Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

ĐỒNG CHÍ PHẠM HÙNG NHÀ CHIẾN LƯỢC CỦA CÁCH MẠNG, NHÀ LÃNH ĐẠO CỦA NHÂN DÂN

 

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Hùng với 60 năm liên tục cống hiến. Trong bất cứ hoàn cảnh, môi trường hoạt động chính trị nào, kể cả khi bị tù đày, cũng như khi giữ các chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, ông luôn vững vàng, có sức chịu đựng lớn. Ông là một trong những nhà chiến lược của cách mạng Việt Nam, là học trò trung thành với sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông có tư duy độc lập, tự chủ trong công vụ và rất tôn trọng ý kiến đóng góp của tập thể; có tác phong làm việc khoa học, sâu sắc, tỷ mỷ, có tầm khái quát, bám sát đường lối của Đảng, giữ vững nguyên tắc, nhưng linh hoạt trong giải quyết công việc.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng rất coi trọng đoàn kết nội bộ. Quan điểm của ông là đoàn kết phải lành mạnh, chứ không phải đoàn kết theo kiểu lấy lòng nhau. Muốn đoàn kết tốt, phải có thái độ tự phê bình và phê bình đúng mực, chân thành, như Bác Hồ đã dạy trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” và các tác phẩm khác của Người; đồng thời, anh, chị em trong cơ quan, đơn vị, phải thật sự đối xử chân thành với nhau, không được kèn cựa, địa vị, bè phái… Muốn đoàn kết tốt, thì người đứng đầu phải luôn gương mẫu cả trong việc công và việc tư; ưu tiên cho việc công, không để việc tư chen vào việc công.
Đồng chí Phạm Hùng bất khuất, hiên ngang trước kẻ thù và cũng rất chân tình với đồng bào, bạn bè, đồng chí. Với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, đời tư của ông thật trong sáng, cuộc sống giản dị. Ông chăm lo đến công việc của đất nước và cũng chăm lo đến gia đình và đời sống của nhân dân. Có lần, tổ chức bố trí cho ông được gặp thân mẫu sau hơn 20 năm xa cách. Ông cảm động lắm, đêm đã khuya, ông vẫn ngồi làm việc bên giường mẹ ngủ; thi thoảng lại kiểm tra giường, màn để muỗi không vào, bởi nơi gặp gỡ giữa hai mẹ con lúc bấy giờ là một khu rừng (ở thời điểm sau khi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954), nên rất lắm muỗi, dễ bị sốt rét. Đồng chí là người chồng, người cha mẫu mực, thủy chung.
Phu nhân đồng chí Phạm Hùng là bà Huỳnh Ngọc Nỉ, sinh ra trong một gia đình giàu có ở Châu Thành, Cần Thơ. Bà sớm được giác ngộ và tham gia cách mạng. Noi gương nhà cách mạng, nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất Nguyễn Thị Minh Khai, bà đổi tên là Hoàng Thị Mai Khanh. Khi ra miền Bắc, bà từng là cán bộ của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Trong công tác, bà chủ động, không ỷ lại, không lợi dụng chức vụ của chồng. Trong chiến tranh ác liệt phải đi sơ tán, một mình bà nuôi dạy 4 người con (2 trai, 2 gái) đều học giỏi và chăm ngoan. Ông bà còn đỡ đầu nuôi 4 cháu khác là con cán bộ miền Nam và tự hào rằng, mình có 8 đứa con ngoan. Những người con của ông, bà cũng rất tự hào về ba, má của mình.
Đồng chí Phạm Hùng là một trong những nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời bình. Ông được Đảng và nhân dân tín nhiệm, giao nhiều trọng trách trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc tái thiết đất nước. Trên bất cứ cương vị nào, lĩnh vực nào, ông cũng mang hết sức mình để hoàn thành. Đó là phẩm chất của một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp.
Là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nhưng đồng chí Phạm Hùng vẫn áo vải, dân dã, lăn lộn trong phong trào quần chúng, luôn gần dân, thân dân, trung thực, cởi mở với nhân dân; chịu khó tiếp thu ý kiến do nhân dân đóng góp, luôn chăm lo củng cố khối đoàn kết toàn dân. Ông rộng lượng với mọi người và nghiêm khắc với mình. Nhiều lần, ông tâm sự, ông sợ nhất bệnh quan liêu, tham ô, hời hợt, bè phái, xa dân, thiếu lễ phép và kính trọng nhân dân...
Con người Phạm Hùng - “Anh Hai Nam Bộ” là như vậy! Ông đã đi vào lịch sử của cách mạng Việt Nam!
ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét