Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022
NẾU BẠN BẮN VÀO QUÁ KHỨ BẰNG SÚNG LỤC THÌ TƯƠNG LAI SẼ BẮN VÀO BẠN BẰNG ĐẠI BÁC!
Bạn sẽ nghĩ gì nếu như biết rằng có một nhóm rất đông các bạn trẻ, vượt tường lửa vào các trang mạng Trung Quốc, đón xem phim Vương Bài - bộ phim có nhiều tình tiết xúc phạm lịch sử Việt Nam trong cuộc chiến biên giới 1979. Thực ra xem phim thì không có gì đáng sợ, điều đáng sợ ở đây là các bạn xem phim, truyền tay nhau và viết rằng: “Học thêm lịch sử từ phía Trung Quốc để biết sự thật về Việt Nam”. Nhằm tránh bị lên án vì cái tên “Vương Bài”, nhiều người hâm mộ Việt Nam đã ghi tựa đề tiếng Trung là “王牌部队” nhằm lách việc bị lên án khi đăng thông tin, quảng bá và chia sẻ phim.
Có một fan nữ bình luận trong nhóm hâm mộ diễn viên đóng chính ấy bình luận rằng: “Không phải tự nhiên mà Trung Quốc làm phim vu cáo Việt Nam xâm lược Trung Quốc trước. Không có gì hay lại là bưng bít”.
Bạn sẽ nghĩ gì nếu như đọc được những bình luận bênh vực phía Hoa Kỳ trong vụ việc ném bom vào phố Khâm Thiên khiến khoảng gần 300 người Việt Nam thiệt mạng. Ví dụ như “phi công Mỹ không cố tình”, “phải bay cao tránh tên lửa nên ném đại trúng người dân chứ không phải là cố ý”, “trách chính quyền trước khi không di tản người dân”, “số liệu ở Khâm Thiên theo phía Mỹ là thổi phồng”...
Liệu bạn có bức xúc không khi trong bài viết về phi công Vũ Xuân Thiều - người đã điều khiển MiG lao vào B52. Họ nói rằng anh “không đáng tôn vinh vì lãng phí máy bay và tiền ngân sách đào tạo phi công”, ví anh “ngờ nghệch” học tập theo các chiến cơ Thần Phong - hay còn gọi là phong cách chiến cảm tử Kamikaze của Nhật Bản. Một vài người khác, cho rằng anh “kém cỏi” và “lãng phí” khi không bắn trúng được B52… Trường hợp của anh Thiều, chúng ta không khuyến khích các phi công làm vậy, nhưng việc anh làm là một việc làm dũng cảm hết mực. Hãy nhớ về sự kiện Khâm Thiên và Bạch Mai trong những đêm ác liệt cuối 1972 đã khiến hàng trăm dân thường vô tội thiệt mạng…
Có một bình luận vừa đắng, vừa mặn, vừa hài hước thế này: “Chúng nó nghĩ lái MiG đối đầu với B52 thêm đống F4 và F111, dễ như chơi Ace Combat 7 không bằng. Bác Thiều lao phi cơ vào đổi mạng với B52 để cứu thêm nhiều người dân vô tội khác sẽ thiệt mạng nếu chiếc phi cơ này cất cánh và rải bom thêm nhiều lần nữa. Giờ thì chúng nó xét lại và bảo bác là kém cỏi vì không bắn tên lửa trúng bố chúng nó…”
Nếu bạn hay lướt mạng, sẽ thấy một số bạn trẻ “joke” về việc “tắt máy núp mây” - một kỹ thuật bay tránh radar của các phi công Việt Nam, sau đó bổ nhào tấn công máy bay Mỹ. Mặc dù sau này thuật ngữ này đã được chứng minh, nhưng đám trẻ này vẫn cố vin vào cái nghĩa đen “tức là tắt động cơ, núp vào trong đám mây rồi tấn công địch” để phủ nhận thành quả nỗ lực của những phi công anh hùng đạt đẳng cấp ACE như Nguyễn Văn Bảy hay sĩ quan dẫn đường máy bay Lê Thành Chơn.
Hoặc nếu về cách đây mấy tháng, có một trending trên Tiktok nói cuộc chiến từ 1954 đến 1975 là “nội chiến”. Và kỳ lạ thay, trending này lại được hàng chục triệu lượt view, được viral một cách rầm rộ, người ta hành xử với trending với một tâm thế vui đùa, bỡn cợt với lịch sử… Nhưng không biết rằng như vậy không khác gì xát muối vào những thế hệ cựu chiến binh còn sống!
Một vài minh chứng ở trên để chúng ta sẽ thấy rằng sự xuyên tạc, xét lại lịch sử đang ngày càng nhiều, ở một tầm vóc quy mô đang ngày càng lớn hơn. Điều gì gây ra thực trạng đó? Vì nhiều người trẻ không thích lịch sử? Vì tuyên truyền không đủ tốt? Vì quản lý báo chí và không gian mạng không tốt? Vì giáo dục? Hay vì lý do gì khác. Nhưng với bất cứ lý do gì, thì thực trạng này hoàn toàn có thể dẫn tới thảm họa “cách mạng màu”.
Xin mượn một bình luận từ một bài viết trong nhóm Tìm hiểu lịch sử: “Đây là một điều nhức nhối từ xưa tới nay, bởi một bộ phận bạn trẻ Việt Nam tiếp cận các nguồn sử không rõ ràng, minh bạch, nhưng tự cho mình là đúng; hoặc chỉ xem nửa vời, qua loa rồi phô diễn thêm những cái hư cấu để làm lệch đi giá trị chính sử”.
Một trong những lý khiến Liên Xô sụp đổ là vì chủ nghĩa xét lại được manh nha và hoạt động một cách rầm rộ. Ukraine rơi vào hoảng loạn và khủng hoảng trong bấy nhiêu năm qua vì một thế hệ trẻ hắt nước, chửi bới và tấn công những cựu binh chiến thắng và bứt bỏ thành quả cách mạng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Chủ nghĩa xét lại sẽ khiến một dân tộc đánh mất bản chất anh hùng của dân tộc đó, một chủ nghĩa giúp dân tộc đó chiến thắng kẻ thủ và đoàn kết phát triển. Chủ nghĩa xét lại khiến những anh hùng trở thành những tội đồ, khiến những chiến công trở thành dĩ vãng. Thời nay, có lẽ bom đạn, súng ống không còn là thứ đáng sợ nhất nữa.
Có một bình luận có lẽ khiến mình nhớ mãi: “Cứ mỗi dịp đặc biệt là chỉ thấy các cựu binh già đến thắp hương cho đồng đội cũ”.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét