Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

ĐIỀU GÌ KHIẾN LÊ THÁNH TÔNG TRỞ THÀNH VỊ HOÀNG ĐẾ ANH MINH BẬC NHẤT TRONG LỊCH SỬ?


Hoàng đế Lê Thánh Tông được lịch sử dành cho nhiều những mỹ từ để ca ngợi, vị Hoàng đế anh minh, lỗi lạc bậc nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.
Gần 40 năm trị vì đất nước, ông đã làm được 04 điều vĩ đại, xứng đáng với tầm vóc của một người đứng đầu quốc gia.
1. Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền.
2. Mở rộng lãnh thổ quốc gia Đại Việt.
3. Thông qua những chính sách cai trị đất nước phù hợp, ông đưa nước ta bước vào giai đoạn phát triển huy hoàng.
4. Lựa chọn, nuôi dạy người kế vị xứng đáng, kéo dài sự hưng thịnh của nước nhà, tạo nền tảng vững chắc cho đời sau.
Ông không phải là vị Hoàng đế sáng lập triều đại, cũng không phải vị anh hùng chống giặc ngoại xâm, nhưng bằng tài năng của mình, Lê Thánh Tông đã đưa quốc gia Đại Việt bước vào giai đoạn thịnh vượng mà lịch sử gọi là "Hồng Đức Thịnh Thế". Xuyên suốt chiều dài lịch sử đất nước, trước và sau đó, khó ai có được thành tựu rực rỡ như vậy.
Đô Tổng tài Quốc sử quán Vũ Quỳnh (1452 - 1516) nhận xét về Lê Thánh Tông như sau: "Vua tư trời cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài đại lược, võ giỏi văn hay, mà cái học của thánh hiền lại đặc biệt siêng năng, tay không lúc nào rời quyển sách. Các tập kinh, sử, các sách lịch, toán, các việc thánh thần, không có việc gì không bao quát tinh thông. Văn thơ thì vượt trên cả những khuôn mẫu của các văn thần… Quy mô xếp đặt công việc trung hưng, có thể sánh vai với Thiếu Khang nhà Hạ, nối gót được Tuyên Vương nhà Chu, mà khinh hẳn Quang Vũ nhà Hán, Hiến Tông nhà Đường là hạng dưới vậy”.
Điều gì khiến ông được lịch sử và công chúng ngợi ca như vậy?
Thứ nhất: Quản lý hành chính Nhà nước.
Năng lực quản trị đất nước và khả năng điều hành, kiểm soát bộ máy cai trị là điều kiện cương quyết để đảm bảo đất nước phát triển..
Bộ máy Nhà nước dưới thời Lê Thánh Tông thường xuyên được củng cố, hoàn thiện, đảm bảo quyền lực vững chắc của triều đình, bãi bỏ luật cha truyền con nối cho các gia đình có công - công thần, quan tâm tiến cử, phong thưởng những quan viên có tài đức, giáng chức người bất tài, tham ô.
Ông quản lý hết sức chặt chẽ tầng lớp quan lại. Hàng ngày ông đều hội kiến với các quan lại cao cấp nhất trong triều đình, thường xuyên gặp riêng các quan đứng đầu Lục bộ và Ngũ phủ để bàn bạc, nắm tình hình.
Để đảm bảo đất nước được cai trị trong khuôn khổ, ông cho biên soạn Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật). Đây là văn bản pháp lý đỉnh cao của pháp luật Việt Nam thời phong kiến, tiến bộ vượt bậc so với các triều đại trước đó và làm chuẩn mực cho thời sau. Ông đề cao pháp luật trong quản lý, điều hành: "Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các người phải cùng tuân theo."
Thứ hai: Chính sách phát triển kinh tế
Nước ta xuất phát điểm từ văn minh lúa nước, lấy nông nghiệp làm nền tảng phát triển.
Ngay khi lên ngôi, Lê Thánh Tông ra sắc chỉ để khuyến khích nông nghiệp: "Từ nay về sau, trong việc làm ruộng, phải khuyến khích quân dân đều chăm nghề nghiệp sinh nhai, để đủ ăn mặc, không được bỏ gốc theo ngọn, hoặc kiếm chuyện buôn bán, làm trò du thủ du thực. Người nào có ruộng đất mà không chăm cày cấy, thì quan cai trị bắt trình trị tội"
Ngoài ra các chính sách nhằm phát triển kinh tế được quan tâm như: Sửa đổi luật thuế khóa, điền địa, khuyến khích nông nghiệp, mở đồn điền, đặt ra luật quân điền chia đều ruộng đất cho mọi người.
Thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại (nội thương) cũng phát triển rực rỡ, việc lưu thông hàng hoá giữa các địa phương khá thuận lợi, chợ được hình thành khắp các làng xã.
Các ngành nghề thủ công nghiệp và xây dựng phát triển mạnh mẽ và "đã vượt lên trên mức độ của thời Trần mạt".
Nhờ kinh tế phát triển, đời sống dân chúng ấm no đã tạo tiền đề phát triển các lĩnh vực khác như quân sự, văn hóa, xã hội.
Thứ ba: Tài năng quân sự
Một câu nói kinh điển khi nhắc đến lịch sử Việt Nam trong sách vở, văn bản tài liệu và diễn thuyết đó là: "Trong quá trình dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã nhiều lần đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành chủ quyền, bảo vệ độc lập cho đất nước." Điều đó không sai, nhưng chưa đủ.
Một quốc gia "khỏe" phải có tiềm lực kinh tế đủ mạnh, ổn định xã hội và xây dựng quân đội mạnh để ngoại bang không dám đến xâm lấn. Lê Thánh Tông đã làm được điều đó.
Sinh ra và lớn lên sau khi đất nước đã sạch bóng quân thù (Khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh giành thắng lợi năm 1428) nhưng Lê Thánh Tông vẫn được rèn luyện và có tầm nhìn chiến lược của một vị quân sư tài năng. Lĩnh vực quân sự thời kỳ này có những tiến bộ vượt bậc, với các kỹ thuật và sáng chế cùng kỹ năng chế tạo vũ khí cực kỳ tinh xảo. Đặt lệ tổ chức thi võ 3 năm 1 lần ở kinh sư. Các quan, tướng thi đạt đều được phong thưởng, người thi không đạt phải bị xử phạt.
Năm 1470, ông lập các vệ quân cấm quân như Kim ngô, Cẩm y. Vệ Kim ngô được hợp thành từ 2 ty Tráng sĩ, Thần tý; vệ Cẩm y được hợp thành từ 2 ty Binh mã, Nghi vệ. Nhà vua còn lập thêm bốn vệ Hiệu lực, bốn vệ Thần vũ (đều được chia làm tiền, hậu, tả, hữu), 6 vệ Điện tiền (gồm vệ quân Vũ lâm, Tuyên trung, Thiên uy, Thủy quân, Thần sách, Ứng thiên), 4 vệ Tuần tượng cùng 4 vệ Mã nhàn...
Lê Thánh Tông cơ cấu lại bộ máy quân đội làm 5 phủ đô đốc. Mỗi phủ có vệ, sở. Bên cạnh còn có 2 đạo nội, ngoại. Ngoài tổ chức quân thường trực, còn có lực lượng quân dự bị ở các địa phương.
Nhờ vậy, đất nước được yên bình, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Ông còn đóng góp công lớn trong việc mở rộng lãnh thổ dân tộc về phương Nam. Không chỉ lấy lại được vùng đất Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay mà còn kéo dài biên giới Đại Việt đến đèo Cù Mông (Bình Định).
Thứ tư: Ưu tiên cho giáo dục Quốc dân
Hoàng đế đứng trên thiên hạ nhưng thiên hạ cũng trên Hoàng đế. Một ông vua không thể làm nên nghiệp lớn nếu như không có hiền tài ra giúp sức.
Thấu hiểu điều này, nhân tài được đào tạo Nho học được Lê Thánh Tông trọng dụng. Câu nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” do Thân Nhân Trung biên soạn, chính là ở thời đại thịnh trị này.
Vào năm 1484, Lê Thánh Tông cho dựng bia của những người thi đỗ Tiến sĩ từ khoa thi năm 1442 trở đi. Các bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được bắt đầu dựng vào thời đại của ông không chỉ có ý nghĩa về lĩnh vực giáo dục, mà chúng thực sự là các công trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc, lưu lại cho muôn đời.
Việc khoa cử tuyển chọn người tài diễn ra 3 năm một lần, hết sức chặt chẽ: "Khoa cử các đời, thịnh nhất là đời Hồng Đức. Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, đời sau không thể theo kịp." (Phan Huy Chú).
Thứ năm: Chính sách văn hóa - xã hội
Thời kỳ ông trị vì, tuy tiếp thu cơ bản điển chế Trung Hoa nhưng đất nước ta vẫn có một nền văn hóa với một diện mạo riêng, khẳng định một giai đoạn phát triển mới của lịch sử văn hóa dân tộc. Các thành tựu trong việc tổng kết lịch sử, thi ca, nhạc họa đều thu được kết quả nổi bật. Ông đã cho ra lệnh soạn nhiều tác phẩm có giá trị văn hóa xã hội.
Lĩnh vực y tế, ông lập nhà Tế sinh để chữa bệnh giúp dân. Ông còn quy định, ở địa phương nào có dịch bệnh xảy ra, các quan nơi này được phép trích tiền thuế để mua thuốc trị bệnh cho dân
Chính sách tôn giáo được chú trọng, Phật giáo, Đạo giáo đưa về sinh hoạt ở các làng xã, Nho giáo lại được coi trọng và lên ngôi, đặc biệt ở triều đình. Nhưng ông vẫn đánh giá cao Phật giáo, ca ngợi vai trò của Phật giáo đối với việc giữ gìn đế đô, xây dựng đất nước.
Thời kỳ này, xã hội phát triển mọi mặt, đất nước đạt tới đỉnh cao cường thịnh, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc với những giá trị văn hóa vô cùng lớn: Hồng Đức thiên hạ bản đồ, Thiên Nam dư hạ tập, Hồng Đức quốc âm thi tập...Những trước tác của Hội Tao đàn được chép lại trong bộ sách đồ sộ Thiên Nam dư hạ tập, và trong các sách Quỳnh uyển cửu ca, Minh lương cẩm tú, Hồng Đức quốc âm thi tập... Trong đó không chỉ có những sáng tác thơ văn, mà có cả những tác phẩm mang "hình thái" của lý luận phê bình.
Thứ sáu: Sách lược ngoại giao khéo
Trong ngoại giao với phương Bắc, Lê Thánh Tông chú trọng bảo vệ lãnh thổ biên cương, thực hiện đấu tranh ngoại giao mềm dẻo
"Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!"
Ngoại giao được chú trọng, Đại Việt bấy giờ có lệ xưng thần với nhà Minh, nhưng vua Lê Thánh Tông vẫn hết lòng phòng bị. Thỉnh thoảng có những thổ dân sang quấy nhiễu, thì lập tức vua cho quan quân lên dẹp yên và cho sứ sang Trung Quốc để phân giải mọi sự cho minh bạch.
Với các nước lân bang, ông tận dụng cơ hội mở mang bờ cõi, đánh và thu phục Ai Lao, Lang Xang, Bồn Man ... Điều này không những khiến các nước nhỏ phải kiêng dè mà ngay cả thiên triều Trung Hoa "hết sức quan ngại".
Thứ bảy: Văn, võ song toàn.
Tài năng quân sự và quản trị đất nước thôi chưa đủ, ông còn giỏi thi ca, văn học.
Lê Thánh Tông còn cho xây Kho bí thư để chứa sách, và lập Hội Tao đàn do ông làm Tao đàn Nguyên súy, vừa sáng tác văn chương vừa nghiên cứu phê bình.
Thánh Tông là người dẫn đầu phong trào sáng tác và trước thuật, để lại cho đời một lượng tác phẩm rất lớn chép trong Thiên Nam dư hạ tập, và các tác phẩm riêng như Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, Anh hoa hiếu trị, Châu cơ thắng thưởng, Chinh tây kỷ hành, Văn minh cổ súy, Lam Sơn lương thủy tú...
Ông tài giỏi cả thơ và văn, Nôm và Hán. Thập giới cô hồn quốc ngữ văn của Lê Thánh Tông là một trong những áng văn Việt cổ nhất còn truyền lại đến ngày nay.
Thứ tám: Đạo hiếu với mẹ, tôn kính tổ tiên.
Sinh, nuôi dạy và truyền ngôi cho con là vua Lê Hiến Tông - một người kế nghiệp cơ đồ xứng đáng, kéo dài sự thịnh trị nhà Lê.
Khi Quang Thục Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao lâm bệnh nặng, Lê Thánh Tông ngày đêm chầu chực bên giừơng bệnh, thuốc thang cơm nước tự nếm trước. Ngày bà băng thệ, ông khóc thương khôn xiết.
Năm Hồng Đức thứ 28 (1497), Hoàng đế Lê Thánh Tông băng hà, Thái tử Lê Tranh lên ngôi Hoàng đế. Đại Việt Sử ký Toàn thư đánh giá Lê Hiến Tông là người kế nghiệp xứng đáng của cha mình.
Hoàng đế Lê Thánh Tông và Hồng Đức Thịnh Thế sẽ còn mãi tỏa sáng trong những trang sử vàng của dân tộc. Một thời kỳ giàu mạnh, hùng cường, một niềm kiêu hãnh cho muôn đời con cháu mai sau.
ST từ nguồn:
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
- Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục
- Việt Nam Sử Lược

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét