Dân chủ là
hiện tượng lịch sử xã hội phức tạp gắn liền với sự tồn tại và phát triển của
đời sống con người và cộng đồng người. Dân chủ gắn liền với tiến bộ xã hội và
sự phát triển của lịch sử qua các thời đại, các chế độ xã hội khác nhau. Thuật
ngữ “dân chủ” xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ V đến IV trước Công nguyên tại
Hy Lạp. Theo tiếng Hy Lạp, dân chủ được viết là Demokratos, trong đó Démos
nghĩa là nhân dân và kratos nghĩa là quyền lực. Theo cách diễn đạt này, dân chủ
được hiểu là nhân dân cai trị và sau này được các nhà chính trị dịch giản lược
là quyền lực của nhân dân hay quyền lực thuộc về nhân dân.
Trong những
điều kiện, hoàn cảnh lịch sử khác nhau, tùy theo sự vận động biến đổi của thực
tiễn dân chủ, khái niệm dân chủ được nhận thức cũng đa dạng. Đến nay, mặc dù
vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau nhưng đều có những nhận thức chung tương
đối thống nhất khái niệm về dân chủ.
Dân chủ là một giá trị xã hội, hình thức tổ chức nhà nước, một chế
độ chính trị mà ở đó những quyền cơ bản của con người được pháp luật thừa nhận,
bảo vệ và thể chế thành các nguyên tắc, quy định quyền lợi, trách nhiệm của
nhân dân đối với nhà nước, cộng đồng và ngược lại.
Dân chủ là một giá trị xã hội mang tính nhân văn và
tính nhân loại sâu sắc. Ở nghĩa này, dân chủ mang những
giá trị chung của toàn nhân loại. Giá trị xã hội của dân chủ, một mặt
phản ánh trình độ đạt được về bảo đảm các quyền, nghĩa vụ, tự do của con người,
của công dân và sự tham gia của họ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Mặt khác, thể
hiện ở những nguyên tắc, hình thức phổ quát nhất của dân chủ là:
nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, nguyên tắc bầu cử tự do, nguyên
tắc tôn trọng và bình đẳng trước pháp luật…, hình thức dân chủ đại
diện và dân chủ trực tiếp.
Giá trị nhân văn của dân
chủ là kết quả sự phát triển tiến bộ của các quan hệ xã hội, các hoạt động xã
hội và các giá trị dân chủ đến lượt mình cũng thâm nhập, tác động làm lành mạnh
hóa, dân chủ hóa và nhân văn hóa các quan hệ xã hội, các hoạt động xã hội của
con người trên các cấp độ tồn tại của nó. Mỗi bước tiến của dân chủ phản ánh
bước tiến về quyền của con người. Dân chủ phát triển càng cao, quyền con người
càng được khẳng định, tự do, bình đẳng trong xã hội càng cao.
Dân chủ ngày càng trở thành tiêu chí, thước đo của sự tiến bộ
xã hội, trình độ văn minh của loài người đạt được. Giá trị nhân văn của dân chủ được xác định như một lý tưởng nhân
đạo, nó gắn liền với sự bình đẳng, công bằng xã hội và tự do.
Những giá trị của dân chủ không chỉ được tạo ra từ quyền
lực chính trị, từ yếu tố nhà nước mà còn phụ thuộc vào sự phát triển của
kinh tế, khoa học công nghệ, cơ cấu xã hội - giai cấp, trình độ quản
lý xã hội, trình độ dân trí, đặc trưng văn hóa, lịch sử của dân tộc,
luật pháp quốc tế và toàn cầu hóa.
Dân chủ là một
hình thức nhà nước, một chế độ chính trị. Theo nghĩa
này, dân chủ được hiểu là chế độ dân chủ. Đây là hình thức tất yếu của
việc tổ chức và thực thi quyền dân chủ của nhân dân trong xã hội có giai cấp.
Lịch sử phát triển của dân chủ đến nay xuất hiện ba chế độ dân chủ
(nền dân chủ) khác nhau: dân chủ chủ nô, dân chủ tư sản và dân chủ xã
hội chủ nghĩa. Điểm chung nhất của các chế độ dân chủ là đều thể hiện
ra trong hiện thực đời sống xã hội, trước hết và chủ yếu ở hình thức nhà
nước tương ứng. Nhà nước, một mặt, thừa nhận quyền lực chính trị của nhân
dân, quyền tự do, bình đẳng của công dân trong việc xác định tổ chức, cơ cấu
nhà nước, quản lý nhà nước; mặt khác, thi hành có tổ chức, có hệ thống cưỡng
chế bằng pháp luật đối với mọi người để bảo đảm dân chủ chung cho toàn xã hội.
Dân chủ được thực hiện thông qua hai hình thức cơ bản: dân chủ đại diện và dân
chủ trực tiếp.
Tuy nhiên, không phải chế độ chính trị, chế độ nhà
nước nào cũng là chế độ dân chủ. Một nhà nước dân chủ, một chế độ dân chủ
tiến bộ phải thừa nhận và bảo đảm quyền lực nhà nước là quyền lực của nhân
dân như V.I.Lênin quan niệm: “dân chủ là sự thống trị của đa số”[1],
theo đó, mức độ, phạm vi tham gia thật sự của quần chúng nhân dân vào công
việc quản lý nhà nước phản ánh trình độ phát triển của một chế độ dân chủ,
phản ánh những vấn đề cốt lõi nhất của dân chủ.
Trong xã hội có giai cấp, dân chủ trước hết và chủ yếu
là dân chủ của giai cấp thống trị. Không có dân chủ trừu tượng, phi giai cấp,
ngoài giai cấp. Bản chất của dân chủ được thể hiện ở tính giai cấp của nó. Đây
là là tiêu chí để phân biệt bản chất khác nhau của các chế độ dân chủ.
Trong một chế độ dân chủ nhất định, để tồn tại và bảo đảm
quyền thống trị xã hội, giai cấp thống trị không chỉ bảo đảm dân chủ của
giai cấp mình mà còn phải bảo đảm dân chủ chung cho toàn xã hội. Do đó, chế
độ dân chủ không chỉ duy nhất là thiết chế quyền lực nhà nước mà
còn có những hình thức thiết chế quyền lực khác của xã hội, do
nhân dân lập nên, bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân.
Dân chủ là thành quả đấu tranh của nhân dân lao động
các dân tộc bị áp bức, bóc lột. Đấu tranh cho dân chủ trở thành mục
tiêu, nội dung đấu tranh giai cấp - một trong những động lực cơ bản thúc đẩy sự
phát triển của xã hội có giai cấp. Dân chủ vừa mang bản chất của giai cấp
thống trị vừa có tính nhân dân và tính dân tộc. Chế độ dân chủ ra
đời, tồn tại, phát triển và sẽ tiêu vong cùng với giai cấp và nhà nước.
Dân
chủ là một phạm trù lịch sử. Mỗi giai
đoạn lịch sử đều đã ghi dấu mốc quan trọng trên bước đường phát triển dân chủ
và thể hiện sự đấu tranh không khoan nhượng với những yếu tố phi dân chủ (sự
độc tài, chuyên chế, phát xít...), trong cuộc đấu tranh giành dân chủ, nhân
loại đã phải trả giá đắt bằng cả máu, xương của mình.
Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ rõ dân chủ không phải là sản
phẩm của tự nhiên, cũng không phải là bẩm sinh, càng không phải là tặng phẩm
của giới siêu nhân nào đó, mà là kết quả của quá trình đấu tranh trong trường
kỳ lịch sử của nhân loại vì sự tiến bộ, văn minh.
Mỗi bước tiến của dân chủ phản ánh bước tiến về quyền của con
người. Dân chủ phát triển càng cao, quyền con người càng được khẳng định; tự
do, bình đẳng trong xã hội càng cao. Do vậy, với tính chất là một giá trị nhân
văn (giá trị văn hóa) của nhân loại, dân chủ ngày càng trở thành tiêu chí,
thước đo của sự tiến bộ xã hội, trình độ văn minh của loài người. Hiểu theo nghĩa
này, dân chủ đã có bước phát triển từ thấp tới cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn
thiện, hầu như không có sự “đứt gãy” trong suốt chiều dài lịch sử từ hình thái
kinh tế - xã hội cộng sản nguyên thủy đến ngày nay, kể cả khi xã hội đạt tới
trạng thái cộng sản chủ nghĩa.
Dân
chủ là nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của các cộng đồng trên cơ sở sự tự do, bình đẳng giữa
các thành viên, thiểu số phục tùng đa số và tôn trọng, bảo vệ thiểu số. Với nghĩa này, dân chủ tồn tại ở khắp mọi nơi có tổ chức, có
quyền lực và quản lý xã hội. Tùy từng cấp độ của dân chủ mà người ta nói đến
dân chủ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội từ xã, phường, thị trấn, thôn, khối phố, gia đình, trường học, các tổ chức tôn giáo đến các tổ chức chính trị,
tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các tổ chức khu vực và tổ chức quốc tế hiện đại…
đều sử dụng các nguyên tắc, cơ chế dân chủ.
Dân
chủ là điều kiện để hình thành và phát triển một nhân cách toàn diện của công
dân, cá nhân. Ðó là sự hình thành thái
độ, trách nhiệm, tính tích cực chính trị, nhu cầu và sự tự giác tham gia vào
các quá trình chính trị
- xã hội. Dân chủ không chỉ là phạm
trù chính trị mà còn là phạm trù đạo đức, mang giá trị đạo đức tốt đẹp.
Có thể thấy, dân chủ
là một phạm trù đa nghĩa với nhiều tầng bản chất và các hình thức lịch sử khác
nhau. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, dân chủ là một phạm trù
chính trị - lịch sử, khi nhà nước xuất hiện, vấn đề dân chủ - quyền lực của dân
được xây dựng thành một chế độ dân chủ, hay một nền dân chủ, biểu hiện tập
trung ở chế độ nhà nước.