Thứ Năm, 23 tháng 6, 2022

Phê phán các luận điệu sai trái, xuyên tạc vấn đề “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

 Nhận diện một cách đầy đủ và đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng với âm mưu, ý đồ, thủ đoạn của các đối tượng chống phá, xuyên tạc là góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức tự đề kháng, củng cố niềm tin của mỗi người cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; qua đó, khơi dậy sự chung sức, đồng lòng của toàn dân tộc nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Cơ sở khoa học và thực tiễn của “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”

Một trong những điểm mới và quan trọng trong Văn kiện Đại hội XIII là lần đầu tiên Đảng ta xác định “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(1). Đây cũng là bước đột phá trong tư duy của Đảng về sức mạnh nội sinh và phương thức phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Ấy vậy mà các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị, phản động, chống đối, lại đang rêu rao, xuyên tạc rằng, đó là quan điểm duy tâm chủ quan, một khẩu hiệu trống rỗng, phi thực tế, phản khoa học,... hòng thực hiện mưu đồ xuyên tạc, bóp méo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng ta.

Chúng lý sự rằng, “khát vọng” là yếu tố tinh thần, là mặt tinh thần của đời sống xã hội; do đó, khi Đảng Cộng sản Việt Nam nhiều lần đề cập và nhấn mạnh đến thành tố “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong Văn kiện Đại hội XIII (từ chủ đề Đại hội, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, định hướng phát triển, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược) thì Đảng Cộng sản Việt Nam đã tuyệt đối hóa yếu tố tinh thần và lấy nó làm cơ sở, nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nên rõ ràng là một quan điểm duy tâm chủ quan; đi ngược lại lý luận của chủ nghĩa duy vật lịch sử, trái với chủ nghĩa Mác - Lê-nin (?!).

Xét bản chất, dựa trên lý luận của triết học Mác - Lê-nin về tính độc lập tương đối của ý thức và vai trò, sức mạnh to lớn của tinh thần con người, chúng ta có đủ luận cứ, luận chứng khoa học để phản bác các luận điệu sai trái, nhưng hết sức tinh vi, xảo quyệt nói trên của các thế lực thù địch. Đó là, tuy khẳng định vai trò quyết định của vật chất đối với ý thức, nhưng các nhà kinh điển mác-xít cũng đồng thời nhấn mạnh, ý thức có tính độc lập tương đối với vật chất, có tính năng động, sáng tạo nên có thể tác động trở lại vật chất, góp phần cải biến thế giới khách quan thông qua hoạt động thực tiễn của con người. Chính vì vậy, V.I. Lê-nin khẳng định: “Ý thức con người không phải chỉ phản ánh thế giới khách quan, mà còn tạo ra thế giới khách quan”(2). Đặc biệt, ý thức tiến bộ, cách mạng một khi được giáo dục, khơi dậy và phát huy đúng cách ở mỗi cá nhân sẽ trở thành sức mạnh tinh thần vĩ đại trong cải tạo xã hội. Đúng như C. Mác đã nói: “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất; nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng”(3).

Điều đó có nghĩa, ý thức, tư tưởng hay tinh thần của con người, trong đó có các khát vọng chính đáng, hợp lý, hoàn toàn không phải là sản phẩm tiêu cực, thụ động, mà luôn chứa đựng sức mạnh tiềm tàng rất to lớn. Và để hiện thực hóa sức mạnh ấy, để biến nó thành sức mạnh vật chất, đòi hỏi phải biết thường xuyên khơi dậy, bồi đắp và chuyển hóa nó thành các hành động cụ thể, các phong trào xã hội thiết thực. Như C. Mác đã viết: “tư tưởng căn bản không thể thực hiện được cái gì hết. Muốn thực hiện tư tưởng thì cần có những con người sử dụng lực lượng thực tiễn”(4) và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý... Bổn phận của chúng ta là... phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”(5). Vì vậy, trong mỗi thời kỳ, ở mỗi giai đoạn lịch sử của dân tộc, giá trị và sức mạnh của tinh thần yêu nước cũng như khát vọng phát triển đất nước luôn phụ thuộc rất lớn vào khả năng khơi dậy, phát huy và hiện thực hóa của các thế hệ.

Thực tiễn cũng đã chứng minh, trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, sự hình thành, phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc phụ thuộc trước hết vào khát vọng sống, tồn tại và vươn lên của cộng đồng dân tộc đó. Không hiếm dân tộc hay nền văn minh trên thế giới bị đồng hóa, bị tiêu diệt trong quá trình biến thiên lâu dài của lịch sử, khi không có sự đoàn kết toàn dân tộc, nhất là thiếu khát vọng độc lập, tự cường và phát triển. Đối với dân tộc Việt Nam, yếu tố này lại càng nổi bật và biểu hiện sinh động hơn hết. Như sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, không ngừng được đắp bồi và phát triển, tinh thần yêu nước cùng với khát vọng phát triển đất nước là những giá trị tiêu biểu, tạo nên sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam. Chính khát vọng cháy bỏng phải giành, bảo vệ cho được độc lập, tự do, thống nhất đất nước đã tạo nên sức mạnh phi thường để dân tộc ta trường tồn và phát triển. Trong lịch sử, ông cha ta đã đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của các đế quốc ngoại bang, giữ vững nền độc lập dân tộc không phải chủ yếu bằng tiềm lực quân sự, bằng sức mạnh vật chất, mà chủ yếu là bằng sức mạnh quật khởi vĩ đại của sự đoàn kết, của khát vọng về chủ quyền quốc gia.

Một mặt, với những lý luận sắc bén và thực tiễn sinh động, dựa trên cơ sở khoa học và hiện thực đầy đủ, cùng với tư duy biện chứng, tầm nhìn chiến lược và nhạy bén chính trị, sự kiên định và vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam trong tình hình mới, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã rất đúng, rất trúng khi xác định một cách mạch lạc, đầy sức thuyết phục về khát vọng phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Đó là động lực quan trọng, nguồn năng lượng nội sinh to lớn để đưa đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển, “cất cánh” trong kỷ nguyên mới. Văn kiện Đại hội XIII hoàn toàn không tuyệt đối hóa vai trò động lực của khát vọng phát triển đất nước, mà xác định rất rõ đây là một trong những động lực để tạo thành “hợp lực” cho đổi mới, phát triển và hội nhập; là động lực tinh thần chứ không phải động lực vật chất; là động lực thúc đẩy chứ không thể thay thế vai trò cơ sở, nền tảng quyết định của yếu tố kinh tế, vật chất. Do đó, trước những luận điệu cho rằng quan điểm “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong Văn kiện Đại hội XIII là duy tâm chủ quan, mỗi người có sự hiểu biết và tỉnh táo, khách quan đều thấy rõ đó chỉ là một sự non kém về kiến thức triết học và tri thức lịch sử,... hoặc là những ý đồ chính trị hết sức tinh vi và thâm độc, một dạng của thuật ngụy biện và chủ nghĩa chiết trung, vốn không được bất kỳ khoa học nào đánh giá cao.

Mặt khác, Văn kiện Đại hội XIII đã được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; được góp ý, chỉnh lý, sửa chữa nhiều lần (riêng Báo cáo chính trị là khoảng 30 lần); được nhiều nhà khoa học, nhà lý luận nghiên cứu, biên soạn một cách cẩn trọng, nghiêm túc, cân nhắc từng từ, từng câu, từng chữ. Văn kiện được đánh giá có quá trình chuẩn bị “rất công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp. Quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định  đổi mới, giữa kế thừa  phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, dự thảo các văn kiện đã thực sự là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, thể hiện rõ sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng Dân”, hòa quyện cùng quyết tâm và ý chí phát triển của dân tộc”(6). Văn kiện có văn phong trong sáng, súc tích, giản dị, từ ngữ chắt lọc, dễ nhớ, dễ thực hiện; mỗi nhận định, đánh giá, nội dung bổ sung đều có căn cứ xác đáng, nhất là những luận điểm mới như vấn đề “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Tất cả những điều đó chứng minh tính khoa học, khách quan của những đánh giá, các mục tiêu, nhiệm vụ trong Văn kiện Đại hội XIII.

Thế nhưng, các thế lực thù địch đã, đang lớn tiếng cho rằng, đó chẳng qua chỉ là một lời hiệu triệu, một ước vọng hão huyền, vì nó chỉ có ý nghĩa hô hào, mang tính chất khẩu hiệu thuần túy, trong khi không xác định được những chủ trương, không định vị rõ lộ trình, không đề ra biện pháp cụ thể để hiện thực hóa khát vọng đó. Vì tính quy chụp, xảo ngôn đó, những luận điệu này đã thể hiện một “tư duy thiển cận”, phiến diện, siêu hình và về thực chất, chỉ là một cái nhìn đầy định kiến, “sặc mùi” cơ hội chính trị và phản khoa học.

Bởi lẽ, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng không những xác định rõ các chủ trương, chiến lược, sách lược đúng đắn, mà còn đề xuất phương hướng và hệ thống những giải pháp mang tính đồng bộ, khoa học, khả thi cao để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước. Điều này không chỉ thể hiện sự sáng tạo trong tư duy lý luận của Đảng, mà còn là cơ sở khoa học, là bằng chứng hùng hồn để phản bác lại những quan điểm sai trái, cố tình bóp méo, xuyên tạc Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét