Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

Nâng tầm của đại biểu Quốc hội qua các phiên chất vấn

 

MISTEN - Theo đài RFA, ngày 7/6, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khoá XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, các đại biểu Quốc hội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm để có một phiên chất vấn, trả lời chất vấn thực chất, hiệu quả. Theo ông Vương Đình Huệ, phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, hoạt động giám sát của Quốc hội và hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn… để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và cử tri.

Sử gia Dương Trung Quốc, nguyên đại biểu Quốc hội, giải thích về công việc chất vấn tại Quốc hội Việt Nam:

“Đối với Việt Nam, chất vấn là một hình thức giám sát tối cao nhất. Từ lâu, Việt Nam đã cho phép truyền hình trực tiếp nên hiệu ứng rất mạnh trong xã hội. Chất vấn bao giờ cũng có người hỏi, người đáp, đó là cơ hội để cho người dân đánh giá không chỉ các vị bộ trưởng hay các vị quan chức… mà họ đánh giá luôn cả đại biểu nêu vấn đề… Sinh hoạt này bây giờ đã đi vào đời sống để người dân theo dõi. Qua những ý kiến trao đổi trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng thì các phiên chất vấn cũng tạo nên sự giám sát rất chặt chẽ hay nói cách khác là tạo áp lực cho sinh hoạt này”.

Ông Dương Trung Quốc cho biết thêm, hoạt động chất vấn diễn ra khi cuộc đấu tranh chống tham nhũng tại Việt Nam đang quyết liệt, như việc Bộ trưởng Y tế và Chủ tịch Hà Nội liên quan đến Việt Á… Có thể nói các phiên chất vấn đã thoả mãn lòng dân. Nhưng mặt khác, theo ông Dương Trung Quốc, việc này cũng đặt ra hàng loạt vấn đề về đội ngũ quan chức của Việt Nam. Cũng có thể nói rằng một điểm yếu của Quốc hội Việt Nam là tính chuyên nghiệp không cao. Do cơ chế tổ chức, có người có năng lực, nhưng chưa phát huy hết thì đã hết nhiệm kỳ. Việc đó ai cũng nhìn thấy, nhưng chưa được khắc phục một cách căn bản.

Dư luận trên mạng xã hội cũng cho rằng, các cuộc chất vấn gần đây đã hơn hẳn những lần trước bởi tính chất thời sự. Người trả lời chất vấn cũng tỏ ra có thiện chí và không tránh né. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng:

“Tôi thấy Đảng và nhà nước có một công thức là chất vấn để làm rõ hơn sự điều hành của chính phủ, để rút kinh nghiệm cùng nhau bắt tay xây dựng chứ không phải chất vấn để tìm ra khuyết điểm của từng Bộ trưởng hoặc thành viên Chính phủ để cách chức. Điều này hoàn toàn khác với các nước phương Tây. Nếu cử tri theo dõi những buổi chất vấn thì thấy có những vấn đề ‘nóng’ của đất nước được nêu trên diễn đàn Quốc hội”.

Theo ông Đinh Kim Phúc, đó là một tín hiệu rất tốt so với 20 - 30 năm trước. Khi trả lời chất vấn có những vấn đề được rõ hơn, nhưng cũng có những vấn đề không làm rõ được. Ông Đinh Kim Phúc giải thích:

“Những vấn đề nóng đã được đặt trên diễn đàn Quốc hội, dù bộ trưởng có trả lời được hay không cũng là một tín hiệu tốt để cho thấy sự bức xúc của cử tri đối với các vấn đề chính phủ làm chưa được, hay những quyết định của từng bộ trưởng, để cho người dân đánh giá… Đó là một ưu điểm, không thể đòi hỏi hơn được nữa”.

Quốc hội là nơi hoạt động lập pháp, giám sát các hoạt động hành pháp và tư pháp... trong việc thực hiện các nghị quyết do Quốc hội đề ra. Ngoài ra, Quốc hội còn là nơi đề xuất, thảo luận các vấn đề mang tầm vĩ mô về kinh tế - xã hội, quốc kế dân sinh... Nói như thế để thấy rằng, các đại biểu khi họp Quốc hội không được sa vào bàn luận những tiểu tiết hay quá cụ thể vì những công việc này sẽ do chính phủ quy định cụ thể theo đặc thù từng ngành. Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận định:

“Chúng ta cũng thấy rõ rằng, gần 500 đại biểu Quốc hội có trình độ khác nhau, nhận thức khác nhau, tiếp cận một vấn đề cũng khác nhau. Do đó, có những câu hỏi rất chất lượng đi vào việc quốc gia đại sự, quốc kế dân sinh… Rõ ràng trong thời gian qua có đại biểu Trương Trọng Nghĩa, hay sử gia Dương Trung Quốc, trước đây là Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết… Họ có những câu hỏi đi vào trọng tâm của vấn đề, chứ không phải những câu hỏi minh họa cho các bộ trưởng trả lời. Có những câu hỏi hết sức nhỏ, không đi vào đúng lĩnh vực Quốc hội mà chỉ ở cấp phường, xã hoặc quận, huyện…”.

Theo ông Đinh Kim Phúc, hạn chế đó là do cơ cấu đại biểu Quốc hội phải có đủ thành phần đại diện như công nhân, nông dân, trí thức… Trong khi Mặt trận Tổ quốc đã có đại diện của tất cả thành phần rồi, Quốc hội cần nâng cao chất lượng của đại biểu. Ông nhấn mạnh:

“Đại biểu Quốc hội hiện nay phải là những thành phần tinh túy nhất, đại diện cho tiếng nói của cử tri, bàn những vấn đề quốc gia đại sự… chứ không phải những vấn đề ở quận mình, ở tỉnh mình cũng đem lên diễn đàn quốc hội thì rất mất thời gian và cũng không giải quyết được”.

                                                                                                                                              TTXVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét