Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH LỢI DỤNG VẤN ĐỀ DÂN TỘC, TÔN GIÁO CHIA RẼ KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC CÁC TỈNH VÙNG TÂY BẮC

  Các tỉnh vùng Tây Bắc nước ta có đông đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo. Trong điều kiện thường xuyên có sự chống phá của các thế lực thù địch, lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ, cần phải chủ động phòng ngừa, sớm triệt tiêu các nhân tố bất lợi có thể gây mất ổn định chính trị - xã hội. Do vậy, nếu làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về công tác dân tộc, tôn giáo cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn sẽ phòng, chống hiệu quả những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta, từ đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn. Để đấu tranh, ngăn ngừa, từng bước vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn chống phá của chúng, cần thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp, trong đó chú trọng thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc về âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Thực tiễn cho thấy, nhận thức của đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc về sự chống phá của các thế lực thù địch nói chung, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” nói riêng còn hạn chế. Do đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc về vấn đề này là một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Để thực hiện tốt, trước hết cần làm chuyển biến nhận thức trong các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn về âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, đặc biệt là thủ đoạn mới của chúng. Từ đó, các cơ quan, đơn vị, chính quyền, đội ngũ cán bộ các cấp xác định rõ trách nhiệm, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là việc bồi dưỡng, học tiếng nói, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc là một trong những yêu cầu bắt buộc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền để đồng bào hiểu, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, chính sách về dân tộc, tôn giáo, về đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế, an sinh xã hội, sự ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nói riêng. Trong tuyên truyền, cần có phương pháp phù hợp, gần gũi, chia sẻ, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, kiên trì, nói đi đôi với làm để đồng bào hiểu, tin và ủng hộ; tuyệt đối tôn trọng phong tục, tập quán của từng dân tộc, tránh sơ hở, sai sót để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt để tuyên truyền, vận động, nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng của các dân tộc thiểu số, nhất là các vùng trọng điểm về an ninh, quốc phòng.

Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc, chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định trong đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, sự chống phá của các thế lực thù địch trên địa bàn. Bởi vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy kinh tế vùng Tây Bắc phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, quan tâm xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; cải cách cơ chế, chính sách, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tạo mọi điều kiện thu hút các nguồn lực, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp, một số sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, khai thác tiềm năng du lịch. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chính sách đối với người có công với cách mạng; quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách tôn giáo, tín ngưỡng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của đồng bào; đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa tại các làng, bản, đấu tranh chống các biểu hiện mê tín dị đoan, hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Phát huy vai trò của các đoàn kinh tế - quốc phòng trên địa bàn tham gia xây dựng công trình dân sinh phục vụ sản xuất và đời sống; nghiên cứu, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ sản xuất cây trồng, vật nuôi, bao tiêu sản phẩm cho đồng bào các dân tộc để từng bước ổn định và nâng cao đời sống của đồng bào, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá.

Ba là, phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền quốc gia, lãnh thổ.

Phối hợp thực hiện tốt công tác dân vận, xóa đói giảm nghèo, cứu hộ, cứu nạn; tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào các dân tộc. Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ, đội công tác, cử cán bộ Bộ đội Biên phòng giữ chức vụ trong cấp ủy, chính quyền địa phương biên giới, tích cực tham gia, xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở. Chú trọng xây dựng, phát huy đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số trên địa bàn, bồi dưỡng, rèn luyện cho họ có phong cách, tác phong công tác phù hợp, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, có sự am hiểu sâu sắc về phong tục, tập quán của đồng bào để “nghe được đồng bào nói, nói đồng bào nghe”./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét