Thứ Ba, 14 tháng 6, 2022

CHA ÔNG TA ĐÁNH GIẶC:TRÊN MẶT TRẬN THẦM LẶNG!

HUYỀN THOẠI "TỶ PHÚ MAI HỒNG QUẾ"
         Nhân vật “ông chủ Hãng sơn Đông Á” trong bộ phim nổi tiếng “Biệt động Sài Gòn” đã khá quen thuộc với khán giả. Nhưng nguyên mẫu ngoài đời của nhân vật này là ai thì ít người biết. Ông là Thượng úy Trần Văn Lai (tự Mai Hồng Quế, bí danh Năm U.S.O.M), thương binh hạng 1/4, cán bộ thuộc Đơn vị 159 Biệt động Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, người mới được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân...

Bí ẩn "Nhà thầu Dinh Độc lập"
Người ta biết đến Trần Văn Lai (Năm Lai) với vai trò là một nhà thầu khoán thiết kế nội thất (năm 1963) trong dinh Độc Lập- trung tâm đầu não của chế độ tay sai của Mỹ. Thực hiện chiến lược phát động mạnh phong trào vũ trang đánh địch ngay trong lòng địch, Trần Văn Lai được chuyển sang Đơn vị 159 Biệt động thuộc Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Được tổ chức cài vào hoạt động tại các cơ quan đầu não của địch như: Dinh Độc Lập, nhân viên cơ quan Viện trợ U.S.O.M (USOM) của Mỹ, Tòa Đại sứ Mỹ... Theo lệnh của Tư lệnh Trần Hải Phụng: “Đồng chí Năm Lai phải lo đủ 3 cái “hóa”, đó là: “Nghề nghiệp hóa, quần chúng hóa và hợp pháp hóa (có đầy đủ các giấy tờ của địch)” nhằm hoạt động trong lòng địch, trinh sát mục tiêu, báo cáo quân khu các tin tức, tài liệu, tình hình của địch và tạo điều kiện cho các cán bộ của ta ra vào kiểm tra, trú ém và hoạt động an toàn tại nội thành Sài Gòn. Từ các cơ quan đầu não của Mỹ-ngụy, các tin tức do Năm Lai báo cáo về quân khu đều có giá trị trong việc tác chiến, nhất là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trần Văn Lai đã xây dựng được các cơ sở quần chúng trong số bạn bè kháng chiến cũ, người đồng hương, người đồng nghề, đồng ngành, tạo chỗ ăn, chỗ ở cho các đồng chí lãnh đạo của ta từ căn cứ về Sài Gòn hoạt động an toàn với hơn 20 cơ sở bảo đảm có khả năng vừa cất giấu vũ khí, vừa giấu cán bộ để hoạt động bí mật, hơn 100 quần chúng nòng cốt có thể giao nhiệm vụ tác chiến. Ông đã bán 2 căn biệt thự số 6 và số 8 đường Tự Đức, Phú Nhuận của mình để thực hiện theo sự chỉ đạo của Quân khu Sài Gòn-Gia Định và trích 800.000 đồng vào ngân hàng Trung Quốc để cán bộ rút ra chi dùng phục vụ chiến đấu (với đầy đủ các giấy chứng từ của nhà băng Trung Quốc để tên Mai Hồng Quế). 

Trong Báo cáo tổng kết công tác bảo đảm chiến đấu các Lực lượng vũ trang Biệt động nội thành Sài Gòn - Gia Định của Thiếu tướng Trần Hải Phụng, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh các LLVT nhân dân Thành phố ngày 29-9-1980, nêu rõ: “Để đáp ứng theo yêu cầu của Đảng, của cách mạng, đồng chí Trần Văn Lai đã sẵn sàng bán cả sự nghiệp còn lại của gia đình đồng chí để thực hiện theo ý đồ chỉ đạo của quân khu, đã cống hiến toàn bộ tài sản to lớn của đời mình cho sự nghiệp của Đảng. Đến khi Tổ quốc hoàn toàn giải phóng, từ trong nhà lao ngụy đi ra với đôi bàn tay trắng, đồng chí vẫn lạc quan tiếp tục chiến đấu dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng. Cả Bộ chỉ huy Quân khu đều xác nhận đây là sự hy sinh vô cùng to lớn. Một sự sẵn sàng hy sinh mà ngay từ đầu đã được xác định và sẵn sàng chấp nhận của cán bộ, quần chúng cách mạng đang nằm ngay giữa bàn tay đẫm máu của kẻ thù”. 

Điệp vụ chuyển vũ
khí ly kỳ
Chấp hành chỉ đạo của Bộ chỉ huy Quân khu về việc xây các hầm chứa vũ khí trong nội thành Sài Gòn, năm 1963, một mình đồng chí Trần Văn Lai đã đào, xây dựng 7 căn hầm chứa vũ khí tại nội thành Sài Gòn. Trong đó nổi bật nhất là căn hầm tại địa chỉ 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu (Trần Quý Cáp cũ) phường 5, quận 3 làm hầm chứa vũ khí cho kế hoạch tấn công dinh Độc Lập trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 và một số mục tiêu khác tại nội thành Sài Gòn (được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia năm 1988). Đây là hầm vũ khí lớn nhất trong số các hầm vũ khí được xây dựng tại nội thành Sài Gòn-Gia Định với số lượng gần 3 tấn các loại vũ khí bộ binh và thuốc nổ. 

Đại tá Trần Minh Sơn, nguyên Phó tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, kiêm Tham mưu trưởng Biệt động Sài Gòn, cho biết: Đây là hầm vũ khí chiến lược chuẩn bị chờ thời cơ nên không được sử dụng thường xuyên, chỉ khi nào đến thời cơ mới được mở kho. Năm 1965, chuẩn bị cho kế hoạch X là kế hoạch kết thúc chiến tranh đặc biệt. Kế đến Mỹ đổ bộ vào miền Nam. Kế hoạch X không thành, phải niêm phong kho vũ khí chờ đến Mậu Thân 1968. Trong đợt Tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968, hầm vũ khí này đã phát huy tác dụng rất hiệu quả. Vũ khí từ hầm của đồng chí Năm Lai được cấp cho Đội 5 Cụm 3-4-5 đánh dinh Độc Lập, cấp cho Cụm 6-7-9 đánh Bộ Tổng tham mưu. Để bảo đảm bí mật, một mình ông vừa thiết kế, vừa tự tay đào đất, ngụy trang vận chuyển đất đá ra ngoài vô cùng gian khổ. Miệt mài nhiều đêm tự dùng dao, dùng mai nhỏ xắn từng vụn đất. Đêm về đến nhà là đào hầm. Sau gần cả năm trời miệt mài, căn hầm bí mật với những thiết kế hoàn hảo cho khoảng 10 người trú ém cùng hơn 2 tấn vũ khí đã được hoàn thành, được cấp trên kiểm tra và đánh giá rất cao. Việc khó khăn nhất lúc này là vận chuyển vũ khí vào nội đô. Để thực hiện được nhiệm vụ, đồng chí Năm Lai cùng các đồng đội đã mưu trí tìm nhiều biện pháp để che mắt địch.

Một buổi chiều giữa năm 1967, tại ngã tư Suốt Cụt gần xã Bàu Mây thuộc huyện Củ Chi, có một người lạ đến bán cho ông Chín Trụ-thợ mộc tại xã Thái Mỹ một bộ ván loại lớn, đó là hai tấm ván được chế tác khá tinh xảo do một cơ sở mộc nổi tiếng ở Sài Gòn thiết kế, nhưng thực chất là 2 mãnh lớn và 2 mãnh nhỏ úp vào nhau, bên trong đục rỗng ruột nạp đầy vũ khí như B40, B41, lựu đạn, mìn, kíp nổ, súng AK… Khoảng nửa tháng sau, cũng tại chợ Thái Mỹ, xuất hiện một ông lão cũng chở bộ ván ngựa cùng một số đồ chế tác bằng gỗ khác trên chiếc xe bò rao bán, nhiều người ghé qua hỏi giá nhưng đều lắc đầu vì quá đắt. Cuối buổi chiều, một chiếc xe Pơ-giô của một đại gia Sài Gòn xuất hiện và sau một hồi ngã giá, bộ ván ngựa cùng hai tấm ván lớn đã được bán cho vị “khách sộp” này. Vị “khách sộp” này không ai khác chính là Ba Bảo-liên lạc viên dày dạn kinh nghiệm của Năm Lai, anh là người được đồng chí Ba Đen (Ngô Thanh Vân) giao nhiệm vụ chở bộ ván lên Củ Chi để nạp vũ khí và chở về nội đô Sài Gòn.

Khi xe của Ba Bảo về đến Sài Gòn, bắt được tín hiệu của xe Năm Lai chạy phía trước, cả hai bên cùng đóng màn kịch hoàn hảo để đổi xe cho nhau. Năm Lai nhận chiếc xe chở bộ ván gỗ đặc biệt về nhà mình tại số 287/68-70-72 và một mình chuyển toàn bộ vũ khí xuống hầm bí mật an toàn.

Người vẽ sơ đồ
hệ thống cống ngầm
Ông Nguyễn Văn Trí, tức Hai Trí, nguyên thủ trưởng đơn vị Bảo đảm chiến đấu Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định kể: "Tại các cơ quan đầu não của Mỹ-ngụy, các tin tức do đồng chí Trần Văn Lai điều tra tình hình và báo cáo về quân khu đều có giá trị. Đối với thu thập sơ đồ cống ngầm Sài Gòn, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, đồng chí Năm Lai và tôi đã lên phương án và giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Văn Giên, một cơ sở của ta trong vai kỹ sư cầu cống cho một công ty của Pháp”. Ông Giên nhớ lại: “Tôi được ông chủ người Pháp tin tưởng, giao chìa khóa tủ nơi cất giấu tấm bản đồ, hằng ngày khi vẽ xong tôi lại đem cất tấm bản đồ vào tủ rồi cất chìa khóa vào chiếc tủ nhỏ trong chiếc tủ lớn khác. Hôm đó, tôi bố trí một đồng chí nữa đánh một chiếc chìa khóa khác, rồi lấy chiếc chìa khóa này mở tủ lấy tấm bản đồ ra in bằng giấy than. Vừa in xong thì tụi CIA ập vào đòi coi tấm bản đồ, tôi nhét tấm bản đồ mới in vào người đồng chí kia và đẩy ra cửa sau, để tấm bản đồ và khóa cửa tủ lại như bình thường và ra bàn ngồi giả bộ làm việc”.

Việc tiếp theo là dù đã lấy được tấm bản đồ nhưng làm sao chuyển được tấm bản đồ ra căn cứ. Ông Giên cùng ông Năm Lai cắt nhỏ, bỏ dưới đệm xe và ruột bánh sơ cua ô tô và chuyển ra ngoài, sau đó bản đồ được chuyển ra Khu cho Đại tá Hoàng Đạo (tức Võ Văn Bính, hay Tư Sắc) nguyên Trưởng ban Điệp báo Miền thuộc Phòng 2, Bộ Tham mưu Miền thời kháng chiến chống Mỹ, là người sử dụng phân tích tình hình. Việc lấy được bản đồ cống ngầm Sài Gòn hết sức có giá trị, giúp lính biệt động của ta luồn lách và trú ẩn. “Tấm bản đồ được xé nhỏ nhiều hệ thống và địa điểm cho các trận đánh, mỗi đội biệt động hay bộ đội chủ lực được cấp một đoạn bản đồ hệ thống đường ống ngầm để lên, xuống và đi lại cho mỗi điểm đánh. Xuyên suốt các thời kỳ, từ những trận đánh trước Mậu Thân 1968, đến những trận đánh sau này và kể cả tới năm 1975 cũng dùng hệ thống bản đồ đường ống cống ngầm Sài Gòn để đánh địch mà chúng không hề phát hiện cũng như đánh trả được ta”, Đại tá Hoàng Đạo kể.

Nhờ có tấm bản đồ trên mà trận đánh của biệt động F100 tháng 12-1965 vào khách sạn Metropole trên đường Trần Hưng Đạo thắng lợi lớn. Khi đó, các chiến sĩ biệt động thành đã chia làm hai lực lượng, một cải trang thành lính ngụy đi trên chiếc xe lam, một đội khác sử dụng hệ thống đường cống ngầm bò lên với khối thuốc nổ gần 400kg đã phá gần như hoàn toàn khách sạn, làm thương vong gần 160 tên phi công và chuyên viên kỹ thuật Mỹ. Đánh xong, các lực lượng biệt động đã rút lui an toàn bằng hệ thống cống ngầm.

Sau Tết Mậu Thân, cơ sở bị lộ, Năm Lai nhận được chỉ thị phải rút lui để bảo vệ nội tuyến, sau 3 ngày trốn trong thùng rác của chợ Bến Thành, ông bí mật về phố Võ Di Nguy cho vợ con rời khỏi Sài Gòn còn ông tiếp tục ở lại củng cố cơ sở của Biệt động thành. Trước sự truy lùng ráo riết của địch, Năm Lai nhận lệnh của tổ chức tạm lánh về Quảng Ngãi (quê vợ) để lánh nạn dưới cái tên Phạm Sửu, rồi tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, năm 1972, ông bị địch bắt và giam tại chi khu Sơn Tịnh, bị tra tấn dã man, nhưng ông vẫn một lòng kiên trung, bất khuất. Đến năm 1974, gia đình phải chạy tiền hối lộ, địch thả ra nhưng vẫn kiểm soát ông chặt chẽ. Trong suốt những năm ấy, Năm Lai có lúc phải giả điên để qua mắt quân thù.

Đó là những ngày khó khăn cho cả gia đình tôi-anh Trần Vũ Bình, con trai của ông Mai Hồng Quế nhớ lại. Ba tôi còn một ngôi nhà duy nhất không bị tịch thu mà không dám về, chỉ lén lút về một lúc rồi lại đi. Anh và chị tôi, rồi cả tôi nữa đều không được gọi ba là ba mà gọi là bác. Má ruột tôi thì bị người đời đàm tiếu kêu là “vợ bé”, bị những bà mẹ Mỹ cạnh khóe, nói xấu...

Sau ngày giải phóng, với thương tật 1/4 (mất 81% sức khỏe), ông công tác ở bộ phận “Tổng kết chiến tranh” sau đó nghỉ hưu cho đến tháng 6-2002, một huyền thoại của Biệt động Sài Gòn đã trút hơi thở cuối cùng...
Chiếc xe ô tô do ông Trần Văn Lai sử dụng để hoạt động tình báo trước năm 1975. Ảnh tư liệu do gia đình nhân vật cung cấp.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét