Giữ gìn, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là yêu cầu, tình cảm, trách nhiệm của quân nhân đang tại ngũ mà còn là mong mỏi, hy vọng của cả xã hội đối với những cán bộ, sĩ quan đã hoàn thành việc nước, nghỉ hưu theo chế độ. Về với đời thường, mỗi cựu chiến binh (CCB) luôn gương mẫu trong sinh hoạt, cuộc sống, tích cực tham gia công tác xã hội... chính là góp phần quan trọng tô thắm phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ, đồng thời tạo sức lan tỏa rộng rãi, tính giáo dục cao.

“Tuy đã nghỉ hưu nhiều năm, sức khỏe gần đây có phần giảm sút nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội, hết lòng vì việc chung, vì cuộc sống hạnh phúc của bà con... Đúng là một cán bộ đã được rèn luyện trong môi trường quân ngũ!”.Lời nhận xét cũng là lời khen của nhiều người dân phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đối với CCB Nguyễn Văn Đức phần nào cho thấy sự tin yêu, quý mến, lòng cảm phục của bà con dành cho ông. Năm 2012, nghỉ hưu với quân hàm thượng tá, CCB Nguyễn Văn Đức-nguyên cán bộ một đơn vị thuộc Quân khu 2-không nghỉ ngơi mà rất tích cực hoạt động trong hội CCB địa phương. Sau đó, ông được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ dân phố.

Nhiều năm công tác ở vùng cao biên giới, gắn bó với đồng bào, CCB Nguyễn Văn Đức hiểu rằng, người dân dù ở đâu, nông thôn hay thành thị, đồng bằng hay vùng cao cũng luôn quý trọng, tin tưởng vào bộ đội. Bởi vậy, ông tự nhủ phải luôn gương mẫu, tận tâm làm mọi việc có thể để giúp ích cho cộng đồng. Tuyến phố chính của khu dân cư không rộng mà hầu như nhà nào cũng có ô tô, cứ vào cuối giờ chiều lại đỗ lộn xộn hai bên lề đường, gây cản trở giao thông. Thấy thế, ông đi từng nhà nhắc nhở, vận động bà con đỗ xe gọn gàng, đúng quy định...

Một số gia đình xây bậc thềm lấn ra đường, ông nhẹ nhàng phân tích đúng-sai, đồng thời kiên quyết yêu cầu phá dỡ. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, ông cùng tổ Covid-19 cộng đồng tích cực tuyên truyền, vận động bà con chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, đồng thời xung phong tham gia trực tại các chốt... Đó là một vài trong rất nhiều việc làm “không tên” của CCB Nguyễn Văn Đức được người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Nếu như cán bộ nói chung, cán bộ, sĩ quan quân đội nói riêng khi đương chức, tại ngũ nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu, tạo được tính lan tỏa, thuyết phục bao nhiêu thì lúc nghỉ hưu vẫn hết mình vì cộng đồng, giữ gìn, phát huy phẩm chất cách mạng, như trường hợp CCB Nguyễn Văn Đức nói trên, sẽ tạo hiệu ứng tích cực gấp nhiều lần. Bởi khi cán bộ nghỉ hưu, không còn chịu sự quản lý của cơ quan, đơn vị nên đòi hỏi tính tự giác và gương mẫu rất cao.

Đây cũng là lúc mỗi người có thể cho mình quyền được nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình sau hàng chục năm công tác, thế nên, việc vẫn nhiệt tình, trách nhiệm tham gia công tác xã hội, đoàn thể thật đáng quý. Ở đây có mối quan hệ biện chứng: Các CCB được tôi rèn trong môi trường quân ngũ, không chấp nhận cách sống bàng quan, thiếu trách nhiệm sẽ tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thông qua những việc làm có ích cho cộng đồng, xã hội. Cũng chính bằng những việc làm cụ thể, thiết thực đó lại càng khẳng định, tô thắm phẩm chất cao quý này.

Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới đã chỉ rõ 5 đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trong đó có những nội dung: “Có đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống trung thực, khiêm tốn, giản dị, chân thành, lạc quan; nói đi đôi với làm, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân” và “lắng nghe, tôn trọng, học hỏi, giúp đỡ, gắn bó máu thịt với nhân dân, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân”...

Nghị quyết cũng nêu 10 biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, như: “Không quan tâm đến lợi ích chung, làm việc gì cũng chỉ mưu cầu cho lợi ích cá nhân; sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi”; “thiếu ý thức và trách nhiệm với tập thể”; “thờ ơ, vô cảm, bàng quan trước những khó khăn, nguyện vọng chính đáng của đồng chí, đồng đội và nhân dân”...

Qua đó có thể thấy, luôn nêu cao đạo đức cách mạng, sống có trách nhiệm với tập thể, tất cả vì lợi ích chung, thường xuyên giúp đỡ, gắn bó máu thịt với nhân dân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh là một nội dung quan trọng của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Về nghỉ hưu, cán bộ quân đội càng có điều kiện, thời gian để hòa mình vào cộng đồng, gắn bó với người dân, trước hết là hàng xóm láng giềng, cộng đồng nơi mình sinh sống, do đó, càng có điều kiện để phát huy, tô thắm những phẩm chất tốt đẹp đã được tôi rèn trong thời gian tại ngũ.

Thực tế cho thấy, tuyệt đại đa số cán bộ quân đội khi nghỉ hưu, về với cuộc sống đời thường luôn phát huy tốt phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương tin tưởng, quý mến. Thế nhưng, cũng còn một bộ phận chọn cách sống “mũ ni che tai”, thờ ơ, vô cảm với cộng đồng, xã hội. Cá biệt có trường hợp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có lời nói, việc làm sai trái, gây bức xúc trong dư luận.

Để phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ tiếp tục lan tỏa, đấu tranh ngăn chặn lối sống ích kỷ, thực dụng, những biểu hiện suy thoái, tiêu cực thì giải pháp quan trọng là phát huy vai trò của tổ chức đảng, hội, đoàn thể địa phương, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật... Tuy nhiên, trước hết và quan trọng nhất chính là ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ nghỉ hưu. Sẽ không thể có những suy nghĩ tích cực, những việc làm tốt vì cộng đồng, góp phần làm sáng đẹp thêm hình ảnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ nếu bản thân mỗi cán bộ thiếu tự giác, thiếu ý thức, trách nhiệm.

Về hưu, cán bộ quân đội đã dần được xếp vào diện “người cao tuổi”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, coi trọng và đánh giá cao vai trò của người cao tuổi. Người nói: “Tuổi già nhưng chí không già/ Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”. Mỗi CCB hãy luôn khắc ghi lời Bác, thường xuyên gương mẫu rèn luyện, tu dưỡng, về hưu nhưng ý chí, phẩm chất nhất định không “hưu”!