Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

CHẶN TỪ GỐC THAO TÚNG QUYỀN LỰC, CHẠY CHỨC, CHẠY QUYỀN


Thực tế công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung, công tác cán bộ nói riêng (bao gồm lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo...) cho thấy, một trong những vấn nạn nhức nhối, nổi cộm hiện nay, được đề cập trong các văn kiện Đại hội của Đảng, trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng chính là “chạy chức, chạy quyền”. Nhờ “chạy”, những kẻ cơ hội, đầu cơ chính trị đã chui sâu, leo cao vào các vị trí quan trọng trong tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.

Dư luận thời gian vừa qua xôn xao trước nhiều vụ việc tiêu cực liên quan đến công tác cán bộ từ cấp Trung ương đến địa phương. Ông Lê Phước Thanh đã bị Ban Bí thư cách chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (nhiệm kỳ 2010-2015) vì những biểu hiện ưu ái trong việc quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động và bổ nhiệm cho con trai mình là Lê Phước Hoài Bảo, mặc dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục trong công tác cán bộ. Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Phong Quang - người trực tiếp ký bổ nhiệm trên 30 trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, điều kiện và tiêu chuẩn, đã bị Ban Bí thư cách tất cả các chức vụ trong Đảng (Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Bí thư Đảng ủy Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ).

Nhiệm kỳ XII, các cơ quan pháp luật đã đưa ra xét xử các vụ “đại án” liên quan đến những sai phạm của một số cán bộ cấp cao như: Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh; cựu Chủ tịch và Phó Chủ tịch thành phố Đà Nẵng… Đáng buồn là tất cả sai phạm của các trường hợp trên đều liên quan đến công tác cán bộ.

Cách thức chạy chức, chạy quyền tinh vi, lắt léo khác nhau nhưng hậu quả lại giống nhau, đó là làm cho bộ máy Nhà nước kém hiệu quả, người có năng lực phẩm chất không được trọng dụng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Tại Hội nghị lần thứ 4 (khóa XII), khi đánh giá về những bất cập, hạn chế trong việc kiểm soát quyền lực, Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ: Việc “chạy chức, chạy quyền” là một bức xúc, nhức nhối trong công tác tổ chức - cán bộ hiện nay và đang diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp.

Tiếp đó, tại Hội nghị lần thứ 7 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương nhận định: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi…

Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội”.

Trước vấn nạn đang đánh thẳng vào khâu trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng, tại Hội nghị lần thứ 7 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu nhận thức sâu sắc về tác hại nghiêm trọng của tệ chạy chức, chạy quyền, coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ, cần đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền.

Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Để lấp "lỗ hổng" trong công tác cán bộ, ngăn chặn từ gốc những mầm mống thao túng quyền lực, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Quy định 205-QĐ/TW được ban hành đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân. Lần đầu tiên, một văn bản của Đảng đã quy định, chỉ rõ thế nào là chạy chức, chạy quyền; thế nào là bao che, tiếp tay cho các hành vi này.

Việc ban hành, thực thi nghiêm túc Quy định 205-QĐ/TW là hành động quyết liệt của Đảng trong nhiệm kỳ XII để chống lại vấn nạn tồn tại từ rất lâu, được chỉ ra trong nhiều văn bản của Đảng, đó là tệ thao túng quyền lực, chạy chức, chạy quyền. Việc làm này càng có ý nghĩa đặc biệt trong công tác nhân sự tại đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chuẩn bị diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 25/1-2/2/2021.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét