Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2022

ĐÃ ĐẾN LÚC TRUNG ƯƠNG CẦN CÓ MỘT NGHỊ QUYẾT LÃNH ĐẠO VỀ CÔNG TÁC BÁO CHÍ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho sự ra đời và xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam; là người tuyên truyền, người cổ động và tổ chức tập thể với tinh thần chiến đấu, thấm nhuần tính đảng và tính nhân dân sâu sắc.
Trong “Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng”, Người huấn thị: “Tờ báo của chúng ta có mấy điểm chính:
1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung.
2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công.
3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc.
4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình.
5. Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát.
6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa. Hiện nay, các báo ta thường có những khuyết điểm sau đây: Về mặt tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều”.
Người chỉ rõ: “đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng”. Vì vậy, cách viết bài báo phải đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ phải trong sáng, tránh dùng từ nước ngoài; viết “phục vụ nhân dân” thì nhất định phải chọn cái gì có lợi cho dân và phục vụ cách mạng. Vì vậy, Người nhắc nhở: “Bác biết các chú văn hay chữ tốt, nhưng dù sao, nhân dân trăm tai nghìn mắt vẫn có nhiều ý kiến thông minh có thể giúp cho các chú tiến bộ hơn. Không riêng gì viết sách viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”.
Tuy nhiên, hiện nay cơ cấu và số lượng các cơ quan báo chí ở nước ta quá nhiều; song chất lượng thì không cần bàn cãi (chỉ cần gõ một từ khóa là hàng trăm bài báo có cùng nội dung xuất hiện, chỗ này gọt đầu, chỗ kia sửa tít...). Một số cơ quan báo chí chỉ chạy theo vụ việc đơn thuần để câu like, mà không chú ý đến nội dung tuyên truyền định hướng cho người đọc. Đáng buồn hơn, một số báo, tạp chí dịch lại các bài báo nước ngoài với tư tưởng sùng ngoại, mà quên mất thuần phong mĩ tục và bản sắc văn hoá dân tộc và họ cũng quên luôn là đất nước mà họ đang ca ngợi cũng đầy rẫy những bất công, tiêu cực.
Mặt khác do phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí 2016; "Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân". Đây là cơ sở để cho các loại hình báo chí ra đời ngày càng nhiều. Từ việc chạy theo số lượng nên chất lượng các bài báo cũng có nhiều hạn chế. Những năm gần đây, chúng ta hiếm thấy có một bài báo nào thật sự xuất sắc. Cá biệt có cơ quan Trung ương thành lập cả kênh truyền hình và một tờ báo riêng.
Năm 2004, tôi có tham gia tập huấn lớp báo chí toàn quân; bài học đầu tiên trong đời cầm bút được cố nhà báo Hữu Thọ truyền dạy là: Phải lấy lợi ích chung của quần chúng nhân dân, đặt mình vào họ để viết, viết ngắn, gọn, xúc tích, dễ nhớ, dễ hiểu; phải trả lời được câu hỏi Ai? Cái gì? Khi nào? Ở đâu? Như thế nào? và Thấy được điều gì? Thấm nhuần lời dạy đó, bản thân tôi đã viết bài báo "Xuất bản sách, dạy nghề cho nông dân" được đăng trên Báo QĐND. Đại ý bài báo đề nghị mỗi loại sách chỉ dạy một nghề; trong đó phổ biến cách làm truyền thống, cách làm hiện đại, cách phòng chống rủi ro, sâu, bệnh.... Sau khi bài báo ra đời, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các bộ, ngành và đến nay hầu hết sách dạy nghề chỉ dạy 01 nghề cho nông dân và đề cập khá toàn diện để người nông dân vận dụng vào sản xuất, kinh doanh.
Thực tiễn hiện nay, do công việc xã hội, việc làm ăn có mấy ai biết cặn kẽ nội dung và xem được hết 9 kênh của Đài truyền hình Việt Nam (từ VTV1-VTV9)? Chúng ta chỉ cần nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên là hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cả nước đã hiện hữu chân thực. Vậy cần gì các đài truyền hình khác ở Trung ương để xào xáo nội dung?
Việc có quá nhiều cơ quan báo chí, có kéo theo việc bảo đảm ngân sách? tăng số lượng biên chế cả ở môi trường đào tạo và môi trường tuyển dụng (trong khi chúng ta đang thực hiện việc tinh giảm bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh). Và việc có quá nhiều loại hình báo chí liệu có làm ảnh hưởng đến các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp? Tôn chỉ, mục đích liệu có bị lệch lạc dưới ngòi bút?
Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá khách quan hoạt động của các cơ quan báo chí trong giai đoạn mới để đội ngũ những người làm báo thật sự có tâm trong, bút sáng; thực hiện đắc lực cho cách mạng, phục vụ tốt nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân tức là Đảng đã làm tốt vai trò lãnh đạo báo chí.../.
vubao3-st

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét