Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

VỀ CÁI GỌI LÀ “BÁO CÁO VỀ NHÂN QUYỀN TẠI VIỆT NAM 2021-2022”

 Đến hẹn lại lên, tổ chức “Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam” (VHRN-Vietnam Human Rights Network) lại vừa đưa ra cáo gọi là “Báo cáo về Nhân quyền tại Việt Nam giai đoạn 2021-2022” và như thường lệ với 107 trang cả tiếng Anh và tiếng Việt, báo cáo của “Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam” lại tiếp tục đưa ra những nội dung phản ánh sai sự thật về thực trạng vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, đồng thời tiếp tục cổ vũ cho hoạt động vi phạm pháp luật của những kẻ vi phạm pháp luật bị bắt giữ, xử lý trong thời gian qua.
Theo nội dung được Đài Á Châu Tự Do (RFA) đăng tải vào ngày 27/6/2022, báo cáo của “Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam” đã xuyên tạc cho rằng "tình trạng bắt bớ và cầm tù những người sử dụng quyền tự do ngôn luận để bày tỏ chính kiến lên đến tột đỉnh"; “từ đầu năm 2021 đến 31 tháng 5 năm nay, có ít nhất có 48 người bị bắt và truy tố và 72 người bị đưa ra xét xử với những bản án nặng nề, so với 46 người bị bắt của báo cáo năm 2020”, “nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang giam cầm ít nhất 290 tù nhân chính trị và tôn giáo với những bản án nhiều năm"...
Cũng giống như các tổ chức như Freedom House, AI, RSF, CPJ... từ khi thành lập từ năm 1997 đến nay, dưới danh nghĩa là nhằm mục tiêu “gia tăng có hiệu quả các hoạt động dân chủ, nhân quyền trên thế giới để thúc đẩy tiến trình cải tiến dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam”, “Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam” - VHRN đều đưa ra các báo cáo hàng năm đều có những nội dung phản ánh sai lệch, thiếu khách quan, thiếu công tâm, xuyên tạc trắng trợn với thực tế về vấn đề nhân quyền diễn ra ở Việt Nam, can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam và đi ngược lại với tôn chỉ, mục đích hoạt động của mình.
Thời gian vừa qua, những thành tựu đảm bảo nhân quyền tại Việt Nam trên các lĩnh vực đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế, đặc biệt là những thành tựu của Việt Nam trong việc phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm quyền sống là quyền cao nhất trong đại dịch COVID-19 là những minh chứng rõ nét nhất trong bảo đảm quyền của con người trước những biến cố, đại dịch mà người dân trên toàn thế giới phải trải qua. Cùng với đó, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo quyền con người, trong quan hệ hợp tác quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền và là thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp quốc, trong khối các nước ASEAN trong bảo đảm về quyền con người, Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản, quan trọng nhất về quyền con người, và được luật hóa trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Còn đối với việc các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải, phát tán thông tin xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; kích động biểu tình trái pháp luật, kích động gây rối an ninh trật tự; phát tán thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế, xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vị, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác… như trường hợp của Trương Châu Hữu Danh và nhóm “Báo sạch” mà “Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam” đã đề cập trong báo cáo là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm minh và Việt Nam không có “tù nhân lương tâm” hay “tù nhân chính trị” như những gì mà báo cáo đã đưa ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét