Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

ận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa hiện nay

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa hiện nay Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhân tố con người luôn được đặt vào vị trí trung tâm của chiến lược phát tiển kinh tế - xã hội, coi con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển. Bởi vì, suy cho cùng mục tiêu của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước là phải hướng tới phục vụ con người, giải phóng con người, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho con người, tạo cơ hội và điều kiện để con người tham gia làm chủ vào quá trình sáng tạo xã hội. Có thể khẳng định, đổi mới không thể thành công, nếu chúng ta không tạo ra được môi trường xã hội thuận lợi để khơi dậy hoạt động sáng tạo của con người. Tính chất và hiệu quả của sự nghiệp đổi mới phụ thuộc vào tính chất và hiệu quả của việc giải quyết vấn đề con người. bac ho va quyen con nguoi Bác Hồ chia quà Tết cho các cháu nhỏ ở Hợp tác xã Khe Cát, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh ngày 2/2/1965 (Ảnh: Internet) Chính vì lẽ đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn đặt công cuộc đổi mới trong mối quan hệ với việc giải quyết vấn đề con người nói chung, trong xây dựng con người nói riêng. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH thông qua tại Đại hội lần thứ VII (tháng 6-1991) đã xác định vấn đề con người là một trong sáu đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng. Đó là “con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”. Trong văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân.... chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khoẻ, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính”. Với những tư tưởng, quan điểm, biện pháp xây dựng con người trong công cuộc đổi mới, tư tưởng, đạo đức và lối sống của con người Việt Nam hiện nay đã có những chuyển biến tích cực, quan trọng. Các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc được đề cao, kế thừa, phát triển; đồng thời nhiều giá trị văn hoá và chuẩn mực đạo đức mới từng bước được hình thành. Tính năng động và tích cực của mỗi người được phát huy, sở trường và năng lực sáng tạo cá nhân được khuyến khích. Không khí dân chủ trong xã hội ngày càng được mở rộng và phát triển. Bên cạnh những mặt đã đạt được thì sự tha hóa, lối sống xa hoa, phù phiếm, giả dối, cá nhân, vị kỷ, vô cảm ... có xu hướng ngày càng phát triển, bệnh thành tích và hình thức ngày càng lan rộng; đạo đức, lối sống, nhân cách của người Việt Nam nhiều nơi, nhiều lúc đang ở mức báo động. Từ thực trạng đó, trong thời gian tới, Đảng ta xác định cần phải xây dựng, phát triển con người Việt Nam để đáp ứng sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế. Trong xây dựng, phát triển con người C.Mác đã đưa ra luận điểm: “Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội.” Quan điểm của C.Mác chỉ ra rằng: Không có con người trừu tượng, thoát ly mọi điều kiện, hoàn cảnh lịch sử xã hội. Bản chất con người hình thành và thể hiện ở những con người hiện thực. Đó là những con người cụ thể, sống trong những điều kiện lịch sử cụ thể, một thời đại cụ thể. Trong điều kiện cụ thể đó, con người tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần để tồn tại và phát triển. Mặt khác, tất cả các quan hệ xã hội đều góp phần hình thành nên bản chất của con người. Các quan hệ này tổng hoà với nhau có nghĩa là chúng có vai trò, vị trí khác nhau nhưng không tách rời nhau mà tác động qua lại lẫn nhau, thâm nhập vào nhau. Qua đó, Chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã khẳng định: Con người vừa là chủ thể vừa là sản phẩm của lịch sử. Từ quan điểm trên của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, chúng ta hoàn toàn có thể suy luận: Muốn thay đổi bản chất con người phải thay đổi các quan hệ hiện thực của nó mà cơ bản là các quan hệ xã hội con người đang sống. Muốn xây dựng một xã hội tiến bộ vì con người thì phải xoá bỏ tất cả các quan hệ làm tha hoá con người, phải giải phóng con người khỏi mọi sự tha hoá, trả lại vị trí làm chủ và sáng tạo cho con người. Vì vậy, khi nghiên cứu, tìm hiểu và xây dựng con người phải đi sâu phân tích những quan hệ kinh tế, xã hội đã làm nên con người. Mỗi con người luôn luôn bị chi phối, quyết định bởi các quan hệ kinh tế - xã hội, đó là quan hệ kinh tế hiện thực, là quan hệ chính trị, quan hệ đạo đức, quan hệ pháp quyền .... Và việc xây dựng con người, điều có ý nghĩa quyết định là biến đổi những quan hệ kinh tế - xã hội. Tiếp thu những tư tưởng, quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số rất ít người Việt Nam đã tiếp cận sớm nhất và sâu rộng nhất vấn đề quyền con người, và chính bản thân Người đã phấn đấu hy sinh suốt đời cho việc thực hiện quyền con người. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là sự kế thừa và kết tinh những giá trị tư tưởng nhân văn truyền thống của dân tộc ta và tư tưởng nhân quyền tiến bộ của nhân loại. Người cho rằng, chúng ta đã hy sinh làm cách mạng thì nên làm cho đến nơi, để khỏi hy sinh nhiều lần, để giao quyền cho dân chúng số nhiều, để bảo đảm cho dân chúng được hạnh phúc. Cách mạng "làm cho đến nơi" chính là cách mạng vô sản, cách mạng XHCN - con đường duy nhất để cứu nước, giải phóng dân tộc, giải phóng con người, bảo đảm thực hiện quyền con người. Từ quan điểm trên, trong những năm tới, để xây dựng, phát triển con người Việt Nam, cần phải giải quyết tốt các vấn đề cơ bản sau: Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân. Hiện nay, chúng ta đang từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đó là nhà nước được tổ chức, hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp và các luật trong đời sống xã hội; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Trong đó, pháp luật là ý chí của nhân dân, nó định hướng mọi công dân và tổ chức xã hội vươn tới cái chân, thiện, mỹ, vươn tới tự do đích thực của con người. Chỉ khi có một Nhà nước như vậy mới có thể phát huy được quyền dân chủ của nhân dân, đảm bảo quyền sống, quyền được làm việc, được lao động, được học hành, được đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nó ảnh hưởng tới sự lành mạnh của nền dân chủ, tới cuộc sống và số phận của từng người dân, tới chiều hướng phát triển của xã hội. Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là yêu cầu tất yếu. Chính tính hợp quy luật đó đã tạo ra địa bàn thuận lợi cho việc phát huy tính chủ động sáng tạo của con người, phát huy nhân tố con người trong giai đoạn đổi mới vừa qua. Quá trình phát triển nền kinh tế thị trường, với cơ chế thị trường Nhà nước phải sử dụng chính sách, pháp luật; phải có thể chế phù hợp để điều tiết có định hướng và hạn chế những hiện tượng tiêu cực, tự phát. Đây là yêu cầu cần thiết phải làm. Thứ ba, từng bước hoàn thiện và mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực. Đảng Cộng sản Việt Nam một mặt khẳng định vai trò chủ thể của con người, mặt khác, chỉ rõ để con người có điều kiện phát triển toàn diện và thực sự là chủ thể, cần phải có cơ chế thích hợp. Cơ chế đó là mở rộng dân chủ, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát huy tối đa quyền làm chủ trên mọi lĩnh vực. Phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", không phải chỉ là hoạt động của những công dân, mà chính là hoạt động của người chủ xã hội. "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" phải được thể chế hóa một cách cụ thể trong từng việc, từng hoạt động, cho từng đơn vị, từng cộng đồng dân cư. Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.Giáo dục, đào tạo nói chung, nhà trường nói riêng là nơi cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về cuộc sống cho mỗi người, góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển con người. Vì vậy, Đảng ta đã coi giáo dục - đào tạo là “quốc sách hàng đầu" và đã đưa ra các phương hướng chủ yếu để phát triển trí tuệ con người Việt Nam trên các lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo cần đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trường lớp cho giáo dục; xây dựng chiến lược đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực và lòng yêu nghề; có chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo ... Thứ năm, xây dựng môi trường văn hóa.Muốn xây dựng con người có văn hóa thì phải xây dựng được môi trường văn hóa. Xây dựng con người có văn hóa phải bắt đầu từ mỗi gia đình, đơn vị sản xuất, công tác, học tập và cộng đồng dân cư. Con người Việt Nam chỉ có thể có được những phẩm chất tốt đẹp nếu được sống trong một môi trường xã hội tốt. Môi trường đó trước hết là từ mỗi gia đình. Gia đình chính là mạch nguồn, là chiếc nôi ban đầu nuôi dưỡng và hình thành nhân cách con người Việt Nam, theo những chuẩn mực truyền thống của giống nòi. Mỗi gia đình có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục con cái, cung cấp cho xã hội những công dân hữu ích. Gia đình không chỉ dừng lại ở việc duy trì nòi giống, mà quan trọng hơn, gia đình phải trở thành môi trường tốt, môi trường đầu tiên để giáo dục nếp sống, hình thành nhân cách cho con người. Như vậy, việc xây dựng gia đình ấm no, thuận hoà, hạnh phúc là điều kiện, môi trường quan trọng, trực tiếp tạo nên các thế hệ sau có chất lượng cả về thể chất lẫn tinh thần nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc, đồng thời góp phần vào việc xây dựng, phát triển con người mới. Xây dựng cộng đồng dân cư (thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố) văn hóa góp phần tăng cường "tình làng, nghĩa xóm", tương trợ giúp nhau cùng tiến bộ; tạo điều kiện cho nhân dân được hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, thực hiện tốt nếp sống văn minh, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội; giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển. Đây là yếu tố quan trọng, là môi trường hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Tóm lại, việc thực hiện tốt các vấn đề trên sẽ góp phần vào việc xây dựng, phát triển con người Việt Nam, trong đó, mỗi người kế thừa tinh hoa trong nhân cách văn hóa Việt Nam từ ngàn đời để xây dựng nhân cách con người Việt Nam với các giá trị văn minh mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét