Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2024

Nỗ lực giúp người dân vùng lũ Mường Pồn

 

Đã hơn 4 ngày kể từ khi trận lũ dữ quét qua xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, công tác tìm kiếm người mất tích luôn được các lực lượng cứu hộ, cứu nạn ưu tiên đặt lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, LLVT và các cấp, ngành của địa phương tích cực chung tay giúp người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân ghi nhận tại tâm  xã Mường Pồn.

Nỗ lực giúp người dân vùng lũ Mường Pồn

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Điện Biên tiếp tục tìm kiếm người mất tích trong trận lũ quét tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên. 

Nỗ lực giúp người dân vùng lũ Mường Pồn

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Điện Biên giúp nhân dân dựng lại nhà ở. 

Nỗ lực giúp người dân vùng lũ Mường Pồn
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Điện Biên giúp người dân vệ sinh môi trường. 
Nỗ lực giúp người dân vùng lũ Mường Pồn
Lực lượng y tế khám bệnh cho người dân vùng lũ. 
Nỗ lực giúp người dân vùng lũ Mường Pồn
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên vận chuyển lương thực hỗ trợ người dân. 
Nỗ lực giúp người dân vùng lũ Mường Pồn
Chính quyền địa phương trao quà hỗ trợ gia đình có người tử vong do lũ quét ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên. 

Vẹn tình tri ân

 

Thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Cơ quan Tổng cục Chính trị (TCCT) thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tốt các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2024), hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 80 năm truyền thống TCCT QĐND Việt Nam.

Trong đó, các hoạt động trọng tâm của Cơ quan TCCT triển khai trong dịp 27-7 là: Thắp hương tưởng niệm các đồng chí nguyên lãnh đạo TCCT QĐND Việt Nam qua các thời kỳ là người có công với cách mạng; thắp hương tưởng niệm 103 liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ thuộc TCCT hy sinh trong các cuộc kháng chiến; thăm, tặng quà các đồng chí nguyên lãnh đạo TCCT QĐND Việt Nam là người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ; thăm, tặng quà 16 Bà mẹ Việt Nam anh hùng do các cơ quan, đơn vị thuộc TCCT nhận phụng dưỡng và 31 đồng chí là thương binh, thân nhân liệt sĩ đang công tác tại Cơ quan TCCT; hỗ trợ kinh phí xây dựng 5 nhà tình nghĩa tặng các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở (80 triệu đồng/căn nhà từ nguồn trích từ kinh phí “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”).

Vẹn tình tri ân
Cơ quan Tổng cục Chính trị tổ chức khánh thành, bàn giao nhà tình nghĩa, tặng quà gia đình chính sách tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: MINH MẠNH 

Các cơ quan, đơn vị thuộc TCCT tổ chức dâng hương viếng các anh hùng liệt sĩ, phối hợp thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ; tổ chức thăm, tặng quà 951 đối tượng chính sách là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng của cơ quan, đơn vị, trên địa bàn đóng quân; phối hợp khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách trên địa bàn đóng quân và khu căn cứ cách mạng; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đồng đội... Các nhà hát Quân đội xây dựng chương trình nghệ thuật, biểu diễn tại các trung tâm nuôi dưỡng người có công với cách mạng...

Cán bộ, đoàn viên, hội viên các tổ chức quần chúng tích cực hưởng ứng tham gia, phối hợp với các tổ chức quần chúng, đơn vị kết nghĩa trên địa bàn đóng quân tiến hành các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, như: Tổng dọn vệ sinh, củng cố, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân, tặng sổ tiết kiệm, tặng quà các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Thượng tá Hoàng Văn Thuyết, Trưởng phòng Chính sách, Cục Chính trị, TCCT QĐND Việt Nam, cho biết: Ngoài những hoạt động trên, vừa qua, đoàn công tác của Cơ quan TCCT đã tổ chức các hoạt động về nguồn dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm TCCT QĐND Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo tiền bối Cơ quan TCCT tại Khu di tích lịch sử kháng chiến TCCT QĐND Việt Nam ở xóm Khau Diều, xã Định Biên (Định Hóa, Thái Nguyên). Đoàn công tác đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức khánh thành, bàn giao nhà tình nghĩa và trao quà của TCCT tặng gia đình đồng chí Phạm Hồng Quân, sinh năm 1947, thương binh hạng 4/4, ở xóm Nà Táp, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa và gia đình bà Nguyễn Thị Síu (vợ liệt sĩ) ở xóm Hồng Văn Lương, xã Trung Lương, huyện Định Hóa. Tổng kinh phí tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ của Cơ quan TCCT và các cơ quan, đơn vị thuộc TCCT là hơn 5 tỷ đồng.

Những hoạt động trong dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ của Cơ quan TCCT đã thể hiện tình cảm, trách nhiệm và sự tri ân sâu sắc của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong TCCT với công lao to lớn của các đồng chí nguyên lãnh đạo TCCT, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ trong sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của QĐND Việt Nam và TCCT QĐND Việt Nam.

Lặng thầm bảo vệ Lễ quốc tang

 

Nước ta vừa tổ chức trang trọng lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương theo nghi thức quốc tang. Để bảo đảm an ninh an toàn tuyệt đối Lễ quốc tang, có sự tham gia đồng bộ của nhiều lực lượng trong và ngoài Quân đội. Trong đó, có những cống hiến thầm lặng của Cục Bảo vệ an ninh Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam).

Trao đổi với Thiếu tướng Bùi Trọng Vĩnh, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội, chúng tôi được biết, Cục Bảo vệ an ninh Quân đội được Thường vụ Quân ủy Trung ương và thủ trưởng các cấp giao chủ trì, phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối Lễ quốc tang đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng thuộc Bộ Công an bảo đảm an ninh, an toàn trong toàn bộ Lễ quốc tang.

Lặng thầm bảo vệ Lễ quốc tang

Cán bộ Cục Bảo vệ an ninh Quân đội thực hiện nhiệm vụ tại Lễ quốc tang. Ảnh: TUẤN HUY 

Nhận nhiệm vụ cấp trên giao, Cục Bảo vệ an ninh Quân đội đã chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị bảo vệ an ninh trong toàn quân, nhất là các đơn vị có lực lượng trực tiếp tham gia phục vụ Lễ quốc tang lựa chọn những cán bộ, chiến sĩ ưu tú nhất, thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lễ tiết tác phong, trình độ, sức khỏe và kinh nghiệm; có ý chí quyết tâm chính trị cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn Lễ quốc tang đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Xác định nhiệm vụ tham gia bảo đảm an ninh, an toàn Lễ quốc tang đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị sâu sắc, thiêng liêng của cán bộ, chiến sĩ Cục Bảo vệ an ninh Quân đội, Đảng ủy, chỉ huy Cục Bảo vệ an ninh Quân đội và toàn thể cán bộ, chiến sĩ xác định quyết tâm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống, quyết không để xảy ra sơ suất. Trên cơ sở kế hoạch tổ chức Lễ quốc tang và nhiệm vụ được phân công, đơn vị đã làm tốt công tác quán triệt, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cấp mình; phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng bảo đảm an ninh để bám nắm tình hình, hiệp đồng thực hiện nhiệm vụ.

Thiếu tướng Bùi Trọng Vĩnh cho biết, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, các lực lượng thuộc Cục Bảo vệ an ninh Quân đội luôn bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối về lực lượng, phương tiện, biện pháp, tài liệu. Trong kế hoạch đều dự kiến các tình huống có thể xảy ra; các cơ quan, đơn vị, bộ phận luyện tập nhuần nhuyễn các phương án xử lý, không để bị động, bất ngờ khi có tình huống phức tạp xảy ra, đặc biệt là trên không gian mạng. Chỉ huy Cục và các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã phân công nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân, bảo đảm chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả. Cùng với đó, thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời báo cáo và tham mưu, đề xuất với thủ trưởng các cấp để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn cho Lễ quốc tang...

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Lễ quốc tang đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân ủy Trung ương đã diễn ra an toàn tuyệt đối, được các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế trân trọng, đánh giá cao.

Phát huy nhân tố chính trị tinh thần, tạo dấu ấn sâu sắc trong thực hiện nhiệm vụ

 

Chiến thắng ngày 2 và 5-8-1964 mãi mãi đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta như một biểu tượng sáng ngời về ý chí dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng kẻ thù xâm lược của Hải quân nhân dân (HQND) Việt Nam và quân dân miền Bắc.

Bài học kinh nghiệm và giá trị lịch sử về nhân tố chính trị tinh thần trong chiến thắng trận đầu năm ấy vẫn luôn mang tính thời sự và có ý nghĩa sâu sắc đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc hiện nay.

Cách đây 60 năm, trước sức tiến công mạnh mẽ của nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam, đầu năm 1964, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn tăng cường cho máy bay trinh sát, tàu chiến vào sâu trong hải phận của ta, bắn phá dọc bờ biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Đặc biệt, ngày 2-8-1964, tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ ngang nhiên vào sát bờ biển miền Bắc để trinh sát và khiêu khích các lực lượng của ta. Đây là những hành động nằm trong mưu đồ tạo cớ mở rộng chiến tranh phá hoại, ngăn cản sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho cách mạng miền Nam.

Phát huy nhân tố chính trị tinh thần, tạo dấu ấn sâu sắc trong thực hiện nhiệm vụ

Lãnh đạo Quân chủng Hải quân kiểm tra, động viên cán bộ, chiến sĩ Tàu 331, Hải đội 315, Lữ đoàn 172, Vùng 3 Hải quân. Ảnh: VŨ HƯỞNG 

Biết trước âm mưu của đế quốc Mỹ, kiên quyết trừng trị những hành động ngang ngược của địch, thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, tháng 5-1964, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân đã ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo toàn Quân chủng chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) với quyết tâm cao nhất. Từ ngày 6-7, toàn Quân chủng chuyển trạng thái SSCĐ sang thời chiến, thành lập sở chỉ huy tiền phương, sơ tán lực lượng, chuẩn bị chu đáo mọi mặt, quyết tâm chiến đấu bảo vệ vùng biển, hải cảng, căn cứ hải quân... 13 giờ 10 phút ngày 2-8-1964, Phân đội 3 tàu phóng lôi của Đoàn 135 HQND Việt Nam đã dũng cảm xuất kích tiến công tàu khu trục Ma-đốc, bắn rơi 1 máy bay, bắn bị thương 1 chiếc khác, buộc địch phải tháo chạy ra khỏi vùng biển miền Bắc nước ta.

Bị đánh đuổi, đế quốc Mỹ đã dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” để lấy cớ ngày 5-8-1964 dùng không quân, hải quân đánh phá nhiều địa phương ven biển, các căn cứ, vị trí trú đậu tàu thuyền của HQND Việt Nam, mở đầu cho hành động leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Nhờ chuẩn bị từ trước, với tinh thần cảnh giác cao, cùng với quân và dân các địa phương ven biển, HQND Việt Nam đã giáng trả những đòn đích đáng, bắn rơi 8 máy bay và làm bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống giặc lái, làm thất bại bước đầu âm mưu phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964 là chiến thắng về ý chí quyết tâm chiến đấu với tinh thần dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của HQND Việt Nam và quân dân miền Bắc; là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của một dân tộc yêu tự do, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược. Đó là chiến thắng của trí tuệ, lòng yêu nước và nghệ thuật quân sự Việt Nam được kế thừa, phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh.

Chiến thắng trận đầu khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, đúng đắn của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ tư lệnh Hải quân; để lại nhiều bài học và kinh nghiệm quý về công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ đánh giá âm mưu, thủ đoạn của địch, công tác chuẩn bị lực lượng đến quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tác chiến, phát huy sức mạnh tổng hợp để chiến đấu thắng lợi trước kẻ địch mạnh hơn ta gấp nhiều lần.

Chiến thắng trận đầu còn thể hiện dấu ấn về hiệu quả của hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong cả chiến dịch. Dù đối đầu với kẻ địch có trang bị và vũ khí hiện đại nhưng toàn Quân chủng luôn vững vàng, chấp hành nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh chiến đấu của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; làm tốt công tác tư tưởng, tổ chức và cán bộ, hướng dẫn, triển khai hoạt động CTĐ, CTCT đối với từng lực lượng, từng giai đoạn chiến đấu, kịp thời giáo dục, động viên, xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong chiến đấu, bộ đội tin tưởng vào vũ khí, trang bị, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, kỷ luật chiến trường.

Phát huy nhân tố chính trị tinh thần, tạo dấu ấn sâu sắc trong thực hiện nhiệm vụ

Tàu 360, Hải đội 131, Lữ đoàn 172, Vùng 3 Hải quân luyện tập sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: DUY KHÁNH 

Đây cũng là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân; dựa vào sức mình là chính; của nghệ thuật quân sự “lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều”, đánh địch bằng vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện có; là thắng lợi của trí thông minh và lòng dũng cảm của quân dân ta trong cuộc đọ sức quyết liệt với sức mạnh vượt trội của hải quân và không quân hiện đại của đế quốc Mỹ.

Có nhiều yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng trận đầu, nhưng yếu tố có ý nghĩa quan trọng nhất đó là sức mạnh chính trị tinh thần của HQND Việt Nam mà cội nguồn là tư tưởng, ý chí của một dân tộc nhỏ bé nhưng không chịu khuất phục sự áp đặt, xâm lược của kẻ thù; tất cả đã đoàn kết một lòng, dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng kẻ địch. Hình ảnh 3 con tàu phóng lôi nhỏ bé, dũng cảm lao thẳng vào tàu khu trục Ma-đốc ngày 2-8-1964 trong sự chống trả quyết liệt từ hỏa lực (tàu và máy bay) của địch là hình ảnh sinh động, thuyết phục nhất về sự anh dũng, dám đánh, quyết đánh kẻ thù mạnh hơn của HQND Việt Nam.

Đó là chiến thắng từ tinh thần cảnh giác, SSCĐ cao. Công tác huấn luyện, làm chủ VKTBKT được chú trọng; bộ đội quyết tâm chiến đấu cao, tin tưởng vào trang bị, vũ khí hiện có, chấp hành nghiêm mệnh lệnh và kỷ luật chiến đấu. Hình ảnh Thuyền trưởng Lê Văn Tiếu bị thương gần đứt lìa cánh tay vẫn bình tĩnh chỉ huy toàn tàu đánh trả máy bay địch; Binh nhì Nguyễn Văn Vinh chưa đầy một tuổi quân dù bị thương nặng, được lệnh rời tàu nhưng vẫn đề nghị thuyền trưởng ở lại chiến đấu với câu nói “Thuyền trưởng hãy để tôi ở lại, tàu còn thì tôi còn!”. Pháo thủ Đặng Đình Lống bị thương ở chân đã dùng đai cột chân mình vào bệ pháo để chiến đấu tới hơi thở cuối cùng... Những tấm gương chiến đấu dũng cảm kể trên không chỉ thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm mà còn thể hiện rõ vai trò, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu, tinh thần đoàn kết, sẵn sàng nhận khó khăn, gian khổ về mình, nhường thuận lợi và sự sống cho đồng đội của cán bộ, chiến sĩ HQND Việt Nam.

Chiến thắng trận đầu là kết quả từ sự chỉ đạo, hiệp đồng chặt chẽ với các địa phương, đơn vị, sự giúp đỡ của nhân dân các địa phương ven biển đối với Bộ đội Hải quân. Biết trước âm mưu của địch, Quân chủng Hải quân đã dự báo đúng tình hình, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với Bộ đội Phòng không, công an vũ trang, dân quân tự vệ và nhân dân các địa phương tổ chức sơ tán, ngụy trang đề phòng địch tập kích bằng đường không và biệt kích người nhái. Khi địch đánh phá ác liệt các bến cảng, căn cứ, các đơn vị hải quân luôn nhận được sự giúp đỡ, chi viện, hiệp đồng của các đơn vị, lực lượng; được bà con nhân dân chi viện sức người, sức của, yêu thương, đùm bọc để chiến đấu hiệu quả. Chiến thắng trận đầu cho chúng ta niềm tự hào về các thế hệ cha anh đi trước, sự hy sinh cao cả của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ hải quân và quân dân miền Bắc đã cùng sát cánh, anh dũng chiến đấu; thể hiện sáng ngời tinh thần chiến đấu ngoan cường, mãi mãi được khắc ghi vào trang sử vẻ vang của dân tộc, Quân đội và Quân chủng Hải quân anh hùng.

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã và đang đặt ra nhiều yêu cầu mới, khẩn trương đối với Quân chủng Hải quân. Để tiếp tục xây dựng HQND Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, xây dựng Quân chủng Hải quân “tinh, gọn, mạnh” chúng ta cần nghiên cứu, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm từ Chiến thắng trận đầu vào thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay.

Trước hết, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8, khoá XIII về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết Trung ương 8, khoá XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, chủ động dự báo, nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về chủ trương, đối sách chiến lược, xử trí thắng lợi các vấn đề trên biển; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, các hoạt động kinh tế biển, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển.

Hai là, tập trung xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng SSCĐ; lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, huấn luyện làm chủ trang bị mới; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, tập trung nguồn lực để nghiên cứu, cải tiến, nội địa hóa, chế tạo các loại VKTBKT phù hợp với nghệ thuật tác chiến của HQND Việt Nam, sẵn sàng đánh thắng địch có tiềm lực về công nghệ cao bằng cách đánh và vũ khí của ta.

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển vững chắc, trong đó HQND Việt Nam là lực lượng nòng cốt; chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án, cách đánh phù hợp với sự phát triển của vũ khí, trang bị và đối tượng tác chiến, chiến tranh công nghệ cao; hiệp đồng chặt chẽ với địa phương và các lực lượng trong huy động phương tiện, nhân lực để đấu tranh bảo vệ chủ quyền trong mọi tình huống.

Phát huy nhân tố chính trị tinh thần, tạo dấu ấn sâu sắc trong thực hiện nhiệm vụ
Biên đội tàu pháo của Lữ đoàn 172, Vùng 3 Hải quân kiểm tra bắn đạn thật trên biển. Ảnh: LÊ HỆ 

Bốn là, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng; xây dựng ý chí quyết tâm để mọi cán bộ, chiến sĩ tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của Quân đội, Quân chủng trong mọi tình huống; tin tưởng vào vũ khí, trang bị, thành thạo kỹ, chiến thuật, luôn có ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng mà tư tưởng cốt lõi, xuyên suốt là “dám đánh, quyết đánh và biết cách đánh thắng” nếu kẻ địch xâm phạm chủ quyền của Tổ quốc; coi trọng xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần cho bộ đội. Xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng phải thực sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu cao, đặc biệt là ở các chi bộ, đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ trên biển, đảo, nơi tuyến đầu; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng, gương mẫu, trách nhiệm cao, năng lực hành động giỏi, vững vàng, bản lĩnh, không sợ hy sinh gian khổ, sẵn sàng xả thân vì chủ quyền của Tổ quốc.

Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có chuyên môn tốt, làm chủ vững chắc, chuyên sâu VKTBKT; xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi ở các chuyên ngành. Trong chiến công trận đầu đánh thắng, từ vị trí thuyền trưởng đến các vị trí trên tàu đều khai thác, vận hành tốt VKTBKT, chấp hành nghiêm mệnh lệnh; ý chí quyết tâm chiến đấu cao, đoàn kết, SSCĐ hy sinh. Đây là bài học quý để Quân chủng tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ tàu và nhân viên kỹ thuật đáp ứng yêu cầu xây dựng HQND Việt Nam chính quy, hiện đại trong tình hình mới.

Sáu là, tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo để mọi cấp, mọi ngành, mọi tầng lớp nhân dân hiểu, chia sẻ và cùng chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo; “Bờ có vững thì biển mới yên”; tạo mọi nguồn lực để tiếp tục xây dựng HQND Việt Nam chính quy, hiện đại. Tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội trên các vùng biển, đảo; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” và hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”, góp phần làm sáng đẹp hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ Hải quân” thời kỳ mới.

“Bí quyết” nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

 

Những năm qua, LLVT huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trong đó, năm 2020 được UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng Bằng khen; năm 2019, 2021, 2022 được Quân khu 4 tặng Cờ thi đua xuất sắc; năm 2023 được tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, Đảng bộ Quân sự huyện được Tỉnh ủy tặng Bằng khen vì 5 năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...

Khi được hỏi về “bí quyết” để có được thành tích trên, Thượng tá Phan Huy Tiệp, Chính trị viên Ban CHQS huyện Thạch Hà, cho biết: “Bí quyết chính là Đảng ủy, Ban CHQS huyện luôn xác định rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng và Phong trào Thi đua Quyết thắng; xây dựng trách nhiệm, động cơ thi đua đúng đắn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ cho mọi cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, Đảng ủy, Ban CHQS huyện luôn đặt lên hàng đầu việc xây dựng cơ quan quân sự vững mạnh, đủ sức tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương”.

“Bí quyết” nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
 Lực lượng vũ trang huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. 

Đảng ủy, Ban CHQS huyện luôn coi việc xây dựng mối đoàn kết, thống nhất trong Đảng ủy, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ là yếu tố quyết định để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Theo đó, mọi công việc đều được Đảng ủy, chỉ huy đưa ra bàn bạc thống nhất và phân công, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng đảng ủy viên theo dõi, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đối với các nhiệm vụ quan trọng thì đưa ra tập thể quân nhân bàn bạc, thống nhất, lấy ý kiến dân chủ, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện.

Trước thực trạng ngày càng nhiều công dân trong độ tuổi thực hiện Luật Dân quân tự vệ, Luật Nghĩa vụ quân sự đi làm ăn xa và đi xuất khẩu lao động... ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều động quân số huấn luyện, diễn tập, tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và tuyển sinh quân sự, Đảng ủy, Ban CHQS huyện đã chủ động tham mưu, đề ra nhiều biện pháp sáng tạo, thiết thực, hiệu quả. Vì vậy, những năm qua, chất lượng huấn luyện, diễn tập và bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng ngày càng được nâng lên; công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự luôn là đơn vị dẫn đầu trong toàn tỉnh; thanh niên đăng ký thi vào các trường trong Quân đội luôn vượt chỉ tiêu.

Thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội”, LLVT huyện Thạch Hà đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả, tạo được nhiều chuyển biến rõ nét trong xây dựng cảnh quan, doanh trại xanh, sạch, đẹp, nếp sống văn minh và có đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh. Năm 2022, tham gia Hội thi Doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp cấp Quân khu, đơn vị giành giải Nhất. Tổng cục Hậu cần khen thưởng, ghi nhận doanh trại Ban CHQS huyện Thạch Hà là một điểm sáng trong toàn quân, được nhiều cơ quan, đơn vị trong Quân khu 4 và nước bạn Lào đến tham quan, học tập.

Cùng với đó, Phong trào “LLVT huyện chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và mô hình đơn vị “Dân vận tốt”, “Dân vận khéo” được Ban CHQS huyện Thạch Hà triển khai thiết thực, hiệu quả. LLVT huyện đi đầu trong việc hiến đất, xóa vườn tạp, tham gia hàng nghìn ngày công xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần quan trọng đưa huyện Thạch Hà về đích nông thôn mới năm 2020; đồng thời cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện luôn là lực lượng nòng cốt giúp nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.

Đại tá Phan Huy Tâm, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định: “Với cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, Phong trào Thi đua Quyết thắng của LLVT huyện Thạch Hà đã tạo bước chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ; khơi dậy ý chí phấn đấu, tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và tham gia giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo thuận lợi cho địa phương phát triển kinh tế, xã hội”.

Bộ đội hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy: Trồng rau, nuôi cá trên... mái nhà

 

Đến công tác tại Ban CHQS phường 15 (quận 10, TP Hồ Chí Minh), tôi ngỡ ngàng khi bắt gặp mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá rất phù hợp, hiệu quả, đã góp phần cung cấp phần lớn rau xanh, cá tươi trong bữa ăn hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ dân quân nơi đây.

Trò chuyện với tôi, đồng chí Nguyễn Đương Hoài, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường 15, cho biết: Do đứng chân trong nội thành nên diện tích trụ sở làm việc của đơn vị chật hẹp, không có điều kiện để quy hoạch khu tăng gia sản xuất (TGSX) riêng. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh em trong đơn vị đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, tham quan, học hỏi mô hình TGSX của các hộ dân trên địa bàn, sau đó vận dụng triển khai mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá.

Bộ đội hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy: Trồng rau, nuôi cá trên... mái nhà
Chiến sĩ dân quân Ban CHQS phường 15 (quận 10, TP Hồ Chí Minh) chăm sóc rau theo mô hình thủy canh kết hợp nuôi cá. Ảnh: LÊ HIẾU 

Tận dụng 55m² khoảng trống trên sân thượng nhà làm việc, Ban CHQS phường 15 đã đầu tư 20 triệu đồng để mua một bể nuôi thủy sản hình trụ có dung tích 3.000 lít làm bể nuôi cá, 7 khay nhựa dung tích 100 lít/khay làm vườn trồng rau, hai thùng phuy (50 lít/thùng) để thiết kế hệ thống lọc nước; đồng thời, mua sắm thêm các thiết bị phụ kiện như ống dẫn nước, phao rút nước tự động, máy bơm nước, bộ cảm biến hẹn giờ, giá thể, ống sắt. Cán bộ, chiến sĩ còn làm giá đặt thiết bị, giàn cho cây leo và lưới quây xung quanh sân thượng để che nắng, chắn mưa, ngăn côn trùng phá hại cây trồng.

Đồng chí Nguyễn Đương Hoài chia sẻ thêm: Đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tích hợp đồng thời cả hai hệ thống: Nuôi thủy sản sạch và trồng cây thủy canh tuần hoàn, tận dụng nước có chất thải từ bể cá cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng phát triển. Ngược lại, rễ cây có tác dụng làm sạch nước cho bể cá, tạo ra nguồn nước sạch cung cấp trở lại. So với việc trồng rau, nuôi cá thông thường, mô hình này có sự khác biệt là phương pháp trồng, chăm sóc cây thân thiện với môi trường, khai thác các thuộc tính tốt nhất của nuôi thủy sản và trồng thủy canh. Đặc biệt, mô hình tăng gia này không cần phải thải bỏ nước, dịch lọc hay bón thêm phân hóa học; không dùng đất, thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học và không gây ô nhiễm môi trường.

Để mô hình phát huy hiệu quả, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS phường phải nghiên cứu, lựa chọn kỹ giống cá, giống rau phù hợp, có khả năng kháng sâu bệnh và sinh trưởng tốt; tuân thủ nghiêm quy trình hoạt động của mô hình. Được giao trực tiếp chăm sóc khu trồng rau, nuôi cá, đồng chí Lê Huỳnh Tiến (chiến sĩ dân quân thường trực) phấn khởi tiết lộ: “Rau trồng theo mô hình này không chỉ sạch mà còn ngọt, mọng nước, nhanh cho thu hoạch, không tốn nhiều công chăm sóc. Hằng ngày, tôi chỉ cần vài phút cho cá ăn vào buổi sáng và chiều tối, còn rau đã được tưới nước tự động. Thời gian đầu áp dụng, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn về kỹ thuật lắp ráp thiết bị và gieo trồng rau, chăm sóc cá. Nhất là trong quá trình gieo hạt giống trong khay, hạt dễ bị trôi theo đường ống nước nên số lượng hạt nảy mầm không đạt, ảnh hưởng đến năng suất. Để khắc phục, chúng tôi đã nghiên cứu, học hỏi thêm về kỹ thuật, sử dụng màng lọc trước khóa đường dẫn nước để chặn hạt rau trôi. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đến nay, quy trình trồng rau, nuôi cá đã được chúng tôi thực hiện thuần thục, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng cao hơn”.

Được biết, sau hơn một năm áp dụng mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá, mỗi tháng, Ban CHQS phường 15 thu hoạch bình quân 60-70kg rau, quả (chủ yếu là rau cải, rau muống, mồng tơi, rau dền, xà lách, mướp...) và khoảng 15kg cá rô phi, cá diêu hồng phục vụ bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ. Từ thành công của mô hình này, Ban CHQS phường 15 đang tiếp tục tận dụng khoảng không trên mái nhà để mở rộng quy mô, đẩy mạnh TGSX, góp phần tự bảo đảm nguồn rau, cá và tạo thêm nguồn thu cho đơn vị.

Làm thế nào để giải tỏa căng thẳng, lấy lại cân bằng?

 

Trong công việc cũng như cuộc sống, chúng ta không tránh khỏi những lúc muộn phiền và áp lực vì nhiều lý do khác nhau. Làm thế nào để giải tỏa căng thẳng trong những lúc này để sớm lấy lại sự cân bằng cùng niềm vui, động lực làm việc? Trang “Ý kiến chiến sĩ” chia sẻ một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Đại tá CHU NGỌC TUẤN, Phó chủ nhiệm Chính trị Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không-Không quân:

Luôn lạc quan, làm việc một cách khoa học

Tôi thường gặp áp lực vào những lúc: Thứ nhất là công việc nhiều, dồn dập với yêu cầu cao. Thứ hai là có cố gắng và kỳ vọng nhưng chưa đạt được. Đối với cả hai trường hợp này, tôi đều dành cho mình một khoảng thời gian tĩnh tâm để suy nghĩ, định hình xem nên làm gì và làm như thế nào. Với trường hợp 1, tôi lập kế hoạch chi tiết, cụ thể, khoa học, tính toán kết hợp hài hòa cả việc đơn vị và gia đình. Dành nhiều thời gian hơn, kể cả giờ nghỉ và bình tĩnh giải quyết từng việc theo kế hoạch đã xây dựng. Với trường hợp 2, tôi chia sẻ với người thân và bạn bè, đồng đội đáng tin cậy, đồng thời tự mình hóa giải bằng cách suy nghĩ tích cực, lạc quan: “Đó là lúc chưa đạt được chứ không phải không bao giờ đạt được và đó là quy luật của cuộc sống... Mình tiếp tục nỗ lực, khẳng định giá trị bản thân thì sẽ có được nhiều cơ hội tốt hơn”, không để các ý kiến ngoài luồng chi phối. Để giải tỏa áp lực không cần thiết, giúp bộ đội có tinh thần lạc quan, ngoài phát huy vai trò của cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị; duy trì các chế độ, nền nếp; nắm chắc hoàn cảnh, mối quan hệ, quan tâm, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần, các chế độ, tiêu chuẩn cho bộ đội... chúng tôi yêu cầu chỉ huy các đơn vị vừa giao nhiệm vụ hợp lý vừa động viên bộ đội; cấp trên phải gương mẫu, nói đi đôi với làm, thường xuyên sâu sát bộ đội để sẵn sàng giúp đỡ, động viên khi cần thiết, thực sự là người anh, người bạn của bộ đội. Tích cực tổ chức tốt các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, thu hút bộ đội tham gia và cùng tham gia với bộ đội...

Làm thế nào để giải tỏa căng thẳng, lấy lại cân bằng?
Cán bộ, chiến sĩ Xưởng Bảo dưỡng kỹ thuật, Trung đoàn 910, Trường Sĩ quan Không quân (Quân chủng Phòng không-Không quân) vui chơi thể thao sau giờ làm việc. Ảnh: MAI VĂN ĐÔNG 

Thiếu tá NGUYỄN HOÀNG PHÚC, Chủ nhiệm khoa Nội truyền nhiễm-Da liễu, Bệnh viện Quân y 120, Cục Hậu cần Quân khu 9:

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Theo tôi, nếu không tìm cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống, kịp thời giải tỏa, xử lý những âu lo, muộn phiền, áp lực sẽ dễ dẫn đến căng thẳng kéo dài, từ đó gây ra những biến đổi trong tâm lý, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, công việc, gia đình. Khi đó, mỗi người cũng sẽ không có tinh thần làm việc tốt, năng suất lao động giảm xuống, chất lượng công việc không như mong muốn khiến ngày càng căng thẳng, chán nản, rơi vào vòng xoáy bi quan, tiêu cực. Mỗi người có thể tự cân bằng và tìm kiếm niềm vui trong công việc, cuộc sống bằng nhiều cách khác nhau, tùy theo quan điểm, hoàn cảnh của mỗi người, như: Bố trí làm việc một cách khoa học theo thời khóa biểu và có kế hoạch cụ thể cho từng công việc; sắp xếp thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý; lựa chọn và chơi một số môn thể thao mà mình yêu thích, phù hợp với sức khỏe của bản thân; tranh thủ thời gian nghỉ phép, nghỉ tranh thủ đưa gia đình đi chơi, thăm bạn bè, người thân; gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp để trao đổi công việc, kiến thức, chuyên môn hoặc cùng nhau thư giãn...

Trung úy HOÀNG PHI LONG, Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5:

Không để việc riêng ảnh hưởng đến việc chung

Là sĩ quan trẻ công tác ở đơn vị chủ lực đủ quân, tuy luôn an tâm tư tưởng, xác định tốt nhiệm vụ, song đôi khi vì áp lực công việc, hoàn cảnh gia đình và những lý do khác khiến tôi vẫn cảm thấy khá căng thẳng, mệt mỏi. Những lúc như vậy, được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ tận tình của cấp trên và đồng chí, đồng đội, tôi đã từng bước vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Sự biểu dương, khích lệ của cấp trên là động lực để tôi không ngừng nỗ lực, cố gắng nhiều hơn. Để cân bằng giữa cuộc sống với công việc, tôi luôn xây dựng, sắp xếp thời gian sinh hoạt, công tác sao cho phù hợp, hiệu quả nhất với điều kiện đặc thù của đơn vị, không để việc riêng làm ảnh hưởng đến việc chung. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi luôn toàn tâm, toàn ý, dồn hết tinh thần, trách nhiệm vào công việc. Ngày nghỉ, giờ nghỉ lại tranh thủ gọi điện, nhắn tin trò chuyện, tâm sự cùng người thân, bạn bè, cân bằng các mối quan hệ xã hội.

Hiện nay, đơn vị tôi đang thực hiện nhiệm vụ dân vận và chuẩn bị để bước vào huấn luyện giai đoạn 2. Hằng ngày, bộ đội thực hiện nhiều nhiệm vụ với cường độ cao, phân tán, công tác ngoài doanh trại, thời tiết nắng nóng cũng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, sức khỏe của anh em. Để giảm bớt sự căng thẳng, mệt mỏi, không nảy sinh tư tưởng tiêu cực, chúng tôi luôn quan tâm, chăm lo, bảo đảm tốt đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội, bám sát diễn biến tư tưởng của từng quân nhân, nhất là những đồng chí ốm đau, bệnh tật, gia đình gặp chuyện buồn hay có kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao, giúp bộ đội từng bước vươn lên, góp sức trẻ dựng xây đơn vị. Đồng thời, phát huy tốt hiệu quả các thiết chế, mô hình trong đơn vị; tổ chức sôi nổi các hoạt động vào giờ nghỉ, ngày nghỉ; phối hợp với gia đình, người thân để giáo dục, động viên bộ đội... Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị tôi luôn yên tâm công tác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, được chỉ huy các cấp đánh giá cao.

Binh nhất PHẠM VINH LỰC, chiến sĩ Tiểu đội 3, Trung đội 1, Đại đội 17, Trung đoàn 43, Sư đoàn 395, Quân khu 3:

Mạnh dạn giãi bày tâm tư, suy nghĩ

Đôi khi tưởng phải bỏ cuộc giữa chừng vì muộn phiền, căng thẳng, mệt mỏi, tôi tâm sự với các đồng chí trong tổ, tiểu đội, chia sẻ thông qua những buổi tâm sự đồng đội tại đơn vị. Khi thực hiện những nhiệm vụ mà thấy khó có thể hoàn thành tốt, tôi báo cáo, chia sẻ với chỉ huy đơn vị để tìm biện pháp giải quyết. Nếu được đơn vị cho mượn điện thoại, tôi gọi về tâm sự với người thân trong gia đình. Những lời động viên, chia sẻ, sự chỉ bảo, tư vấn của người thân, đồng đội và chỉ huy các cấp chính là nguồn động lực quan trọng giúp tôi tìm lại niềm vui, lấy lại cân bằng để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đơn vị tôi cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là thực hiện nhiệm vụ khó khăn, vất vả, yêu cầu cao, chỉ huy các cấp rất sâu sát, luôn quan tâm, gần gũi và động viên chiến sĩ, chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức huấn luyện đầy đủ nội dung, uốn nắn tỉ mỉ từng thao tác. Những biện pháp đó giúp chúng tôi thêm gắn kết, coi đơn vị như gia đình và sẵn sàng khắc phục khó khăn, nỗ lực hơn để hoàn thành nhiệm vụ.