Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

AI HƯỞNG LỢI NHẤT TỪ HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH NATO MADRID 2022?


Hội nghị thượng đỉnh NATO Madrid 2022 diễn ra từ 28 đến 30-6 đã đạt được một số nội dung nội khối và cũng cho thấy hiệu quả từ một “nước cờ” của Ankara.
Ngay khi Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO vào ngày 18-5 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố sẽ chặn các nỗ lực gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu này và cáo buộc hai nước đã “không để mắt tới” nỗ lực chống khủng bố.
Động thái nói trên của Ankara khiến các bên liên quan không khỏi lo lắng, nhất là trong bối cảnh trước đó không ít chính khách cho rằng sẽ không xảy ra kịch bản như vậy. Ngay cả Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khi trả lời phỏng vấn tờ Financial Times ngày 13-6 cũng cho rằng “không có lý do gì để tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chặn Phần Lan và Thụy Điển” gia nhập khối hiệp ước này. Trên thực tế, điều đó đã xảy ra và cuộc hội đàm về việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập khối giữa các đại sứ các nước thành viên NATO đã không thể diễn ra.
Hội nghị cố kết NATO
Trước nguy cơ thất bại của hội nghị thượng đỉnh diễn ra cuối tháng 6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã chạy đôn đáo trong nhiều tuần tìm kiếm phương cách hạ nhiệt giữa các bên. Ông cũng là người chuyển tới Ankara thông điệp của phía Mỹ về hợp đồng mua sắm tiêm kích F-16 và thậm chí còn đưa ra bình luận rất đồng cảm rằng: “Không đồng minh nào trong khối phải chịu đựng nhiều cuộc tấn công khủng bố như Thổ Nhĩ Kỳ”. Các thành viên khác cũng nỗ lực tìm kiếm các kênh ngoại giao hạ nhiệt.
Hội nghị cuối cùng cũng diễn ra và ngày 29-6, NATO ra tuyên bố chung tại Madrid. Tuyên bố gồm 22 điều, nhấn mạnh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vai trò của phòng thủ tập thể, củng cố liên minh và gia tăng tốc độ thích ứng với những thay đổi trong môi trường an ninh thế giới.
Một số điểm quan trọng trong tuyên bố chung bao gồm việc xác nhận một khái niệm chiến lược mới, trong đó xác định một số mối đe dọa đối với NATO, bao gồm cả đe dọa từ không gian vũ trụ và trên không gian mạng, khẳng định sẽ tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ, khả năng tự cường của NATO thông qua các hoạt động như đảm bảo chi tiêu quốc phòng quy ước của các nước thành viên, tăng cường diễn tập phòng thủ tập thể, gia tăng khả năng tương tác và sử dụng hiệu quả các công cụ chính trị và quân sự và đảm bảo an ninh năng lượng của các nước thành viên.
Đối với Phần Lan và Thụy Điển, NATO tái khẳng định cam kết đối với Chính sách mở cửa và quyết định mời hai quốc gia này trở thành thành viên của NATO và nhất trí ký các nghị định thư gia nhập. NATO cũng hoan nghênh việc ký kết biên bản ghi nhớ ba bên giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển.
Giải pháp win-win
Có thể nói đây là một kỳ họp lịch sử của NATO sau nhiều thập niên tổ chức này dường như rơi vào “ngủ đông” hay “chết lâm sàng” như lời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tuyên bố chung cho thấy sẽ có nhiều thay đổi và chuyển động nội khối. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ lợi ích thì Thổ Nhĩ Kỳ là người được hưởng lợi nhất từ hội nghị này.
Trước đó, khi Ankara “ra tay” ngăn chặn một cuộc bỏ phiếu xem xét đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, căng thẳng ngoại giao lập tức gia tăng giữa Mỹ, Phần Lan và Thụy Điển với Thổ Nhĩ Kỳ. Tại thời điểm đó, nhiều chiến lược gia đưa ra phân tích cho rằng việc làm của Ankara sẽ làm tổn hại vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong khối và để lại hậu quả đối với châu Âu trong bối cảnh xung đột đang leo thang. Họ cũng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vì việc vẫn duy trì quan hệ tốt với Nga và chưa có hành động cứng rắn ngoài một vài lời chỉ trích xung đột ở Ukraine.
Thế nhưng những nhận định và chỉ trích đó đều đáng lãng quên khi “nước cờ” của Ankara đã có hiệu quả. Trước khi cuộc họp thượng đỉnh NATO diễn ra, một bản ghi nhớ chung giữa Thổ Nhĩ Kỳ và hai nước Bắc Âu đã được ký kết. Theo đó, hai nước Bắc Âu cam kết sẽ hợp tác cùng Ankara trong cuộc chiến chống khủng bố “dưới mọi hình thức và biểu hiện của nó”. Hai nước này cũng cam kết coi Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) và Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), một nhóm nổi dậy người Kurd chống Thổ Nhĩ Kỳ từ nhiều thập kỷ qua, là tổ chức khủng bố. Phần Lan và Thụy Điển cũng đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm vận chuyển giao vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ, “thực hiện” yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc dẫn độ và trục xuất các nhà hoạt động người Kurd, đồng thời sửa đổi luật để tạo điều kiện dẫn độ các nghi phạm khủng bố. Chưa hết, Thổ Nhĩ Kỳ còn được Mỹ đồng ý bán 40 chiến đấu cơ F-16 và quy trình để thực hiện hợp đồng mua sắm này chỉ còn đợi thông qua ở lưỡng viện.
Để đổi lại tất cả những lợi ích đó, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ phải làm một việc: Ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Có vẻ như “nước cờ lịch sử” của Ankara dù đem lợi phần nhiều về cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng trong bối cảnh hiện nay thì đó là một giải pháp win-win cho các bên liên quan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét