Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

ĐỊNH HƯỚNG SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN

 Cùng với sự tiến bộ của xã hội, chúng ta không thể phủ nhận những ích lợi to lớn mà Internet và mạng xã hội đã mang đến cho con người. Với đặc điểm nổi trội hơn cả là tính kết nối nhanh, nội dung phong phú, đa dạng, chia sẻ rộng, cung cấp cho chúng ta rất nhiều những thông tin, nội dung tư vấn, hướng dẫn con người nói chung và người trẻ nói riêng dễ dàng tiếp cận các nguồn, kênh thông tin cần thiết trong cuộc sống, phục vụ cho việc rèn luyện, vui chơi, giải trí. Ngoài ra, còn hỗ trợ cho tốt cho việc học tập những kiến thức theo chương trình đào tạo của các nhà trường. Tuy nhiên, cùng với những ích lợi to lớn ấy, Internet và mạng xã hội cũng mang đến nhiều tác hại, không chỉ đối với người trẻ tuổi mà còn đối với tất cả những ai không biết cách kiểm soát. Dưới góc độ của bài viết này chỉ đề cập đến hành vi thiếu kiểm soát của một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là trẻ em, vị thành niên sử dụng mạng xã hội không đúng cách dẫn tới có hành vi lệch chuẩn và vi phạm pháp luật.

Xu thế chung hiện nay các cháu học sinh THPT, THCS thậm chí là bậc Tiểu học đã được các bậc phụ huynh cho phép sử dụng điện thoại để thuận tiện trong việc liên lạc, quản lý con cái; đa số đều là điện thoại thông minh smartphone. Từ việc được tiếp cận, sử dụng điện thoại thông minh từ rất sớm nên những đứa trẻ này rất thuần thục trong việc khai thác, sử dụng Internet và mạng xã hội. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nối Internet một đứa trẻ cũng có thể khai báo, khởi tạo được địa chỉ gmail để đăng ký sử dụng truy cập và tham gia vào rất nhiều trang mạng như: Facebook, Zalo, Youtube… trong đó, phổ biến nhất là Facebook. Thông qua mạng xã hội trẻ vị thành niên tìm kiếm được sự đồng cảm, quan tâm đối với những người khác thông qua các hành động yêu thích (like), chia sẻ (share) hoặc bày tỏ các cảm xúc của bản thân đối với những bài viết, hình ảnh hay các chia sẻ của người khác hoặc tìm kiếm sự đồng cảm, sẻ chia, an ủi động viên của người khác bằng cách bày tỏ các cảm xúc, tâm trạng của mình. Từ các hoạt động tương tác trên mạng xã hội giới trẻ sẽ tìm được sự đồng cảm riêng, tùy theo mức độ tham gia sẽ hình thành các nhóm có chung mục đích giúp cho chúng đến với nhau dễ dàng hơn. Để duy trì được mối quan hệ, nhóm này sẽ thành lập nhóm Facebook, Zalo (nhóm công khai hoặc nhóm kín) để đăng tải, chia sẻ, bình luận những nội dung cùng sở thích, sở trường phù hợp với tính cách, phong cách trang lứa.

Khi đã tham gia vào các hội, nhóm kín thì việc sử dụng Facebook, Zalo của trẻ vị thành niên thì rất khó để kiểm soát; nội dung trao đổi trong hội, nhóm sẽ xoay quanh các vấn đề về cùng sở thích, yêu, ghét trong nhà trường và xã hội; câu từ được sử dụng trong các nội dung bình luận thường được sử dụng cộc lốc, tối nghĩa, sai lỗi chính tả (đây là do cố ý) kèm theo các biểu tượng cảm xúc, ký tự có sẵn trên bàn phím. Nếu không phải là người cùng trang lứa thì thật sự không hiểu được nội dung của bình luận. Tìm hiểu sâu về việc sử dụng Facebook, Zalo của hội, nhóm trẻ vị thành niên mới thấy bên trong của sự ngây thơ trên khuôn mặt, khăn quàng đỏ trên bộ đồng phục học sinh, lại tiềm ẩn bên trong những suy nghĩ tiêu cực của lứa tuổi học sinh, như: văng tục, chửi bậy lẫn nhau, chửi thề; nói xấu thầy cô giáo, bạn bè; những cãi vã vô bổ; thậm chí rủ rê, lôi kéo, kích động đánh nhau giữa bạn bè cùng lớp, cùng trường và khác trường nhưng cùng địa bàn…

Trong trường hợp các tài khoản cá nhân nếu biết khai thác, sử dụng hợp lý thì nó mang lại hiệu quả rất lớn cả trong học tập, sinh hoạt và đời sống xã hội cho trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, các thông tin trên mạng xã hội phần lớn chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm duyệt, do đó thông tin tốt với xấu lẫn lộn, nếu không kiểm soát được sẽ tác động rất lớn đến tâm lý, tư tưởng và tích cách của trẻ; dễ tiêm nhiễm bởi các nội dung độc hại, bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ khi kết bạn trên mạng xã hội hoặc tiếp cận với phim ảnh khiêu dâm, lối sống trụy lạc, kích động bạo lực, chia rẽ đoàn kết… khi đã tham gia vào mạng xã hội rất dễ bị lôi cuốn, sa đà; thậm chí gây nghiện làm cho việc học hành của trẻ bị sao nhãng, sa sút, lệ thuộc vào thông tin trên mạng xã hội, đắm chìm vào thế giới ảo trên mạng nhưng trong đời sống thực; không có thời gian để tiếp xúc, kết thân, vui chơi với bạn. Từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý và việc hình thành, phát triển nhân cách, lối sống tốt đẹp của trẻ. Đây cũng là nỗi lo của các bậc phụ huynh trong việc nuôi, dạy con trẻ trong thời điểm hiện nay.

Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của các trang MXH đến việc giáo dục, nuôi dưỡng phát triển hoàn thiện nhân cách và lối sống tốt đẹp cho trẻ lứa tuổi vị thành niên thì mỗi gia đình, nhà trường và cơ quan chức năng có liên quan cần làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng và những bất cập của việc tham gia và sử dụng các trang mạng xã hội. Thay vì cấm đoán, các bậc phụ huynh tìm hiểu và hướng dẫn trẻ các nguyên tắc sử dụng mạng xã hội sao đúng cách, hiệu quả; nhìn nhận được tính hai mặt của mạng xã hội, đặc biệt là những hậu quả, hệ lụy của việc sử dụng mạng xã hội một cách tùy tiện, thái quá. Chỉ ra cách ứng xử khi tiếp xúc với những thông tin xấu, độc đăng tải tràn lan trên các trang mạng xã hội và biết cách làm chủ, điều tiết và kiểm soát được các hành vi của bản thân. Điều đó, giúp cho trẻ vị thành niên có đủ tự tin, bản lĩnh và phương pháp phòng tránh với những chiêu bài tiêu cực trên các trang mạng xã hội./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét