Thứ Năm, 23 tháng 6, 2022

KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG THIẾU THUỐC VÀ VẬT TƯ Y TẾ HIỆN NAY

        Chiều 23/6, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ họp về cung ứng thuốc, vật tư y tế và các giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế.

Dự họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay có tình trạng thiếu thuốc tại một số địa phương và bệnh viện tuyến Trung ương, các thuốc thiếu gồm: một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hóa chất cũng xảy ra tại một số cơ sở y tế cả tuyến địa phương và Trung ương, trong đó chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm; một số trang thiết bị y tế chuyên sâu.

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do tác động của các yếu tố như tình hình dịch, mô hình bệnh tật.

Đặc biệt, giai đoạn 2020-2021 là hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn. Đáng chú ý có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm của một số địa phương và đơn vị.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Y tế đã chủ động đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá trang thiết bị y tế...

Đáng chú ý, thời gian gần đây có tình trạng thôi việc, nghỉ việc của nhân lực ngành y tế trong khu vực công. Nguyên nhân một phần do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở; mặt khác do áp lực công việc cao, nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay.

Khắc phục tình trạng này, ngoài tiếp tục động viên tinh thần đối với lực lượng y bác sỹ..., ngành y tế tổ chức điều động nhân lực để hỗ trợ và giảm áp lực cho cán bộ, viên chức y tế; quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế; xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tiếp tục đầu tư cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho cán bộ, viên chức y tế...

Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu, thảo luận đánh giá tình hình, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và giải pháp phòng, chống dịch cả trong trước mắt và lâu dài.

Đặc biệt là cơ chế, chính sách, giải pháp, phương pháp thực hiện để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế và khắc phục vấn đề nhân lực y tế; với mục tiêu và phương châm là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết.

Trên cơ sở báo cáo và phát biểu thảo luận của các bộ, ngành, thành viên Thường trực Chính phủ, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục cập nhật thông tin, tổng hợp, thống kê số liệu thực sự khách quan, trung thực, chính xác về hiện tượng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế và khắc phục vấn đề nhân lực y tế.

Trên cơ sở nắm chắc tình hình để phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp, phối hợp chặt chẽ khắc phục tình trạng này một cách kịp thời, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và hỗ trợ của bàn bè quốc tế, dịch Covid-19 được kiểm soát.

Qua đó góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số nước với nguy cơ dịch quay trở lại.

Đối với trong nước cần tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch, không chủ quan, lơ là; trong đó tổ chức tích cực hơn nữa tiêm vaccine cho các đối tượng cần phải tiêm, nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Thủ tướng cho biết dịch sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, chân tay miệng đang diễn biến; một số loại bệnh khác như tim mạch, ung thư, xương khớp, đái tháo đường… tác động lẫn nhau khiến tình hình phức tạp hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Do đó, bên cạnh tăng cường năng lực y tế phòng, chống dịch Covid-19, phải tập trung thuốc, thiết bị, vật tư y tế, nhân lực cho phòng, chống các dịch khác và khám chữa bệnh thông thường cho nhân dân.

PHAO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét