Tật khoe mẽ, khoác lác của cán bộ không phải bỗng nhiên mà có. Nó được hình thành từ trong quá trình công tác, từ quá trình tiếp xúc, quan hệ với các cá nhân, cơ quan, tổ chức. Do yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ có thể nắm được một số thông tin. Nếu với những người được rèn luyện nghiêm túc, có bản lĩnh vững vàng, nhận thức đúng đắn thì họ sẽ biết cách xử lý, phổ biến các thông tin ấy một cách phù hợp với từng đối tượng nên sẽ có tác dụng định hướng tư tưởng, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho người tiếp nhận thông tin và làm cho nhiệm vụ, công việc được hoàn thành đúng ý định. Còn đối với những người nhận thức non nớt, tính cách huênh hoang, bồng bột thì lại coi những thông tin mình nắm được như một phương tiện để tự tâng bốc mình, đưa mình trở thành nhân vật quan trọng trước những người được truyền đạt thông tin.
Nếu
là những thường dân nói khoác, kể những câu chuyện có tính chất phóng đại cho
vui thì có thể vô hại mà lại có ích là giải tỏa những căng thẳng trong cuộc
sống như kiểu chuyện “bác Ba Phi”, chuyện “Trạng Quỳnh”... Thế nhưng sự khoe
mẽ, khoác lác của những người làm quan xưa kia, những cán bộ ngày nay thì lại
có hại vô cùng. Bởi sự khoác lác ấy sẽ đánh lừa quần chúng, làm cho họ lẫn lộn
thật giả, dẫn đến nhận thức lệch lạc, tiêu cực. Tính khoe mẽ, khoác lác giống
như một mầm bệnh, lâu ngày sẽ biến các cán bộ thành kẻ ảo tưởng, huyễn hoặc về
bản thân, nói nhiều, làm ít, nói hay, làm dở, hoặc chỉ nói mà không làm, tệ hơn
là làm thoái hóa, biến chất cán bộ, đảng viên...
Thực
tế có anh cán bộ chỉ là một thư ký giúp việc cho một cán bộ cao cấp, nhưng lúc
nào anh cũng tỏ ra mình là người quan trọng, mình mới là người có thể... quyết
định việc này, việc kia. Khi có cơ quan đến đề xuất nội dung công việc với thủ
trưởng thì anh bẻ hành, bẻ tỏi, yêu cầu phải làm thế này, làm thế kia và thay
đổi, đảo lộn gần như hoàn toàn nội dung, kế hoạch của cơ quan đề xuất. Anh
không biết, hoặc cố tình không biết rằng chính những phần việc ấy đã được các
chuyên gia và cơ quan tham mưu xem xét, bàn thảo, cân nhắc kỹ càng trước khi đề
xuất. Hành vi ấy biểu hiện rằng, anh đã tự cho mình cái quyền đứng trên cơ quan
tham mưu, vượt qua giới hạn trách nhiệm và bổn phận của một thư ký giúp việc.
Cũng
có người, do yêu cầu công việc nên được tiếp xúc với thủ trưởng cấp trên thường
xuyên. Lẽ ra anh nên lấy đó làm cơ hội để học hỏi, tích lũy thêm kiến thức,
nâng cao trình độ, phương pháp, tác phong công tác. Nhưng tiếc thay, anh lại
coi những cuộc tiếp xúc đó là thế mạnh, là “năng lực” của mình trước đồng
nghiệp. Anh hay kể rằng, mình quen thủ trưởng này, biết thủ trưởng kia, có thể
đến chỗ này, vào chỗ khác, có thể giải quyết được nhiều công việc, thậm chí cả
những việc đặc biệt quan trọng như sắp xếp, điều động, bổ nhiệm cán bộ... Những
người biết anh thì chỉ cười mỉm, họ biết rằng đó chỉ là sự ảo tưởng, bởi thực
chất, anh cũng chỉ là một trợ lý bình thường như bao trợ lý khác trong cơ quan.
Có chăng những người khác họ không khoe mẽ, không ra vẻ như anh, mà họ biết
trách nhiệm và biết giữ đúng bổn phận của người cán bộ, không bao giờ vượt quá
giới hạn đã được tổ chức xác định. Nhưng có người không biết, lần đầu tiếp xúc với anh thì lại tưởng anh có quyền năng
thật, nên lân la nhờ vả, đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ, thậm chí có cả phần “chè nước”
để đưa đẩy, nhằm bảo đảm cho sự việc hanh thông. Nhưng cuối cùng, vì không có
quyền năng thực sự nên sự việc không được tổ chức thông qua, không được thủ
trưởng chấp thuận. Khỏi phải nói sau sự việc như thế hình ảnh của anh trong mắt
đồng nghiệp như thế nào.
Có
một điều rất đáng suy ngẫm là hiện tượng khoe mẽ, huênh hoang của cán bộ, lúc
sinh thời đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhiều lần trong các bài nói, bài
viết. Điển hình là trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Trong tác phẩm này,
Bác chỉ rõ bệnh kiêu ngạo của người cán bộ, đảng viên, đó là: “Tự cao, tự đại,
ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai
khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo,
cho ai cũng không bằng mình... Việc gì cũng muốn làm thầy người khác”. Đến
tháng 11-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết hẳn một bài báo tựa đề “Bệnh tự ái, tự
kiêu” đăng trên Báo Sự thật số 102, ra ngày 15-11-1948. Trong bài báo, Bác chỉ
rõ: “Tự kiêu tức là cho mình việc gì cũng thạo, cũng làm được. Việc gì mình
cũng giỏi hơn mọi người. Mình là thần thánh, không cần học ai, hỏi ai”. Những
năm gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thường nhắc đến hành vi khoe mẽ,
tự kiêu, tự đại, nịnh trên, nạt dưới của một số cán bộ. Thế nhưng những cảnh
báo đó dường như chưa thấm, chưa ngấm vào một bộ phận cán bộ, đảng viên. Vì thế
trong thực tế vẫn còn nhiều cán bộ, đảng viên mắc phải thói hư này. Đây là căn
nguyên sinh ra bệnh cá nhân chủ nghĩa có hại cho Đảng và có hại cho chính
bản thân cán bộ, đảng viên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét