Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022
Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén nhất đánh bại “giặc nội xâm” trong điều kiện hiện nay
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo: chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng là một loại “giặc nội xâm”. Thứ “giặc” này hết sức nguy hiểm; chúng tiềm ẩn tinh vi, giấu mặt, trá hình, luồn lách, len lỏi trong từng ngõ ngách của cuộc sống, ngấm ngầm làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực tiễn cho thấy, trong cuộc chiến đấu khốc liệt, trực tiếp đối mặt với kẻ thù để giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, có những người bất chấp mũi tên, hòn đạn, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, nhưng trong hòa bình xây dựng lại sa vào chủ nghĩa cá nhân, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…
Để chiến thắng thứ “giặc nội xâm” này, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tự răn mình; các tổ chức đảng phải tìm ra những biện pháp hữu hiệu. Trong cuộc đấu tranh ấy, việc đẩy mạnh tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén nhất.
Hiện nay, việc tiến hành tự phê bình và phê bình khó khăn, phức tạp hơn trước; bởi có nhiều lực cản chi phối, nhất là chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng. Tự phê bình và phê bình thực sự là một cuộc đấu tranh giữa mặt tích cực và tiêu cực, tiến bộ và lạc hậu, cái tốt và cái xấu, cái đúng và cái sai… diễn ra hằng ngày ngay trong bản thân từng cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng.
Tuy nhiên, trong khi đa số tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng và thực hiện tốt, thì vẫn còn không ít nơi thực hiện chưa tốt tự phê bình và phê bình. Biểu hiện thường thấy trong sinh hoạt ở những nơi này là: tình trạng “dĩ hòa vi quý”, “mũ ni che tai”, “trông trước, ngó sau”… Cũng còn nhiều người khi phê bình đồng chí, đồng đội, chưa nghiên cứu, tìm hiểu sâu bản chất của sự việc; phương pháp phê bình còn nặng về chủ quan, áp đặt và thiếu tôn trọng người được phê bình. Điều đáng bàn là: một số người vì động cơ cá nhân, vì “cái tôi”, thay vì giúp nhau cùng tiến bộ, lại lợi dụng phê bình để gây bè, kéo cánh, vạch khuyết điểm của người khác theo kiểu “bới lông, tìm vết” nhằm “hạ bệ” nhau. Nhưng với cấp trên, họ không nói thẳng, nói thật, chỉ nhấn mạnh ưu điểm theo kiểu “tâng bốc”, “nịnh bợ”, “vuốt ve”... Những kiểu “đấu tranh” ấy không chỉ làm biến dạng vũ khí tự phê bình và phê bình, mà nguy hại hơn, nó còn làm giảm sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng.
Vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay là mỗi cán bộ, đảng viên cần “có tâm” và “đủ tầm” chiến thắng “cái tôi”. Cái “tâm” ấy chính là động cơ, mục đích tự phê bình và phê bình; cái “tầm” được thể hiện đầy đủ nhất ở cách thức, phương pháp đấu tranh phê bình: phê bình cái gì? phê bình như thế nào? có trung thực, thẳng thắn, kiên quyết không? Người có tâm và đủ tầm, đủ sức chiến thắng “cái tôi” trong tự phê bình và phê bình sẽ biết gạn đục, khơi trong để phấn đấu vươn lên, tự hoàn thiện mình. Điều đó sẽ làm cho tự phê bình và phê bình trở thành thứ vũ khí sắc bén nhất để đánh bại “giặc nội xâm”.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét