Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

Đồng chí Võ Văn Kiệt, người đi nhưng di sản còn mãi!

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người con ưu tú của Nam bộ Thành đồng Tổ quốc, có “cái tâm” và “tầm” của vị Thủ tướng thứ tư của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ 8/8/1991 đến 25/9/1997 - người luôn vững vàng trước mọi hiểm nguy, linh hoạt sáng tạo trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

    Ông là nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và cải cách chính sách ở Việt Nam vào bậc nhất trong thời kỳ mới, một con người bình thường mà phi thường.

    Con người ấy, rất gần gũi, hết sức bình dị như ta từng biết, xuất thân từ một hoàn cảnh khó khăn nhưng lại đồng thời là một con người có tâm, có dũng, có trí và nhân cách văn hóa đặc sắc. Nhân kỷ niệm 14 năm ngày mất (11/6/2008 - 11/6/2022) của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng ta điểm qua một số câu chuyện về ông...

Cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt với công nhân đường dây 500Kv. Ảnh tư liệu

 

    “Cuối năm 2004, khi nhắc đến cuộc chiến tranh đã lùi xa gần ba mươi năm, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Lúc đó, không phải ai cũng chia sẻ với ông suy nghĩ ấy. Nhưng, những ai biết những nỗi đau cá nhân mà ông Kiệt từng chịu đựng, mới thấy, đây không chỉ là ý kiến của một nhà chính trị, đây còn là sự sẻ chia rất con người(1).  Ông Huỳnh Hoài Nam, bác sĩ riêng kể: “Trong suốt những năm ở trong rừng, ông luôn mang theo một tấm hình và hai bộ đồ của vợ (bà Trần Kim Anh)”. Sau ngày 30-4-1975, ông đã tìm đến khúc sông ấy, đứng nhiều giờ để cố tìm xem, vợ và các con ông đang thực sự yên nghỉ ở đâu”(2). Và trong sâu thẳm lòng ông, ông muốn sau này khi mất, tro của mình cũng được rải xuống khúc sông mà hai người con và người vợ yêu quý nhất của ông đã mãi nằm lại đó...

    Khi người thân quây quần bên ông, ông Sáu Dân vui vẻ nói: “Con người ta sinh ra đâu có ai tròn trịa hoàn toàn. Bản tánh khác nhau, sở thích khác nhau, nhu cầu khác nhau cũng làm cho sự không tròn trịa của mỗi người có khác. Đừng sợ sự không tròn trịa. Chỉ nên sợ mấy thứ này: Dốt mà không chịu học, làm chuyện gì cũng lớt lớt, thiếu ngay thẳng, trộm cắp, thờ ơ với việc chung(3)

    Khi thôi giữ trọng trách đứng đầu Chính phủ và khi không còn làm nhiệm vụ Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông vẫn đau đáu nỗi lo cho dân, cho nước. Xuất thân từ nông dân, ông hiểu nỗi cơ cực, vất vả của người nông dân và ông thường xuyên “đi xóm” nhiều hơn (cách ông hay gọi những cuộc đi thăm cơ sở)…

    Có lần xuống miền Tây thăm một gia đình sống ngoài đìa tôm, ông đã lội xuống đầm, cùng bà con vớt từng con tôm. Bữa ấy, ông đã ở lại đìa tôm, nhậu tôm luộc, bàn về cách nuôi tôm như một lão nông. Ông từng ôm chặt bí thư và chủ tịch một huyện trong vòng tay thân thiết và thân mật dặn: “Tụi bây phải thật gần dân, lắng nghe dân, tiếp thu ý kiến đóng góp của bà con các dân tộc”. Phong cách ông Sáu Dân trong công việc là vậy.

    Còn trong cuộc sống đời thường, những người cùng sống, từng tiếp xúc đều nhận ra ở ông một cách ứng xử rất riêng. Cái gì cần cho bản thân, hợp với bản thân là ông chọn; không cần nhìn ngang nhìn ngửa để điều chỉnh cho “vừa mắt” ai đó hoặc ngán ngại không dám đấu tranh để “giữ ghế”.

    Năm 2006, trả lời phỏng vấn một tờ báo, ông đã kể lại câu chuyện vô cùng cảm động, mang đậm chất văn hóa Tây Nam bộ (làm việc hết mình, nhưng chơi thì cũng chơi “tới bến”, khi thấy việc nghĩa mà không ra tay làm thì không phải là anh hùng): “... Một là dân đói nhưng các đồng chí giữ nguyên chức nếu theo đúng chỉ đạo, mua lúa giống không quá 8 đồng/kg. Hai là dân no, khắc phục được ngay hậu quả, kịp vụ, nhưng các đồng chí mất chức. Các đồng chí chọn cái nào?...”. Cuối cùng các đồng chí ấy chọn cái mất chức. Ông nói rằng: “Không có chủ trương nào của Đảng, Nhà nước làm cho dân đói khổ, cán bộ lo cho dân no lại bị kỷ luật. Còn nếu cấp trên nghiêm, cứng, cứ yêu cầu phải kỷ luật để làm gương thì thà chịu mất chức còn tốt hơn là ngồi đó để thấy dân mình đói khổ”…

    Có lần về quê tại Ruột Ngựa, Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, ông Sáu Dân đi giữa các bô lão, nói chuyện ruộng đồng, cấy hái, xoa đầu mấy em nhỏ trong xóm đến chào, cứ như một lão nông thứ thiệt chưa từng ra khỏi bờ tre đầu làng. Ngoài tuổi tám mươi, ông ngồi ca nô cao tốc, xé nước, phóng như bay dọc ngang kinh rạch miền Tây, đi khảo sát thực địa tìm lối ra cho cảng Trà Nóc - Cần Thơ theo ngã kinh Quan Chánh Bố... Từ cuộc sống nông dân đi ra, ông giữ cho mình khả năng trở về với cuộc sống nông dân trong mọi diện mạo. Chỉ ý chí kiên định và trái tim nồng cháy dành cho nhân dân, đất nước là không bao giờ nguội lạnh, đổi thay...

    Nụ cười của ông có sức thu hút đặc biệt; trong đó có một chút hài hước, phong thái ung dung, đĩnh đạc mà nhân từ, bao dung và cả sự thành tâm. Ông điềm đạm, dí dỏm, nhưng thích tranh luận, phản biện. Phản biện, tranh luận để làm bật ra nhiều góc khuất của vấn đề, giúp làm sáng tỏ, khẳng định những điều xác tín... Phong cách ấy “rất chi là Sáu Dân” - Một nhân cách văn hóa đậm chất Nam bộ là như vậy!

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét