Thứ Năm, 2 tháng 6, 2022

Quyết định sáng suốt, kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn mới

 


Thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua công tác kiểm tra Đảng chưa được cấp ủy, Bí thư cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo như công tác khác... Nguyên nhân chủ yếu là nhận thức về vị trí vai trò, chức năng nhiệm vụ chưa đầy đủ; bộ máy tham mưu giúp việc và chế độ chính sách đối với người làm công tác kiểm tra và công tác kiểm tra còn bất cập, có lúc buông lỏng, không được coi trọng. Trong thực tế, có một thời gian dài người ta mặc định rằng : đã là ủy viên Trung ương là tinh hoa, không tỳ vết, không ai dám động vào. Ở mỗi nơi có tình trạng Bí thư cấp ủy, BTV cấp ủy không ai dám kiểm tra.v.v...

Nhưng khi Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Trung ương do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban, với phương châm trong xem xét kiểm tra, xử lý kỷ luật " không có ngoại lệ, bất kể là ai ", " không có vùng cấm " trong công tác kiểm tra, giám sát theo kỷ luật của Đảng và pháp luật của nhà nước, thì mới có ủy viên Bộ chính trị, ủy viên Trung ương, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ bị xử lý kỷ luật Đảng, có người vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự. Rõ ràng, là về nhận thức, trách nhiệm đã có sự chuyển biến đầy đủ, đúng đắn hơn về công tác xây dựng Đảng từ TW đến địa phương. Biểu hiện rõ nét nhất là tại Hội nghị Trung ương 4 khoá 11 ( 10/2012 ) phát biểu Bế mạc Hội nghị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nhắc tới khuyết điểm của TW, BCT, BBT với " giọt nước mắt của TBT " - ông nói : Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ nhiều khoá nay có một số khuyết điểm lớn, đặc biệt là chưa ngăn chặn và khắc phục được tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ đảng viên. Việc một số cán bộ cao cấp ( cả đương chức và nghỉ hưu ) có lúc, có việc còn biểu hiện chưa gương mẫu về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình, nói không đi đôi với làm, đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của cơ quan lãnh đạo Đảng; nhà nước và bản thân các đồng chí đó. Chưa tập trung chỉ đạo làm rõ, đánh giá đầy đủ thực chất tình hình để kịp thời có biện pháp kiên quyết khắc phục một số tiêu cực ( như chạy chức, chạy quyền, chạy tội...) và một số trường hợp phân công, đề bạt cán bộ chưa chính xác, chưa được dư luận đồng tình...

Từ thực tế tình hình đó, sau Hội nghị Trung ương 4 khoá 12, ngày 1/2/2013 Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162 QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban. Cùng với đó, Bộ Chính trị tái lập lại Ban Nội chính, Ban Kinh tế TW...đã làm cho công tác kiểm tra, giám sát được phát huy tốt hơn. Tính chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Đảng, của BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng phát huy tác dụng tốt hơn. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán có sự phối hợp, kết hợp, khớp nối với nhau chặt chẽ, nhịp nhàng trong phát hiện, xử lý kỷ luật theo chỉ đạo của Đảng. Uỷ Ban kiểm tra TW đã chủ động nghiên cứu, ban hành các văn bản của Đảng bảo đảm giữ nghiêm kỷ luật Đảng, đồng thời tăng cường trách nhiệm, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Kịp thời thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng; ban hành các quy phạm pháp luật để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong thực hiện quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật của nhà nước nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn vi phạm, khuyết điểm; phát hiện xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Bằng những câu chữ giản dị, mộc mạc nhưng thuyết phục về vị trí, vai trò và tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ :" Chúng ta ai cũng biết, một gia đình muốn êm ấm, hoà thuận, hạnh phúc thì cùng với sự dạy bảo, khuyên nhủ còn phải có khuôn phép, gia phong, nền nếp ( nếp nhà ) " trên kính, dưới nhường " tôn tri trật tự, không thể vô lễ, vô phép " cá mè một lứa ", " thượng hạ bằng đẳng " không có cái kiểu " nhà kia lỗi phép con khinh bố, mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng " như cụ Tú Xương đã từng phê phán, như thế là một gia đình vô phúc. Một làng, một xã, một dòng họ cũng có hương ước, quy ước, lệ làng, một cơ quan, một công sở phải có " nội quy ", " quy chế, có Điều lệ ".

Từ thực tiễn, đòi hỏi mỗi đảng viên cán bộ, công chức, viên chức nhà nước càng phải nhận thức sâu sắc Kết luận số 21/KL về đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị TSVM là nhiệm vụ thường xuyên, cơ bản và cấp thiết, cấp bách. Trong đó, công tác kiểm tra, giám sát giữ vai trò cực kỳ quan trọng để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Để tiếp tục đẩy mạnh hơn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Hội nghị Trung ương 5 Khoá 13 Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đó là quyết định sáng suốt, kịp thời đáp ứng yêu cầu tình hình phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn mới./

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét