Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng không phải là đấu đá, thanh trừng nội bộ mà là để xây dựng, chỉnh đốn và bảo vệ Đảng

Thời gian qua trên không gian mạng đã xuất hiện những bài biết xuyên tạc về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta, trong đó có một số bài viết với luận điệu: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là đấu đá, thanh trừng nội bộ”.

Theo từ điển Tiếng Việt: “tham nhũng” là tình trạng tiêu cực trong chính trị và gian lận ở kinh tế, xã hội, là hành vi áp bức và bóc lột do hành pháp; trộm công lợi, tập thể. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International), tham nhũng là hành vi lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi. Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm: tham ô; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi”. Tham nhũng sẽ làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm lòng tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và đến chừng mức nào đó nó có thể gây mất ổn định chính trị, kinh tế - xã hội; tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Do vậy, ngay sau khi giải phóng đất nước cho đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng và xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt để xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ Đảng. Nhận thức rõ về vấn đề đó, ngày 30/10/2018 thay mặt Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong Nghị quyết Đại hội XIII đã chỉ rõ: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng”; “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn và hiệu quả hơn”. Gần đây, tại kỳ họp thứ 20 ngày 05/8/2021 của Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu khẳng định: “Công tác phòng, chống tham nhũng vẫn không ngừng, không nghỉ, thậm chí ngày càng quyết liệt hơn, ngày càng có hiệu quả hơn và thêm nhiều bài học quý, kinh nghiệm tốt hơn … Thời gian tới phải làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, không ngừng, không nghỉ và chỉ có tiến lên … Đây là vì sự nghiệp chung, không thể không làm, cắt một vài cành sâu để cứu cả cây, làm rất quyết liệt nhưng rất nhân văn, nhân đạo, rất có lý, có tình, tâm phục, khẩu phục … Nhiệm vụ sắp tới còn nặng nề, khó khăn, không được chủ quan và mong mỏi của Nhân dân vẫn là phải tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không được dừng”.

Thực tế cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta đã được tiến hành một cách nghiêm túc với quyết tâm chính trị cao nhất và sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, xác định “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”. Tổng kết giai đoạn 2013 – 2020, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra Đảng ủy các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên; riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên trong đó có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 100 cán bộ, đảng viên thuộc diện TW quản lý (27 Uỷ viên TW Đảng, nguyên Uỷ viên TW Đảng; 04 Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị và hơn 30 sĩ quan cấp Tướng trong lực lượng vũ trang). Bên cạnh đó, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm, rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình; có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ được dư luận xã hội và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Giai đoạn 2013 – 2020, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ tham nhũng với gần 4.400 bị cáo.   

Chống tham nhũng trong bất cứ thời đại nào cũng mang mục đích để giữ ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với chế độ, đối với Đảng và Nhà nước ta. Thế nhưng các thế lực thù địch, bọn phản động đứng dưới danh mác là “nhà báo độc lập”, “nhà dân chủ” cố tình xuyên tạc mục tiêu, động cơ của công cuộc phòng, chống tham nhũng. Với những luận điệu, quan điểm xảo biện họ đã quy chụp, xuyên tạc, đánh tráo khái niệm để lôi kéo, dẫn dắt dư luận chống đối. Mục đích của bọn chúng là chia rẽ nội bộ trong Đảng, làm suy yếu sức mạnh của Đảng và giảm lòng tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước ta để từ đó có điều kiện thực hiện các mưu đồ chính trị như: phủ nhận chủ nghĩa Mác- Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc, phủ định các quan điểm, chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta; phủ định giá trị lịch sử dân tộc và thành quả cách mạng; xuyên tạc, bóp méo các sự kiện chính trị, xã hội, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm; hạ bệ, bôi nhọ, nói xấu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Những năm qua Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, xác định công cuộc phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Để thực hiện mục tiêu đó cần tiếp tục xây dựng và củng cố hệ thống pháp luật, hành lang pháp lý đủ mạnh, kiên quyết đấu tranh xử lý nghiêm đối với mọi hành vi tham nhũng trên tinh thần làm trong sạch nội bộ, xây dựng, bảo vệ và chỉnh đốn Đảng theo như lời dạy lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác, phải tẩy sạch nó, phải thực hiện cần, kiệm liêm, chính để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc”./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét