Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2022

Hiểu về lợi ích quốc gia - dân tộc

Lợi ích quốc gia - dân tộc luôn là kim chỉ nam trong việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Nó bao hàm trong đó “tất cả những gì tạo thành điều kiện cần thiết cho sự trường tồn của cộng đồng với tư cách quốc gia - dân tộc có chủ quyền, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời, thể hiện sự phát triển đi lên về mọi mặt của quốc gia dân tộc theo hướng làm cho đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng ngày càng phong phú, tốt đẹp hơn; cho sự nâng cao không ngừng sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế, vị trí, vai trò, uy tín quốc tế của quốc gia, dân tộc”.

Lợi ích quốc gia không phải lúc nào cũng đồng nhất với lợi ích dân tộc. “Lợi ích quốc gia thiên về đại diện lợi ích của giai cấp cầm quyền. Lợi ích dân tộc thường được hiểu là lợi ích của mọi người dân của một nước. Khái niệm lợi ích quốc gia - dân tộc có hướng tổng hợp cả hai khái niệm trên”. Đã từng có trường hợp, giới cầm quyền hy sinh lợi ích dân tộc vì lợi ích giai cấp, lợi ích phe nhóm. Năm 1870, khi thủ đô Paris (Pháp) bị quân Phổ bao vây thì Chính phủ vệ quốc của giai cấp tư sản lại đầu hàng, không đứng về phía nhân dân trong cuộc chiến tranh vệ quốc.  

Nội hàm của lợi ích quốc gia - dân tộc cũng có sự khác nhau trong từng thời điểm lịch sử. Ở Việt Nam, dưới chế độ phong kiến, lợi ích cốt lõi của quốc gia - dân tộc là độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ. Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước, lợi ích quốc gia - dân tộc không chỉ là giành độc lập dân tộc để giữ chủ quyền lãnh thổ mà còn là đi lên CNXH. Nhưng trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mục tiêu độc lập dân tộc, giữ chủ quyền lãnh thổ được đặt lên trên. 

Từ khi thống nhất đất nước đến nay, lợi ích cốt lõi quốc gia - dân tộc Việt Nam là độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ và chế độ xã hội XHCN. Hiện nay, nội hàm bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc ở Việt Nam được thống nhất với nội hàm bảo vệ Tổ quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Ngày nay, lợi ích giữa các quốc gia được thể hiện trên cơ sở vừa hợp tác, vừa cạnh tranh quyết liệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo, song bên cạnh đó vẫn có những mâu thuẫn, xung đột diễn ra dưới nhiều hình thức rất phức tạp. Vì vậy, việc bảo đảm được lợi ích quốc gia - dân tộc là vấn đề hệ trọng đối với mỗi quốc gia nhằm bảo vệ đất nước và thực hiện hợp tác quốc tế. 

Trong khi đó, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm đang là một trong những nguy cơ gây tổn hại đến sự phát triển đất nước, lợi ích của nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chỉ có thể giữ vững những thành quả cách mạng mà chúng ta đã đạt được khi “luôn ghi nhớ trong tâm khảm của mình rằng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, của Đảng là tối thượng”.

Những thành tựu, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam đạt được như ngày nay đã chứng minh quan điểm đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết của Đảng là hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét