Đảng cầm quyền và Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội là thống nhất, hoàn toàn không có chuyện đối lập, mâu thuẫn, phủ định lẫn nhau như một số người lấy cớ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị dự họp Quốc hội để tung tin, xuyên tạc vấn đề Đảng cầm quyền và lãnh đạo Nhà nước và xã hội ta, cho rằng “khi Đảng cầm quyền là làm thay chức năng, vai trò của Nhà nước”, “Đảng đứng trên Nhà nước”, “bao biện, làm thay Nhà nước”, còn “Quốc hội cơ quan quyền lực của Đảng”, “nơi hợp lý hóa Nghị quyết của Đảng”...
Chúng ta biết rằng, Đảng Cộng sản cầm quyền, lãnh đạo là Đảng đã giành được chính quyền, xây dựng và sử dụng chính quyền làm công cụ lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước ngoặt phát triển của Đảng là từ chỗ chưa nắm được chính quyền đến chỗ cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vì vậy, quy mô, nội dung, nhiệm vụ và điều kiện hoạt động lãnh đạo của Đảng có sự thay đổi căn bản. Trọng trách của Đảng trước dân tộc, trước nhân dân ngày càng nặng nền hơn; các nguy cơ, mối đe dọa và sự chống phá Đảng của các lực lượng đối lập, theo đó cũng tăng lên.
Trở thành Đảng cầm quyền, Đảng nắm chắc vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, do đó Đảng phải chịu sự giám sát của nhân dân. Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng không đứng trên Nhà nước và làm thay Nhà nước vì Đảng có Cương lĩnh, đường lối và sứ mệnh của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật, được Hiến pháp hiến định, bảo đảm địa vị pháp lý của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
Phương thức cầm quyền, lãnh đạo của Đảng là hệ thống biện pháp, hình thức, cách thức mà Đảng, các tổ chức đảng và đảng viên tác động vào đối tượng lãnh đạo là Nhà nước và xã hội, thông qua Nhà nước và xã hội, Đảng thực hiện mục đích lãnh đạo của mình: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Do yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới nên phương thức cầm quyền, lãnh đạo của Đảng cũng thay đổi, khác với thời kỳ lãnh đạo kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như thời kỳ phát triển đất nước theo cơ chế tập trung, bao cấp (trước 1986).
Trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta ngày càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn vai trò, tầm quan trọng của phương thức cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Với những đổi mới thiết thực, phù hợp với thực tiễn đất nước, phương thức cầm quyền, lãnh đạo của Đảng đã mang lại những thành tựu quan trọng; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả cầm quyền, lãnh đạo của Đảng, phát huy tốt hơn vai trò của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới.
Thực tế khẳng định rằng, phương thức cầm quyền, lãnh đạo của Đảng chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn. Đảng ta xác định: “Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên… Đảng lãnh đạo thông qua các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đấu”. Thông qua lãnh đạo Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, Đảng lãnh đạo toàn xã hội. Chủ trương, đường lối, nghị quyết, chính sách của Đảng định hướng cho sự phát triển đất nước, được thể chế hóa thành chính sách, pháp luật của Nhà nước, được nhân dân tự giác thực hiện. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của hơn 35 năm đổi mới đất nước đã khẳng định điều đó.
Rõ ràng, phương thức cầm quyền, lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, nhất là hoạt động của Quốc hội ngày càng được đổi mới, được cử tri cả nước hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ. Quốc hội ngày càng thực quyền hơn, hiệu quả cầm quyền, lãnh đạo của Đảng được nâng lên rõ rệt. Thể hiện ở chỗ:
(1) Văn kiện của đại hội Đảng, của các Hội nghị Trung ương đã xác lập nền tảng tư tưởng, hệ thống các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn làm cơ sở chính trị - pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức và các hoạt động của Quốc hội.
(2) Đảng đề ra các chủ trương, nghị quyết, kết luận với những định hướng lớn đưa ra Quốc hội dân chủ thảo luận, xem xét, bổ sung, sửa đổi như Hiến pháp 2013; các định hướng, yêu cầu về tổ chức bầu cử Quốc hội; định hướng xây dựng các đạo luật lớn, các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội quan trọng cho từng giai đoạn, thời kỳ và hằng năm. Sự cầm quyền, lãnh đạo của Đảng thể hiện ở tầm quan điểm, chủ trương, chính sách lớn, bao trùm; Quốc hội thảo luận, quyết định theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ và theo những điều khoản của các đạo luật quy định.
(3) Đảng quyết định việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu vào các chức vụ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội… Đồng thời, lựa chọn và giới thiệu đảng viên có trình độ, năng lực và phẩm chất tốt sang hoạt động ở Quốc hội. Trung ương Đảng và Bộ Chính trị thông qua Đảng đoàn Quốc hội và các đảng viên là đại biểu Quốc hội để lãnh đạo hoạt động của Quốc hội. Những vấn đề lớn Đảng chỉ nêu phương hướng để Quốc hội thảo luận một cách dân chủ, quyết định về mặt nhà nước liên quan đến quốc kế, dân sinh; Đảng không áp đặt.
(4) Đảng lãnh đạo, chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội, các cơ quan có liên quan thực hiện tốt việc chuẩn bị cho các kỳ họp của Quốc hội, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phát huy dân chủ trong sinh hoạt Quốc hội. Nhờ vậy, hoạt động của Quốc hội ngày càng có chất lượng, hiệu quả cao; sôi động hơn, thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận xã hội trong và ngoài nước.
Bên cạnh những kết quả, thành tựu nêu trên, trong phương thức cầm quyền, lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội cũng còn một số hạn chế cần phải khắc phục, đó là nhận thức về mối quan hệ giữa quyền của Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong việc quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội… với quyền quyết định của Đảng với tư cách là Đảng cầm quyền, lãnh đạo chính quyền còn một số điểm chưa rõ. Chất lượng nhiều dự thảo luật còn chưa cao, năng lực làm luật còn có mặt hạn chế, việc chuẩn bị một số dự án luật còn kéo dài, một số bộ luật chậm đi vào cuộc sống. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong điều kiện một Đảng cầm quyền chưa được nghiên cứu sâu, toàn diện về lực lượng và thực tiễn.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhận định: “đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị -xã hội còn chậm, … có những nội dung còn lúng túng - chưa xác định rõ nội dung và phương thức cầm quyền”.
Để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức cầm quyền, lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, cần thực hiện tốt các nội dung sau:
(1) Tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ về lý luận và thực tiễn của mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, trong đó Đảng vừa là một bộ phận vừa là người cầm quyền, lãnh đạo của hệ thống. Qua đó, giúp công dân hiểu rõ hơn vị trí, vai trò, sứ mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
(2) Tiếp tục nghiên cứu, làm sáng rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của các cơ quan, thiết chế Nhà nước (Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, cơ quan tư pháp, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp); vấn đề phân công, phân nhiệm, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đối với các thiết chế cơ bản của Nhà nước, Đảng cần xác định phương thức lãnh đạo đặc thù, phù hợp với tình hình mới.
(3) Tiếp tục nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về thẩm quyền và trách nhiệm của Đảng cầm quyền, lãnh đạo và Nhà nước pháp quyền, mối quan hệ biện chứng giữa cầm quyền, lãnh đạo của Đảng và quản lý, điều hành của Nhà nước, giữa vai trò cầm quyền, lãnh đạo của Đảng đối với tính thượng tôn pháp luật.
(4) Cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong bầu cử các đại biểu dân cử trong bộ máy Nhà nước, cần có cơ chế tranh cử trong thực chất và mở rộng quyền ứng cử của cử tri.
(5) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cán bộ trong bộ máy Nhà nước, bảo đảm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ hoạt động trong bộ máy của Nhà nước. Cùng với đó, đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến địa phương, cơ sở. Đổi mới cách ra nghị quyết theo hướng “thà ít mà tốt”; đồng thời, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét