Cẩn trọng trong hoạt động từ thiện
Lợi dụng từ thiện để lừa đảo, thu lợi bất chính không phải là hiện tượng mới nảy sinh, nhưng gần đây, tình trạng này có chiều hướng diễn biến phức tạp, với nhiều mánh khóe tinh vi, gây bức xúc dư luận.
Thời gian qua, số tiền lừa đảo từ các vụ việc bị phát hiện lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng, trong đó một số người nổi tiếng cũng vô tình mắc bẫy lừa đảo. Đáng lo ngại là tình trạng này đang làm xói mòn niềm tin của cộng đồng, nguy cơ ảnh hưởng tới các hoạt động từ thiện chính đáng.
Thực tế hiện nay, lợi dụng sự cả tin, lòng hảo tâm, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng, cũng như khả năng kết nối, lan tỏa của mạng xã hội, một số cá nhân đã lập tài khoản ảo, từ đó dựng lên những câu chuyện thương tâm, những cảnh đời khốn khó để thu hút sự chú ý của nhiều người, rồi kêu gọi lòng từ thiện, giúp họ quyên góp thu lợi bất chính. Nhằm tăng sức thuyết phục, bên những câu chuyện có thể "lấy nước mắt" của cộng đồng, các đối tượng còn tạo ra một số bức ảnh gây ấn tượng, minh họa câu chuyện họ đăng tải nhằm tăng tính thuyết phục, thậm chí tổ chức cả mạng lưới "chân rết" trên mạng xã hội vào tương tác, cổ súy, mồi chài. Tiêu biểu như vụ việc "bác sĩ Khoa" hồi tháng 8/2021 gây xôn xao dư luận.
Đây là một trong nhiều sự việc nổi cộm thời gian qua, và cho thấy sự gia tăng rất đáng lo ngại của tình trạng này. Chỉ trong vòng sáu tháng trở lại đây, hàng loạt vụ việc bị phát hiện khiến dư luận hết sức bất bình. Các sự việc trên cho thấy, dù có nhiều vụ lừa đảo từ thiện bị phát hiện và xử lý song tình trạng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi, khó lường. Đối tượng lừa đảo hoạt động chủ yếu trên mạng xã hội với tên giả, địa chỉ giả nên khó phát hiện. Mặt khác, nhà hảo tâm thường dễ động lòng trắc ẩn và cả tin, ít chú ý tìm hiểu thực hư sự việc, bị dẫn dắt bởi câu chuyện thương tâm, để rồi vội vã chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo. Ngay khi sự việc bị phát giác, không phải ai cũng lên tiếng bởi ngại phiền hà, cho rằng số tiền bị mất không quá lớn nên im lặng. Song đó chính là mục đích mà các đối tượng lừa đảo, trục lợi từ thiện trên mạng nhắm đến. "Tích tiểu thành đại", dù số tiền quyên góp của mỗi cá nhân chỉ vài chục, vài trăm nghìn đồng, nhưng lừa được càng nhiều người, số tiền thu về càng lớn. Và khi có nguy cơ bị phát hiện, kẻ lừa đảo lập tức biến mất, các tài khoản trên mạng xã hội lập tức bị xóa, số điện thoại chúng dùng liên lạc cũng "ngoài vùng phủ sóng". Để rồi chỉ một thời gian sau, "bẫy" mới lại tiếp được giăng ra trên mạng xã hội với tài khoản mới không rõ ràng về danh tính, hoặc danh tính giả mạo, với những câu chuyện bịa đặt đẫm nước mắt, kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn. Nếu được người nổi tiếng cùng chia sẻ câu chuyện bi ai do chúng dựng lên thì đối tượng lừa đảo càng dễ kiếm lời.
Kịch bản lặp đi lặp lại như vậy, nhưng do kẻ lừa đảo núp bóng từ thiện thường nghĩ ra nhiều chiêu thức, mánh khóe mới, nên người nhẹ dạ, cả tin, thiếu tỉnh táo vẫn sẽ dễ mắc bẫy, trong khi luôn tin rằng mình đang làm điều tốt đẹp để giúp đỡ những phận người đáng thương. Nếu để các hành vi lừa đảo nêu trên tiếp tục kéo dài, tình trạng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cộng đồng như: nghi ngờ các hoạt động thiện nguyện; mất niềm tin vào sự kiểm soát của cơ quan chức năng đối với các hành vi có dấu hiệu lừa đảo, trục lợi từ thiện; quay lưng lại với những hoàn cảnh thực sự khó khăn cần được giúp đỡ…
Từ diễn biến phức tạp của hoạt động từ thiện trên mạng xã hội hiện nay cho thấy, mỗi cá nhân khi tham gia hoạt động thiện nguyện cần hết sức tỉnh táo, cẩn trọng, cảnh giác trước thủ đoạn kêu gọi từ thiện để trục lợi, chú ý nắm bắt thông tin qua những nguồn tin cậy, cũng như có thể yêu cầu người đăng tải minh bạch thông tin liên quan đến các trường hợp cần giúp đỡ để người đóng góp từ thiện cũng như cộng đồng mạng có thể kiểm chứng, giám sát. Khi nghi ngờ, phát hiện dấu hiệu lừa đảo cần kịp thời báo cáo cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý. Về phía các cơ quan chức năng, tính phức tạp gia tăng của tình trạng này đòi hỏi cần thường xuyên bám sát các hoạt động nổi cộm trên mạng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để rà soát, kịp thời phát hiện những tiêu cực nảy sinh để chấn chỉnh. Đối với các đơn vị cung cấp nền tảng mạng xã hội cần có cơ chế kiểm soát thông tin về hoạt động từ thiện nói riêng, về hoạt động kinh doanh nói chung, kiên quyết loại bỏ những vấn đề, sự kiện, nội dung gây hại cho cộng đồng.
Từ thiện là xuất phát từ trái tim của mỗi người, mong muốn đem điều tốt đẹp với những người kém may mắn, gặp hoạn nạn. Đó là việc làm rất cần ngợi khen, biểu dương và khuyến khích. Tuy nhiên, dù mục đích, động cơ là làm việc thiện thì mỗi cá nhân khi tham gia hoạt động này cũng cần có kiến thức, kỹ năng để việc làm của mình thực sự phát huy hiệu quả. Để bảo đảm tấm lòng của mình được trao gửi đúng nơi, đúng chỗ, đúng mục đích các nhà hảo tâm cần dành thời gian tìm hiểu về các địa chỉ tiếp nhận tiền từ thiện, nên tìm đến các chương trình, quỹ từ thiện được cấp phép, hoạt động có uy tín, tin cậy. Với những người nổi tiếng, có ảnh hưởng khi trực tiếp đứng lên kêu gọi quyên góp từ thiện hoặc chia sẻ câu chuyện, hoàn cảnh cần được giúp đỡ, phải luôn ý thức về trách nhiệm của cá nhân trước cộng đồng và luật pháp. Bởi hành vi đăng tải thông tin sai, sự thiếu minh bạch trong hoạt động từ thiện sẽ phải trả giá rất đắt, vì không chỉ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, mà còn đánh mất niềm tin của người hâm mộ. Sự cẩn trọng của mỗi cá nhân sẽ góp phần tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động từ thiện, góp phần từng bước đẩy lùi và loại bỏ những đối tượng cơ hội, lợi dụng lòng nhân ái của cộng đồng để hành xử bất lương và trục lợi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét