Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2022

NHỮNG CA KHÚC CÁCH MẠNG GẮN LIỀN VỚI NGƯỜI LÍNH


Trên con đường cách mạng, ở đâu có dấu chân người lính, ở đó có bài ca về họ. Ở đâu người lính hiện hữu, ở đó có khúc hát do chính họ tạo ra.
Ngày cách mạng trứng nước, chúng ta đã có những bài rất hay về người lính. Người ta dự cảm bóng dáng 34 chiến sĩ trong rừng Trần Hưng Đạo ngày 22-12-1944 qua “Du kích ca” (1944) của Đỗ Nhuận, “Đoàn Vệ quốc quân” (1945) của Phan Huỳnh Điểu… Có thể nhận ra sự lớn mạnh của QĐNDVN qua hình ảnh “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về” trong “Tiến về Hà Nội” (1949) của Văn Cao, vững tin vào sức mạnh dân tộc có Đảng, Bác Hồ chỉ lối qua “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” (1970) của Huy Thục.
Tính hành khúc làm nên đặc điểm nổi bật của ca khúc về “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Không có địa hạt lĩnh vực nào mà thể loại hành khúc lại có mật độ dày đặc và lôi cuốn như trong ca khúc viết về người lính. Những bài nổi tiếng thời kháng Pháp vẫn còn vang đến bây giờ: “Vì nhân dân quên mình” (1951) của Doãn Quang Khải, “Qua miền Tây Bắc” (1953) của Nguyễn Thành, “Tiểu đoàn ba lẻ bảy” (1950) của Nguyễn Hữu Trí - thơ Nguyễn Bính, “Chiến thắng Điện Biên” (1954) của Đỗ Nhuận.
Giai đoạn xây dựng CNXH và đấu tranh thống nhất đất nước (1954 - 1975), hàng loạt hành khúc ra đời: “Tiến bước dưới quân kỳ” (1958) của Doãn Nho, “Ta chiến sĩ giải phóng quân” (1963) của Văn Lưu và Triều Dâng, “Mỗi bước ta đi” (1965) của Thuận Yến, “Hành quân đêm” (1967) của Triều Dâng, “Bước chân trên dải Trường Sơn (1966) của Vũ Trọng Hối, “Cùng hành quân giữa mùa xuân” (1971) của Hoàng Hà… Đỉnh cao nghệ thuật viết hành khúc kết tinh ở “Hành quân xa” (1953) của Đỗ Nhuận, “Anh vẫn hành quân” (1964) của Huy Du, lời phỏng thơ Trần Hữu Thung, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” (1970) của Huy Thục và “Hát mãi khúc quân hành” (1984) của Diệp Minh Tuyền. Không phải ngẫu nhiên khi tác giả của những bài này đã đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước.
Ngoài bài hát “toàn quân”, còn có ca khúc chuyên ngành. Pháo binh thì có “Hò kéo pháo” (1953) và “Bài ca Pháo binh” (1974) đều của Hoàng Vân, “Sẵn sàng bắn” (1964) của Tô Hải, “Nghe tiếng pháo Khe Xanh” (1968) của Đức Nhuận… Ngợi ca chiến sĩ Không quân thì có “Phi đội ta xuất kích” (1965) của Tường Vi, “Từ mặt đất thân yêu” (1972) của Tô Hải. Lính biển hiện lên sống động qua “Lính biển hát về biển” (1983) của Nguyễn Cường, “Nơi đảo xa” (1985) của Thế Song, “Vòng tay của biển” (1993) của Vũ Thanh, “Nếu em đến thăm đảo” (1980) của Trọng Loan… Tăng - Thiết giáp cũng được khắc họa một cách thú vị qua “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” (1971) của Doãn Nho... Chiến sĩ nuôi quân hiển hiện trong “Nổi lửa lên em” (1968) của Huy Du, “Tôi là Lê Anh Nuôi” (1970) của Đàm Thanh… Các chiến sĩ công binh cũng có nhiều bài hát chiếm cảm tình công chúng như “Quả bom câm” (1967) của Doãn Nho, “Nhịp cầu nối những bờ vui” (1980) của Văn An…
Hình ảnh “Anh bộ đội Cụ Hồ” được nhạc sĩ chú tâm xây dựng thành hình tượng điển hình. Thời gian trôi qua, nhưng bài hát còn đọng lại mãi trong tim của những người lính hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét