Biển và đại dương ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình tồn tại, phát triển của nhân loại. Ngày nay, tiến ra biển, khai thác biển và đại dương đang trở thành xu thế khách quan và là mối quan tâm của tất cả các quốc gia có biển và không có biển.
Việt Nam là một quốc
gia ven biển nằm trên bờ phía Tây của Biển Đông, có chủ quyền, quyền chủ quyền
và quyền tài phán trên một vùng biển có diện tích hơn một triệu ki lô mét
vuông, chiếm khoảng 29% biển Đông, rộng gấp ba lần diện tích lãnh thổ đất liền.
Việt Nam còn có chủ quyền với khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tài nguyên vùng biển và ven biển nước ta được
đánh giá là rất phong phú và đa dạng, phân bố rộng khắp trên dải đất liền ven
biển đến các vùng nước ven bờ, các hải đảo và các vùng biển. Cả nước có 63 tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương, có 28 tỉnh, thành phố ven biển, trong đó có 12
huyện và thành phố đảo. Trên 50% số dân của nước ta sống ở các tỉnh ven biển.
Đó vừa là những điều kiện khách quan thuận lợi để nước ta phát triển đa dạng
các ngành kinh tế biển, đồng thời cũng đặt ra những khó khăn trong quản lý, bảo
vệ biển, đảo và khai thác lợi thế kinh tế từ biển, đảo.
Biển gắn bó mật thiết
với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta qua hàng ngàn năm. Ngày nay,
khai thác tiềm năng và lợi thế của biển là đòi hỏi khách quan của công cuộc xây
dựng đất trong thời kỳ mới. Nghị quyết số 36 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương
khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030,
tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định: “Biển là bộ phận cấu thành chủ quyền
thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn
bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Tuy nhiên, trong thời
gian gần đây, trên biển đang tồn tại những nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn tới mất
ổn định, xung đột vũ trang và là mối quan tâm chiến lược của các nước trong và
ngoài khu vực. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định:
“Khu vực châu Á - Thái Bình Dương; trong đó, Đông Nam Á có vị trí chiến lược
ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm
ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra
căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an
toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn
nguy cơ xung đột”. Vì vậy, quản lý, bảo vệ biển, đảo vừa là mục tiêu chiến
lược, vừa là yêu cầu cấp bách của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
trong tình hình mới.
PHAO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét