Trong giai đoạn cách mạng hiện nay,
một số trang mạng xã hội xuất hiện các bài đăng ngụy tạo hình tượng “người dân
thống khổ” để đổ lỗi cho chính quyền. Đây cũng là một
trong những chiêu trò khá quen thuộc của các thế lực thù địch, nhằm tung tin
giả để dẫn dắt dư luận theo mưu đồ của chúng. Theo đó, hình tượng người dân
trong con mắt của các thế lực thù địch rất đa dạng, nhưng chung quy lại đều có
hoàn cảnh thống khổ theo nhiều góc độ khác nhau. Trước hết, họ bám vào các đối
tượng vi phạm pháp luật đã bị xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội với các
tội danh như: “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, “Làm, tàng trữ, phát
tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”,... để “phù phép” thành những “người tử tế”,
“người hùng”, những “tù nhân lương tâm”,…để rồi kêu gọi, lập thành “hội nhóm”,
ra sức kêu oan cho các đối tượng này.
Một chiêu thức khác đó là họ lợi
dụng một số người dân có khiếu kiện với chính quyền để tạo ra “dân oan”. Không
cần biết việc khiếu kiện đúng hay sai, một mặt, các thế lực thù địch tiếp cận,
kích động để người dân thấy oan ức, tiếp tục các hoạt động khiếu kiện đông
người, gây mất an ninh, trật tự xã hội,… mặt khác, họ sử dụng các phương tiện
truyền thông để xuyên tạc, quy chụp chính quyền không vì lợi ích của người dân.
Chúng còn hậu thuẫn cho các đối tượng chống đối trong các tôn giáo tạo cớ kêu
gọi đòi đất đai trái pháp luật, gây chia rẽ tôn giáo với chính quyền, kích động
một bộ phận nhân dân có đạo gây rối, làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Gần đây, xuất hiện một số trí thức, học sinh, sinh viên có nhận thức chính trị
hạn chế, bị các thế lực thù địch lôi kéo, dụ dỗ tham gia bình luận, viết bài,
quay video clip cổ súy quan điểm “dân chủ tư sản”, nói xấu chế độ, vu cáo, bôi
nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước rồi tán phát trên blog, mạng xã hội và được các
đài, báo phản động nước ngoài khai thác triệt để, tạo hình ảnh về một lực lượng
quần chúng bất bình với chế độ ở trong nước.
Lợi dụng những khó khăn về kinh tế,
văn hóa, xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các thế lực thù địch cũng
không từ một thủ đoạn nào để khắc họa một bức tranh xám xịt, một tương lai
không lối thoát cho đồng bào nơi đây. Cùng với đó, mảnh đất màu mỡ là “nhân
quyền”, “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” luôn được các thế lực thù địch cày
xới để trồng những “mầm non” ảo tưởng về sự áp bức, bất công của chế độ ta. Họ
cũng rất “chịu khó” đi từng ngõ ngách của xã hội, lân la, dò hỏi, góp nhặt
thông tin, hình ảnh một số người dân có những tranh chấp dân sự chưa được giải
quyết thấu đáo, có hoàn cảnh khó khăn,… để xây dựng nên hình mẫu một người “dân
oan” với những ngôn từ khổ sở, thê thảm, rồi kích động, xúi giục mọi người đấu
tranh đòi quyền lợi cá nhân. Khi người dân sập bẫy thì những bài viết, video
clip xuyên tạc, bóp méo sự thật được xuất hiện và nhanh chóng chia sẻ trên một
số trang mạng của các tổ chức, cá nhân phản động, thiếu thiện chí. Trong đợt
bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua, khi cả hệ thống chính trị và toàn
dân đang căng mình, nỗ lực để vừa chống dịch hiệu quả, vừa chăm lo tốt an sinh
xã hội cho người dân thì các thế lực thù địch lợi dụng thời điểm khó khăn của
đất nước, “đục nước béo cò” ra sức tung ra nhiều chiêu trò xuyên tạc, bóp méo
sự thật, phủ nhận thành tựu chống dịch của đất nước. Thời điểm này, những luận
điệu vu khống, sai sự thật, như: “người dân đấu tranh đòi quyền sống giữa đại
dịch”, “hàng nghìn người tham gia biểu tình, tuần hành phản đối chính quyền,
kéo lên phường cướp kho gạo vì bị bỏ đói hơn tuần nay”,… được chia sẻ rộng rãi
trên một số trang mạng, xúi giục, kích động người dân phá rào cách ly, tấn công
lực lượng chức năng. “Tát nước theo mưa”, các tổ chức phản động ở hải ngoại
cũng ra sức hùa theo với luận điệu kích động, như: “dân đã bắt đầu biết xuống
đường đấu tranh bất bạo động”, “Ai chưa nhận được hỗ trợ hãy làm như họ, xuống
đường ngay và luôn”, v.v.
Hoàn thành xong công đoạn tô vẽ hình
tượng người dân khổ sở, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách vu khống, bóp
méo sự thật, ra sức đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước, cho rằng “họ là nạn nhân” của sự
“độc tài, độc quyền”, tham nhũng,… của chế độ ta. Như lẽ tất yếu, cái đích mà
chúng luôn ngắm tới của những nỗ lực công kích ấy là chống phá Đảng, Nhà nước
và chế độ; chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; chia
rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc ta,… tiến tới đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của
Đảng đối với toàn xã hội. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục, tăng cường, nêu cao
cảnh giác cách mạng, nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của chúng để đấu tranh,
phòng chống có hiệu quả./.
VHT.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét