Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

VIỆT NAM KHÔNG THỂ CÓ “CHỦ NGHĨA HỒ CHÍ MINH”

 

Với mục tiêu xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở nước ta, các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội, bất mãn về chính trị không từ một thủ đoạn nào nhằm xuyên tạc, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Bằng nhiều thủ đoạn nguy hiểm và thâm độc, họ đang tập trung tấn công vào nền tảng tư tưởng của chúng ta - đó là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hòng làm lung lay nền tảng tư tưởng của chúng ta, đẩy chúng ta đi chệch hướng chủ nghĩa xã hội. Với chiến dịch “hạ bệ thần tượng”, “bôi nhọ thanh danh” Chủ tịch Hồ Chí Minh, gần đây chúng tung ra luận điệu tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với học thuyết Mác - Lênin. Chúng ngụy biện rằng, bây giờ học thuyết Mác - Lênin đã lỗi thời, chỉ dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh và đề cao “chủ nghĩa Hồ Chí Minh”. “Chủ nghĩa Hồ Chí Minh” nghĩa là ám chỉ chủ nghĩa dân tộc. Đây là một luận điệu hết sức nguy hiểm, vì như vậy sẽ làm lu mờ chủ nghĩa Mác - Lênin và đi đến phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời xuyên tạc bản chất cách mạng khoa học và những giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quan điểm dân tộc.


Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã khẳng định: “Với tấm lòng yêu nước nồng nàn, HỒ CHỦ TỊCH đã sớm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin ánh sáng soi đường cứu dân, cứu nước. HỒ CHỦ TỊCH là người Việt Nam đầu tiên đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh nước ta, vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam từng bước tiến lên, từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”[1].

Chúng ta đều biết rằng, Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.... Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH được thông qua tại Đại hội VII cũng khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011), được thông qua tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 1/2011) một lần nữa khẳng định điều này. Đó là kết luận rút ra từ kết quả tổng kết sâu sắc thực tiễn lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam và cách mạng Việt Nam từ khi thành lập đến nay.

Trên nền tảng chủ nghĩa yêu nước và giá trị truyền thống Việt Nam, từ tinh hoa triết học và giá trị văn hóa Đông - Tây, Hồ Chí Minh đã tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin không phải theo lối giáo điều, dập khuôn mà là sự chắt lọc và hòa quyện những tinh hoa của chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đó là nhân tố cơ bản quyết định đến sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tháng 7 năm 1920, khi đọc Luận cương của V.I. Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, bằng nhãn quan chính trị sắc bén, với lối tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, Hồ Chí Minh đã nhận thấy đây là con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”[2]. Trong cuốn Đường Kách mệnh, Người viết: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[3]. Trong bài Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin, Hồ Chí Minh đã viết: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”[4].

Chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết duy nhất nêu lên mục tiêu, con đường, lực lượng và phương pháp thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người; là sự thống nhất hữu cơ giữa thế giới quan và phương pháp luận; là một học thuyết mở, không cứng nhắc, không bất biến và không ngừng đổi mới trong dòng trí tuệ của nhân loại. Đó là một học thuyết cách mạng và khoa học, từ khi ra đời đến nay chủ nghĩa Mác - Lênin đã trở thành nền tảng và kim chỉ nam cho giai cấp vô sản và những người cộng sản trên thế giới. Đối với cách mạng Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Vấn đề dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là vấn đề dân tộc nói chung, mà là vấn đề dân tộc thuộc địa ở một nước cụ thể là nước Việt Nam đang bị thực dân Pháp áp bức, bóc lột. Vì vậy, thực chất vấn đề dân tộc mà Người đề cập đến là vấn đề đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa nhằm thủ tiêu sự thống trị của nước ngoài, giành độc lập dân tộc, xoá bỏ áp bức, bóc lột thực dân, thực hiện quyền dân tộc tự quyết, thành lập nhà nước dân tộc độc lập.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc được thể hiện:

Độc lập tự do là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của các dân tộc.

Độc lập tự do là khát vọng, là mục đích của tất cả các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình tồn tại và phát triển, những nước lớn luôn muốn chà đạp lên độc lập của các nước khác, luôn muốn biến các dân tộc khác thành thuộc địa của chúng. Trong hoàn cảnh đó người dân thuộc địa không có bất kỳ một quyền nào kể cả quyền sống, quyền quyết định tính mạng. Tại Đại hội Tua (30/12/1920), sau khi bỏ phiếu tán thành việc ra nhập Quốc tế Cộng sản, trả lời người tốc ký Đại hội, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”

Ở các nước đang đấu tranh giành độc lập, chủ nghĩa dân tộc là một động lực to lớn.

Quan điểm này đã được Nguyễn Ái Quốc khẳng định từ rất sớm. Cuối năm 1924, trong Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ, Người viết: “Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước”[5]. Chủ nghĩa dân tộc mà Người nói đến ở đây là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc chân chính của nhân dân Việt Nam đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, vốn là một động lực tinh thần vô giá trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc. Nó hoàn toàn khác về bản chất so với chủ nghĩa dân tộc sô vanh nước lớn, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của giai cấp phong kiến, tư sản mà đã từng bị lịch sử lên án. Từ vị trí của người dân thuộc địa và truyền thống dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đánh giá cao sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc với ý nghĩa là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc chân chính. Đó là một động lực lớn góp phần đưa sự nghiệp cách mạng giải phóng thuộc địa đi tới thắng lợi. Mục tiêu là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người; là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây là mục tiêu nhất quán và xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong Chánh cương sách lược vắn tắt năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xác định: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[6]. Lực lượng cách mạng là toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp.

Khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, xác định con đường giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, nghĩa là Hồ Chí Minh đã tiếp thu lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin, thấy rõ mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản.

Nhưng xuất phát từ thực tiễn dân tộc thuộc địa, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo và phát triển những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc. Người cho rằng, trong hoàn cảnh dân tộc mất độc lập, tự do, Nhân dân Việt Nam bao giờ cũng đặt quyền lợi dân tộc, quyền lợi đất nước lên trên quyền lợi giai cấp và lợi ích bộ phận phải phục tùng lợi ích dân tộc. Người cho rằng, quyền lợi dân tộc và quyền lợi giai cấp là thống nhất, quyền lợi dân tộc không còn, thì quyền lợi mỗi giai cấp, mỗi bộ phận trong dân tộc cũng không thực hiện được. Do đó, phải kết hợp nhuần nhuyễn và giải quyết hài hòa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, quyền lợi dân tộc và quyền lợi quốc tế trên phạm vi quốc tế cũng như trong quốc gia dân tộc Việt Nam. Đồng thời luôn đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, và các dân tộc trên thế giới.

Như vậy, Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc vừa mang tính khoa học đúng đắn, vừa có tính cách mạng sâu sắc thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân tộc và giai cấp, chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, độc lập cho dân tộc mình đồng thời độc lập cho tất cả các dân tộc. Tư tưởng này là sự kế thừa, bổ sung phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam và đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam chứng minh là hoàn toàn đúng đắn.

Vì vậy, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng không thể tách rời chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kế thừa phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, phù hợp với đặc điểm thực tế của cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Điều đó đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam chứng minh là hoàn toàn đúng đắn.

Ngày nay, Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” cũng chính là để góp phần hoàn thành ham muốn tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta trong hoàn cảnh mới. Đối với Nhân dân Việt Nam, đổi mới không phải là xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết, tư tưởng đó, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và Nhân dân ta./.

 



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tập.15, tr.626.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tập.12, tr.562.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tập.2, tr.289.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tập.12, tr.563.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tập.1, tr.511.

[6] HCM: Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2011, tập.3, tr.1.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét