Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, người cán bộ tình báo được cả thế giới biết đến như một “điệp viên hoàn hảo”.
Phạm Xuân Ẩn khi ra đường thường dắt theo một con chó béc-giê to, giống chó rất đắt tiền. Một người trí thức, ăn mặc đàng hoàng, đúng thời trang, dừng chiếc ô tô bên lề đường... Phong cách ấy, ai có thể nghĩ đó là một cán bộ tình báo Việt Cộng? Phạm Xuân Ẩn đã chọn cho mình cách “ngụy trang” kỹ lưỡng, dù đôi khi chỉ là những tiểu tiết rất nhỏ. Ví dụ như chuyện ông “chỉ huy” chú chó ấy bằng tiếng Pháp. Có hôm, tại Nhà hàng Victory trên đại lộ Hàm Nghi, sau khi cùng Tư Cang (AHLLVT Đại tá Nguyễn Văn Tàu) trao đổi, bàn bạc công việc xong, Phạm Xuân Ẩn rời bàn đứng dậy đi trả tiền nước. Con chó từ nãy tới giờ nằm im dưới gầm bàn, vụt đứng dậy đi theo chủ. Ẩn quay lại, ra lệnh: “Reste là!” (Đứng lại đó”. Con béc-giê dừng ngay tức khắc. Trả tiền xong, khi Phạm Xuân Ẩn trở về bàn, con chó cũng quay lại, đi theo anh. Anh lại ra lệnh: “Couche toi!” (Nằm xuống). Con vật dễ thương chấp hành ngay, nằm khoanh dưới bàn. Thực khách trong nhà hàng, nhiều người rất ngạc nhiên, thích thú.
Con chó này nguyên là của một quan chức cao cấp bên Pháp tặng cho tướng Nguyễn Cao Kỳ (lúc ấy giữ chức Trưởng ban Hành pháp, thực chất là Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Cộng hòa). Biết giống chó quý, Phạm Xuân Ẩn bàn với người quản lý chó trong Dinh Độc Lập: “Ông hãy làm cho nó ốm đói, ghẻ lở, xấu xí rồi đề nghị thanh lý cho tôi. Tôi sẽ không để ông thiệt”. Và thế là con chó thuộc về Phạm Xuân Ẩn
Có lần, sau khi lấy được và gửi về trên một tài liệu rất quan trọng về ý đồ chiến lược của đế quốc Mỹ đối với Việt Nam, cấp trên thông báo tặng thưởng cho Phạm Xuân Ẩn một Huân chương Chiến công hạng nhất. Tư Cang báo tin vui ấy cho Phạm Xuân Ẩn. Bằng giọng rất cảm động, Phạm Xuân Ẩn nói: “Tôi cảm ơn sự quan tâm của cấp trên đối với tôi. Đó cũng là trách nhiệm của tôi mà thôi”. Ngưng một chút, giọng trầm hơn, ông nói tiếp: “Nhưng cuộc chiến tranh còn dài, đời người cán bộ tình báo biết bao giờ mới có cơ hội để đeo tấm huân chương cao quý ấy. Vở kịch còn đang diễn, màn chưa hạ…”.
Khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, Phạm Xuân Ẩn được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân, được mời ra thủ đô Hà Nội dự lễ mừng chiến thắng và được gặp gỡ nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội.
Được tin này, giới báo chí phương Tây, trong đó tất nhiên có nhiều người là nhân viên tình báo quốc tế đã từng đến Sài Gòn, vô cùng sửng sốt: Phạm Xuân Ẩn là tình báo của Việt Cộng ư? Thật không thể tin nổi!
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét