ chức công đoàn khi xây dựng các chiến lược, chương trình hành động, vận động công nhân, viên chức, NLĐ trong tình hình mới. Theo đó, Công đoàn Việt Nam xác định:

Thứ nhất, tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, nâng cao chất lượng CĐCS về mọi mặt, xây dựng mô hình CĐCS tinh gọn. Ban chấp hành công đoàn phải là những đoàn viên công đoàn xuất sắc đại diện các đơn vị, lĩnh vực, ưu tiên lao động trẻ. Tuyên truyền, vận động, thương lượng để người sử dụng lao động tôn trọng, tạo điều kiện cho CĐCS và cán bộ công đoàn hoạt động. Nghiên cứu, triển khai các giải pháp thu hút tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp vào công đoàn; liên kết với công đoàn để tổ chức các hoạt động theo quy định của pháp luật. Củng cố, phát triển công đoàn ngành, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn địa phương.

Soi đường cho đổi mới tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Ảnh: TRỌNG HẢI  

Thứ hai, đẩy mạnh sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy các cấp công đoàn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, đồng bộ; hoàn thiện công tác đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động của các cấp công đoàn theo hướng thực chất, khách quan, công bằng. Nội dung đánh giá, xếp loại tập trung vào kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của mỗi cấp công đoàn, nhất là ở cấp cơ sở. Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí tổ chức cho đoàn viên đánh giá sự hài lòng đối với tổ chức công đoàn.

Thứ ba, nghiên cứu, tham mưu với Đảng, Nhà nước về cơ chế đặc thù trong công tác tuyển dụng cán bộ công đoàn, chế độ, chính sách đối với cán bộ công đoàn; nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn chuyên trách và chủ tịch CĐCS. Hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí và cơ chế đánh giá cán bộ công đoàn theo chức năng, nhiệm vụ của từng cấp công đoàn và hiệu quả hoạt động công đoàn. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn theo hướng chuẩn hóa, khoa học, thực tiễn, thống nhất, sáng tạo. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức công đoàn kết hợp với phát huy vai trò giám sát của đoàn viên đối với cán bộ công đoàn.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động công đoàn để bảo đảm tính xuyên suốt, hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động công đoàn. Đổi mới phương thức hoạt động theo hướng lấy đoàn viên, NLĐ là trung tâm; cấp trên phục vụ cấp dưới, CĐCS gắn bó và phục vụ đoàn viên, NLĐ; phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tăng cường giám sát và phản biện xã hội. Đồng thời, đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của cán bộ công đoàn các cấp theo hướng giảm bớt họp hành, nói gọn, viết ngắn, tăng cường đi cơ sở và lắng nghe cơ sở, giải quyết hiệu quả, kịp thời phản ánh của đoàn viên, NLĐ và công đoàn cấp dưới.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi để lại trong nhân dân, cán bộ, đoàn viên, NLĐ cả nước niềm tiếc thương vô hạn. Nhưng những di sản về lý luận, những chỉ đạo sâu sắc của đồng chí về giai cấp công nhân, công đoàn sẽ còn mãi và trở thành cẩm nang quý giá, nền móng vững chắc để Công đoàn Việt Nam tiếp tục phát triển vững mạnh, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và NLĐ, là cơ sở chính trị-xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước.

NGUYỄN ĐÌNH KHANG, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

GS, TS Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt - Nhật: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu cho đạo đức cách mạng trong sáng

 

Mặc dù bận rộn chuẩn bị cho sự kiện Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trường Đại học Việt-Nhật, GS, TS Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt-Nhật đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân về những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam.

Phóng viên (PV): Được biết Giáo sư từng có cơ hội gặp gỡ trực tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại những ấn tượng như thế nào đối với ông?

GS, TS Furuta Motoo: Tôi có vinh dự lớn từng hai lần được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp dự Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4, năm 2012 và Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, năm 2016. Qua phong thái của Tổng Bí thư, tôi cảm nhận rõ ông là nhà lãnh đạo giản dị, dễ gần và cởi mở. Từng nhiều năm nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi thấy phong thái của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa là nhân cách bẩm sinh của ông, vừa có được từ học tập phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

PV: Giáo sư có thể chia sẻ rõ hơn về cảm nhận rất thú vị này?

GS, TS Furuta Motoo: Theo tôi, muốn hiểu Việt Nam phải hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh. Một trong những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh là quá trình tìm tòi, định hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể ở Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, căn cứ vào thực tiễn quá trình đổi mới ở Việt Nam, đã có sự kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc tìm tòi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh Việt Nam.

Tôi biết rằng, có khá nhiều người Việt Nam coi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo cấp cao thể hiện rõ nét nhất tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông chính là tấm gương tiêu biểu cho đạo đức cách mạng trong sáng và lối sống giản dị. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xứng đáng là người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu cho đạo đức cách mạng trong sáng
GS, TS Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt-Nhật. Ảnh do nhân vật cung cấp 

PV: Đất nước Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Giáo sư đánh giá như thế nào về những dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam?

GS, TS Furuta Motoo: Những thành tựu phát triển của Việt Nam sau gần 4 thập kỷ tiến hành công cuộc đổi mới đã nhận được sự ngưỡng mộ và khâm phục của các nước trên thế giới. Ngày càng có nhiều quốc gia, nhất là các nước đang phát triển quan tâm đến “mô hình phát triển của Việt Nam”. 

Nhắc tới những thành tựu và sự phát triển vượt bậc của đất nước Việt Nam ngày hôm nay, không thể không nhắc tới vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tôi vẫn còn nhớ câu nói của Tổng Bí thư về đất nước các bạn: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Với thực tế phát triển ở Việt Nam, lời khẳng định này có sức thuyết phục cao không chỉ ở trong nước mà còn được thế giới công nhận. 

Vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là nhà lãnh đạo cấp cao tiêu biểu đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh và phát triển bền vững, giữ vững ổn định chính trị và góp phần đưa vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với nền ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” và chiến dịch “đốt lò” bài trừ tham nhũng?

GS, TS Furuta Motoo: Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế nhưng vẫn giữ gìn và phát huy được bản sắc dân tộc nhờ kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa. Tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam là một nét đặc trưng được cả thế giới ghi nhận. Con người Việt Nam với tinh thần cởi mở luôn tích cực tiếp thu những yếu tố tốt đẹp trong văn hóa của thế giới. Trong tình hình quốc tế diễn biến phức tạp như ngày nay, hiếm có một quốc gia nào có quan hệ tốt với cả 5 nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc như Việt Nam. Đây cũng chính là một kết quả của “ngoại giao cây tre”.

Đường lối đối ngoại Việt Nam mềm dẻo nhưng giữ được sự nhất quán trong việc thực hiện như vậy là công việc không dễ dàng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đóng vai trò lớn trong việc kiên trì đường lối “ngoại giao cây tre”.

Tôi cho rằng, chống tham nhũng là nỗ lực không thể thiếu khi muốn đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển. Trong sự nghiệp lãnh đạo của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kiên định lãnh đạo một chiến dịch chống tham nhũng có ý nghĩa lịch sử.

PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

GS, TS Furuta Motoo là nhà Việt Nam học hàng đầu của Nhật Bản, chuyên gia về lịch sử hiện đại và chính trị Việt Nam. Ông có nhiều bài viết, nghiên cứu chuyên sâu về tư tưởng Hồ Chí Minh. GS, TS Furuta Motoo hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Việt-Nhật, thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật-Việt và Chủ tịch Hội Nhật Bản nghiên cứu Việt Nam.  

Truyền thống tốt đẹp, quý báu trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc

 hủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” là truyền thống tốt đẹp, quý báu, được hun đúc, vun đắp bởi biết bao thế hệ người dân Việt Nam trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7, huyện Đại Từ - Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), ngày 27/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dâng hương tưởng nhớ tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Anh hùng liệt sĩ và tặng quà các gia đình chính sách tại tỉnh Thái Nguyên.

Cùng đi có: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến; Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng; đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam.

* Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã dâng hương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7 ở xóm Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên - nơi vào ngày 27/7/1947 diễn ra cuộc mít tinh trọng thể gồm 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư của Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ; đồng thời cũng là nơi tụ linh các Anh hùng liệt sĩ toàn quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới và các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; nguyện luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; cầu mong Chủ tịch Hồ Chí Minh và hương linh các Anh hùng liệt sỹ phù hộ độ trì cho quốc thái, dân an.

* Tại đây, tặng quà và trò chuyện với người có công và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng bào cả nước trước sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” là truyền thống tốt đẹp, quý báu, được hun đúc, vun đắp bởi biết bao thế hệ người dân Việt Nam trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc.

Thủ tướng cho biết, đất nước ta đã phải trải qua những cuộc chiến tranh cam go, khốc liệt để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Trong những năm tháng gian khổ ấy, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, lớp lớp thanh niên đã xung phong ra chiến trường, để lại mẹ già, vợ trẻ, con thơ nơi hậu phương. Nhiều người đã mãi mãi không trở về, máu thịt các anh, các chị đã hòa vào sông núi. Có người được may mắn trở về nhà nhưng đã để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường hoặc bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7, huyện Đại Từ - Ảnh: Dương Giang/TTXVN 

Theo Thủ tướng, chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất; nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau, biết bao vết thương vẫn ngày đêm đau nhức. Thấu hiểu, sẻ chia với những nỗi đau đó, trong suốt 77 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo và có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.

Đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện về cả vật chất và tinh thần. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, các Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nghĩa tình đồng đội” ngày càng phát triển. Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư; công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực, có hiệu quả…

Thủ tướng biểu dương tỉnh Thái Nguyên và huyện Đại Từ, mặc dù còn nhiều khó khăn, song đã có nhiều cố gắng đảm bảo các chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; đặc biệt xúc động khi biết nhiều bác, anh chị cựu chiến binh, thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã nỗ lực vượt qua đau thương, mất mát, chiến thắng bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống, gương mẫu đi đầu trong công tác, lao động, học tập; năng động, sáng tạo, tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, các bác, các anh chị không chỉ là những anh hùng trong chiến đấu, mà còn là những chiến sĩ tiên phong trong học tập, lao động, sản xuất, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thật sự là những tấm gương sáng để các thế hệ trẻ tự hào, học tập và noi theo.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà động viên thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ huyện Đại Từ - Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Cũng theo Thủ tướng, mặc dù Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm, chăm lo với tấm lòng trân trọng, biết ơn sâu sắc và trách nhiệm cao nhất, nhưng đời sống của một bộ phận thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, trong đó có tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Trong đó, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật đối với người có công, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn với tinh thần không có người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi; tiếp tục nghiên cứu, thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi phù hợp; tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, đẩy mạnh phong trào “đền ơn đáp nghĩa”; góp phần bù đắp những thiệt thòi của người có công và gia đình có công với cách mạng.

Thủ tướng mong muốn các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng cả nước và huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nói riêng tiếp tục phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của người “Bộ đội Cụ Hồ”, mãi mãi là những tấm gương sáng, tích cực tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm, chăm lo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn; đề nghị tỉnh Thái Nguyên nói chung, huyện Đại Từ nói riêng tiếp tục nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, làm tốt hơn nữa công tác chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công, nâng cao hơn nữa đời sống của người có công trên địa bàn.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các địa phương, các cơ quan, đơn vị, kêu gọi mỗi tổ chức, cá nhân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực với ý thức trách nhiệm cao hãy chủ động, sáng tạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa, coi đây là bổn phận, trách nhiệm và cũng là tình cảm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà động viên thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ huyện Đại Từ - Ảnh: Dương Giang/TTXVN

* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác tới dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và thăm Di tích lịch sử Quốc gia Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, tại thành phố Thái Nguyên - Nơi tưởng niệm 60 liệt sỹ Thanh niên xung phong đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ vào đêm Noel 24/12/1972.

Trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác kính cẩn nghiêng mình, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với các chị, các anh, những người con kiên cường bất khuất, đã không tiếc máu xương hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã tham quan gian trưng bày, giới thiệu về “Ngọn lửa đại đội 915” trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và là bản anh hùng ca vang mãi cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tháng 12/1972, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ trải qua những ngày oanh liệt. Trước tình thế cấp bách để giải tỏa gần 20.000 tấn lương thực và hàng hóa quốc phòng được viện trợ còn tồn đọng ở trung tâm thành phố Thái Nguyên tránh bị máy bay Mỹ ném bom phá hủy, các thanh niên xung phong Đại đội 915 không ngại khó khăn, gian khổ đều xung phong đi làm nhiệm vụ.

Ngày 24/12/1972, máy bay Mỹ ném bom, cướp đi sinh mạng của 60 cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái. Sự hy sinh của các anh, các chị đã tô thắm truyền thống Thanh niên xung phong Việt Nam, với tinh thần “sống bám cầu đường, chết kiên cường bất khuất”; trở thành khúc tráng ca bất tử, là những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là bản hùng ca bất khuất của dân tộc Việt Nam./.

Những dòng sổ tang xúc động tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

 Vô cùng thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các đoàn thể đã xúc động, thành kính viết những dòng sổ tang tưởng nhớ Tổng Bí thư.

Các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viết sổ tang. 

Dẫn đầu đoàn Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thắp hương, cúi đầu tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chủ tịch nước đã dành những lời xúc động tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo Chủ tịch nước Tô Lâm, tên tuổi sự nghiệp, nhân cách và những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng in đậm trong lòng nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng.

"Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Người con yêu quý của dân tộc Việt Nam, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, người Đảng viên Đảng cộng sản kiên trung, một tấm gương sáng ngời không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có uy tín của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người bạn lớn của nhân dân thế giới, người đã dành trọn đời, tận tâm, tận lực, tận hiến cho đất nước, cho Đảng, cho nhân dân, có nhiều công lao và cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, cho phong trào cộng sản quốc tế và duy trì hòa bình, ổn định, phát triển, trong khu vực và trên thế giới", ông viết.

"Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của đồng chí, chúng tôi nguyện học tập, noi gương đồng chí, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đoàn kết đồng lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc mà đồng chí trọn đời ấp ủ, phấn đấu hy sinh.

Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xúc động chia sẻ cảm xúc trong sổ tang.

Tên tuổi sự nghiệp, nhân cách và những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng in đậm trong lòng nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng", Chủ tịch nước viết.

Dẫn đầu đoàn Chính phủ vào viếng, Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động chia sẻ trong sổ tang:

"Trước anh linh đồng chí Nguyễn Phú Trọng chúng ta thành kính và biết ơn sâu sắc công lao to lớn, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân, của dân tộc cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời đại mới.

Chúng tôi nguyện noi gương, đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, vượt qua mọi khó khăn, thách thức phấn đấu hết mình để bảo vệ và xây dựng thành Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường, ngày càng thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ngày càng hạnh phúc ấm no.

Xin kính cẩn nghiêng mình biết ơn, học tập, noi gương và vĩnh biệt đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng".

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chia sẻ "vô cùng tiếc thương đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, trọn đời vì Đảng, vì Nhà nước, vì dân".

Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đặt bút những dòng chia sẻ đầu tiên vào sổ tang. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư đã dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ đối với vấn đề đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; có định hướng quan trọng để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước và kỳ vọng, tin tưởng của cử tri, nhân dân cả nước.

"Đồng chí mất đi là tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng chí, đồng bào, gia quyến và bạn bè quốc tế. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh đồng chí; nguyện tiếp tục đi theo con đường cách mạng của Đảng, Bác Hồ, các thế hệ đi trước và các đồng chí đã lựa chọn", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn viết.

Thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Phó Trưởng ban Chỉ đạo ghi sổ tang:

Vô cùng thương tiếc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Nhà lãnh đạo có uy tín, đặc biệt xuất sắc, tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng, trọn đời vì nước, vì dân. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, bài bản, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nghiêm minh nhưng rất nhân văn của đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có bước tiến mạnh, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược,” được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống của đồng chí mãi là “kim chỉ nam,” tấm gương cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta học tập, noi theo, kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết: 

 Vô cùng thương tiếc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Xin chia buồn sâu sắc với phu nhân Tổng Bí thư và các cháu trong gia đình về sự mất mát to lớn mà không thể có gì bù đắp nổi!

Xin vĩnh biệt đồng chí Nguyễn Phú Trọng.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: 

Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư của Đảng - Người có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Công lao của đồng chí với Đảng, với Đất nước, với Nhân dân thật là to lớn.

Noi gương đồng chí, chúng tôi là một cán bộ hưu trí ra sức rèn luyện và tiếp tục đóng góp nhỏ bé vào sự nghiệp mà Đảng ta, Bác Hồ đã vạch ra...

Mong ở suối vàng, đồng chí yên giấc ngàn thu và chia sẻ nỗi mất mát này đến gia đình, chị Mận và gia quyến.

Tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã ghi vào sổ tang những lời lay động:

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên ghi sổ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí mất đi là một tổn thất rất lớn lao đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Một mất mát không gì bù đắp được với gia đình, người thân. 

Chúng tôi luôn nhớ mãi hình ảnh một con người giản dị, khiêm nhường, nghị lực phi thường, một nhân cách lớn, một cán bộ, đảng viên mẫu mực, kiên trung, bất khuất, một nhà lãnh đạo đức độ, tài năng, quả cảm; một tấm gương tiêu biểu trong học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ kính yêu, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, suốt đời vì nước vì dân, tận tụy, tận tâm, tận lực, tận hiến. 

Xin kính cẩn nghiêng mình, tri ân những công lao to lớn mà đồng chí đã cống hiến và để lại cho đời. Nguyện học tập, noi gương đồng chí và các bậc tiền nhân, thề tiếp nối truyền thống một cách xứng đáng, đoàn kết hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, quyết tâm nhiều hơn nữa, phấn đấu xây dựng TP.HCM “rực rỡ tên vàng” như đồng chí hằng mong ước, chỉ dạy, góp phần cùng cả nước, vì cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam ngày càng văn minh, hạnh phúc, cường thịnh. 

Xin gửi tới gia quyến đồng chí Nguyễn Phú Trọng lời chia buồn sâu sắc nhất.../.