Những năm gần đây, Việt Nam được thế giới đánh giá khá cao về việc luôn đi đầu trong việc thúc đẩy các giải pháp năng lượng sạch tại Châu Á. Nhờ đó, hàng loạt chuyên gia cũng như truyền thông quốc tế đều có chung nhận định Việt Nam đã đạt ‘thành tích phi thường’, là một điểm sáng trong khu vực về việc chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Biến đổi khí hậu toàn cầu đang là vấn đề nóng khiến thế giới vô cùng quan tâm. Và giải pháp thích hợp nhất để kìm chế tình trạng trên chính là thế giới phải cùng chung tay thực hiện chuyển đổi năng lượng sạch, lấy được sự trong xanh cho bầu khí quyển. Vậy tại sao Việt Nam lại được truyền thông quốc tế mệnh danh là quốc gia đang đi đầu Châu Á trong hành trình này?
Theo Techwire Asia, với những tiềm năng điện mặt trời và các mục tiêu năng lượng xanh đến năm 2050, Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về năng lượng tái tạo.
Đặc biệt, Việt Nam nhận thấy việc chuyển đổi sang năng lượng xanh cấp bách hơn bao giờ hết. Là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất Ðông Nam Á, Việt Nam đã chứng tỏ sự nghiêm túc theo đuổi quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, đặc biệt là khi áp dụng điện Mặt trời.
Theo nhận định trên trang Vietnam Briefing và tạp chí Mỹ Entrepreneur, vị thế của Việt Nam như một trung tâm khu vực và thành trì về năng lượng tái tạo đang tăng lên nhanh chóng mà khó có quốc gia nào làm được.
Điều này được lí giải rõ dựa trên báo cáo thực tế của Ngân hàng Thế giới (WB). Theo đó, Việt Nam hiện có công suất lắp đặt điện Mặt trời cao nhất Ðông Nam Á, tạo ra 16.500MW vào cuối năm 2020. Thống kê của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) cho thấy tính đến cuối năm 2020, Việt Nam lọt tốp 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng Mặt trời cao nhất thế giới.
Xét đến tiềm năng điện Mặt trời và các mục tiêu năng lượng xanh đến năm 2050, Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về năng lượng tái tạo. Về các dự án điện gió, Việt Nam có một trong những nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở Ðông Nam Á, với tiềm năng ước tính là 311GW.
Các chuyên gia thị trường dự đoán, nếu tiếp tục duy trì tốc độ mở rộng năng lượng tái tạo nhanh như 2 năm qua, Việt Nam sẽ tiếp tục vươn cao hơn nữa trong bảng xếp hạng, có khả năng vượt qua các quốc gia như Úc và Ý về phát triển năng lượng tái tạo và các giải pháp năng lượng sáng tạo.
Theo The Economist, Đông Nam Á – một trong những khu vực trên thế giới dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu dường như chưa quan tâm đến việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, trong 4 năm tính đến 2021, tỷ trọng điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam đã tăng từ mức thực tế gần như bằng 0 lên gần 11%. Đây không chỉ là tốc độ tăng nhanh hơn hầu hết mọi nơi trên thế giới, mà tỷ trọng này còn cao hơn so với các nền kinh tế lớn như Pháp hay Nhật Bản.
Bằng chứng rõ ràng nhất chính là thành tựu: “Việt Nam đã trở thành nhà sản xuất điện mặt trời lớn thứ 10 thế giới năm 2021”, theo Economist.
Không dừng lại ở đó, theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), Việt Nam là nước tiêu thụ điện lớn thứ hai ở Đông Nam Á. Đây là một trong những khu vực có nhu cầu năng lượng tăng nhanh nhất trên thế giới và trong 20 năm qua, nhu cầu tăng ở mức ổn định 6%/năm. Trong đó, bốn nước tiêu thụ điện lớn nhất là Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia, chiếm hơn 80% tổng nhu cầu trong khu vực.
Trong bài phát biểu tại COP26 ngày 1/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Về phần mình, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050″.
Theo các chuyên gia, đây chính là chứng tỏ sự đi đầu, đặc biệt là ở Đông Nam Á, nơi than đá đã tăng mạnh trong thập niên qua do nhu cầu năng lượng tăng lên.
“Đây cũng chính là nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam trong hành trình ‘làm trong sạch bầu khí quyển’, chống lại các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu”, bà Christina Ameln, cố vấn về phát triển bền vững tại Purple Ivy, Thụy Điển, nhận nói về cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Cop26.
Theo bà Christina Ameln, việc Việt Nam cam kết thúc đẩy cung cấp năng lượng và nhu cầu mạnh mẽ về cải thiện chất lượng không khí là những động lực cơ bản quan trọng trong hướng đi này. Đặc biệt, các quy định và chính sách hỗ trợ được thiết kế và thực thi tốt như thuế nhập khẩu (FiT), ưu đãi thuế và miễn tiền thuế đất cũng được coi là những yếu tố cơ bản thúc đẩy tăng trưởng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời.
Vì vậy, với mục tiêu thúc đẩy ngành năng lượng phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển của nền kinh tế và đời sống dân sinh, Việt Nam tiếp tục tạo môi trường thuận lợi nhất nhằm thu hút vốn đầu tư của toàn xã hội, của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào ngành năng lượng xanh.
Ngoài ra, báo cáo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) khẳng định, nhu cầu của cộng đồng về bảo vệ môi trường là động lực quan trọng thứ hai. Các chuyên gia tin rằng Việt Nam sẽ thu hút các nhà đầu tư và tài chính năng lượng tái tạo do có nhiều cơ hội về năng lượng xanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét