Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

Không chọn bên để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc việt nam

 Vừa qua, trên “Voatiengviet”, có bài viết: “Không chọn bên: Chính phủ Việt Nam đi ngược Hồ Chí Minh” và cho rằng trong quan hệ đối ngoại Hồ Chí Minh luôn chọn bên. Hiện nay, với chủ trương Việt Nam không chọn bên chẳng khác nào là đang đi ngược lại với đường lối đối ngoại của Hồ Chí Minh và không thể bảo vệ được lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, tự lực, tự cường đồng thời mở rộng quan hệ quốc tế; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội song linh hoạt, sáng tạo, mềm dẻo và biết nhân nhượng có nguyên tắc; ngoại giao phải bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong đối ngoại, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữ vững hòa bình, hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng, xây dựng quan hệ tốt với các nước lớn. Cách mạng Việt Nam phải tăng cường các mối liên hệ, hợp tác quốc tế là một trong những điều kiện để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công. Song, Người cũng khẳng định, sức mạnh của Việt Nam là sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc, là ở việc phát huy mọi nguồn lực của đất nước, đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ to lớn của cộng đồng quốc tế và hợp tác quốc tế.

Vì vậy, trong quan hệ quốc tế hiện nay, Việt Nam phải xử lý đúng đắn quan hệ với các nước, phấn đấu mở rộng quan hệ quốc tế theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm với tất cả các nước và không gây thù oán, chuốc oán với bất cứ quốc gia nào. Trong ngoại giao, am hiểu và vận dụng nhuần nhuyễn “năm cái biết” của triết lý phương Đông: biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết thực hiện tốt phương châm mà Hồ Chí Minh đã vận dụng “dĩ bất biến ứng vạn biến”, tức là lấy cái không thể thay đổi để ứng phó với muôn sự thay đổi. Theo đó, cái “bất biến” là lợi ích của quốc gia, dân tộc, là độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Cái “vạn biến” là cách ứng phó tài tình, khéo léo, linh hoạt; kết hợp hài hòa giữa mềm dẻo và kiên quyết, giữa chiến lược và sách lược, giữa cương và nhu, giữa chủ động và sáng tạo trong những tình huống cụ thể, mà dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn đến đâu cũng phải giữ vững nguyên tắc để đạt cho được cái “bất biến”. Để thực hiện được “ứng vạn biến” phải đánh giá đúng tình hình quốc tế đề ra chính sách, phương pháp, cách thức tiến hành phù hợp, hiệu quả, bảo đảm giữ vững nguyên tắc chiến lược: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Do vậy, Việt Nam đã vận dụng sáng tạo tư tưởng đối ngoại của Hồ Chí Minh là không chọn bên trong quan hệ quốc tế.

Thứ hai, Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Thực hiện “đường lối ngoại giao cây tre” là gốc rõ vững, thân rắn chắc, cành lá mềm dẻo; trong quan hệ phải nắm vững hai mặt đối tác –  đối tượng, vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên định nguyên tắc, mục tiêu chiến lược, nhưng linh hoạt, khôn khéo, mềm dẻo về sách lược. Đảng ta khẳng định đặt lợi ích quốc gia – dân tộc là mục tiêu cao nhất của đối ngoại, tức là đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trước hết và trên hết; đồng thời, chỉ ra nguyên tắc chung là phải luôn nỗ lực đạt được lợi ích quốc gia – dân tộc tới mức cao nhất có thể. Điều này, không có nghĩa nước ta theo chủ nghĩa dân tộc vị kỷ mà phải trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Không ngừng tăng cường nội lực về kinh tế, quốc phòng; xây dựng tinh thần đoàn kết,  đồng thuận trong và ngoài nước; chủ động ứng phó các diễn biến địa – chính trị quốc tế để nâng cao vị thế chiến lược của Việt Nam; bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước; chăm lo bảo vệ các quyền tự do, hạnh phúc của nhân dân. Thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế; duy trì chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ; không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài  đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; Việt Nam tiếp tục thắt chặt quan hệ chiến lược an ninh với các nước lớn và các quốc gia trong khu vực một cách linh hoạt, hiệu quả để nâng cao vị thế chiến lược của mình. Đây chính là, đường lối, quan điểm, chính sách ngoại giao mềm dẻo, sáng tạo trên cơ sở kế thừa, phát huy đường lối đối ngoại của Hồ Chí Minh.

Trong điều kiện hiện nay, đối ngoại phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết, lấy mục tiêu hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân chủ, giàu mạnh để hội nhập và phát triển. Do vậy, mọi luận điệu xuyên tạc, và những âm mưu, hành động chống phá, đi ngược lại chủ trương, đường lối, quan điểm, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước cần phải kiên quyết đấu tranh, loại bỏ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét