Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022
Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Sau hơn 35 năm lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng khẳng định rõ năng lực và bản lĩnh của một Đảng cầm quyền; đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay. Bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn đáng lo ngại, “vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta” (1). Trong tình hình hiện nay cần phải đẩy mạnh nghiên cứu, quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, giúp chúng ta có định hướng tư tưởng đúng đắn, có cơ sở, căn cứ khoa học để xác định chủ trương giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí quan liêu được phản ánh trong nhiều bài nói, bài viết, cùng với hoạt động thực tiễn phong phú của Người trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, đặc biệt là trong 24 năm đứng đầu Đảng, Nhà nước Việt Nam, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng một chính phủ liêm khiết, trong sạch. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu là một hệ thống quan điểm toàn diện sâu sắc. Người không chỉ làm rõ nguồn gốc, bản chất, mối quan hệ giữa tham ô, lãng phí với quan liêu mà còn xác định rõ yêu cầu, chủ trương, giải pháp phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ, kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta” (2). Phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu là một cuộc đấu tranh cách mạng. Đó là “một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu”(3). Chính vì vậy, phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân ta, phải được tiến hành thường xuyên, kiên quyết, triệt để; kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, chăm lo xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, xây dựng đội ngũ đảng viên vừa “hồng” vừa “chuyên”, đồng thời chủ động đấu tranh khắc phục chủ nghĩa cá nhân.
Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu đã được quán triệt, vận dụng trong xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Mỗi thành tựu đạt được trong đấu tranh, khắc phục tệ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đều gắn liền với tư duy nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành trong nghiên cứu, quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Trong tình hình hiện nay cần đẩy mạnh nghiên cứu, quán triệt, vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, tạo sức mạnh mới để đấu tranh, ngăn ngừa, khắc phục một cách toàn diện, đồng bộ, hiệu quả tình trạng tham nhũng, tiêu cực.
Một là, tập trung quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, tạo sự chuyển biến, thống nhất cao trong nhận thức của các tổ chức, các lực lượng về đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Cần đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các tổ chức, các lực lượng về tầm quan trọng của nghiên cứu, học tập, quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Tiến hành đồng thời việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, của hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên. Tạo sự chuyển biến, thống nhất của các tổ chức, các lực lượng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; phòng, chống tham nhũng gắn liền với phòng, chống tiêu cực với nội dung chính là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, phát huy tốt vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, chủ động đấu tranh, ngăn ngừa, khắc phục những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong điều kiện Đảng cầm quyền, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, đồng thời Đảng phải chủ động, kiên quyết đấu tranh khắc phục những căn bệnh bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải có đủ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao; có tư tưởng trong sạch, lập trường vững vàng, chế độ sinh hoạt phải nghiêm túc, kỷ luật Đảng phải nghiêm minh, công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ, tự phê bình và phê bình chân tình, thẳng thắn, nghiêm túc, chú trọng sửa đổi lề lối làm việc, tác phong quan liêu.
Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Ba là, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ đức, đủ tài trong đó đức là gốc; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, dựa vào sức mạnh của nhân dân để phòng, chống có hiệu quả tình trạng tham nhũng, tiêu cực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Đội ngũ cán bộ phải có đủ đức, đủ tài mới hoàn thành được trọng trách mà Đảng và nhân dân giao cho. Đạo đức cách mạng đối với người cán bộ cách mạng được Hồ Chí Minh ví như “mạch nguồn của dòng sông”, như “gốc, rễ” của cây cối; có đạo đức cách mạng được xem như có “nguồn sức mạnh” để gánh được nặng và đi được xa. Trong tình hình hiện nay, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “coi trọng cả đức lẫn tài", trong đó đức là gốc, phải được quán triệt, vận dụng đúng đắn trong việc xác định tiêu chuẩn cán bộ. Đổi mới mạnh mẽ công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện theo yêu cầu chức trách, nhiệm vụ của cán bộ trong tình hình mới.
Trong khi khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trên thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân". Trong tình hình hiện nay, cần quán triệt sâu sắc quan điểm cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, sớm bổ sung nội dung, phương thức đánh giá cán bộ trong mối quan hệ mật thiết với nhân dân, phân biệt rõ những cán bộ tiêu biểu, mẫu mực, một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay, để làm trong sạch nội bộ Đảng và bộ máy Nhà nước, đấu tranh có hiệu quả với tình trạng tham nhũng, tiêu cực, Đảng phải có chủ trương, giải pháp toàn diện, chặt chẽ để khơi dậy truyền thống trọng đạo lý của dân tộc, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành dư luận mạnh mẽ và rộng khắp để phát hiện, đấu tranh khắc phục, đẩy lùi tình trạng tham nhũng tiêu cực, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.
--------------
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, Tập 1, Tr.93
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 357 - 358.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 579
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét