Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2022

Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là gốc, rễ sinh ra tham nhũng, tiêu cực, ảnh hưởng đến sự tồn vong chế độ ta

Đại hội XIII đã được Đảng ta xác định nhiệm vụ trọng tâm là: “Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ... Tại Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và các quyết định, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được toàn Đảng, toàn dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ:“Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng” và biện pháp quan trọng hàng đầu để đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí chính là giáo dục tư tưởng cho quần chúng. Người nói: “Làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”. Thời nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn là phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai lĩnh vực này có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tham nhũng, đây là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Lợi ích kinh tế thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống. Cùng với sự phát triển của kinh tế, nhất là nền kinh tế thị trường, tham nhũng, tiêu cực dần trở lên nghiêm trọng tại nước ta. Tham nhũng, tiêu cực gây xói mòn, mất niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, Đảng ta khẳng định, tham nhũng là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm” và lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt vấn đề phòng, chống tham nhũng, nhất là sau các Nghị quyết Trung ương lần thứ 4 khóa XI và XII. Chúng ta đã đẩy mạnh đấu tranh, kiên quyết xử lý các cán bộ, đảng viên vi phạm với nguyên tắc “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, bất kỳ ai vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2013 - 2020 đã xử lý kỷ luật 131.000 cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Cũng từ năm 2013 - 2020, đã có 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý, trong đó có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, 30 Tướng lĩnh lực lượng vũ trang. Tính riêng từ năm 2016 - 2020, đã kỷ luật 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 3.200 trường hợp liên quan tới tham nhũng. Từ năm 2013 đến năm 2020, các cơ quan có thẩm quyền đã kiến nghị thu hồi 700.000 tỷ đồng, 20.000 ha đất, kiến nghị xử lý trách nhiệm 14.000 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Từ 2013 - 2020, cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra truy tố xem xét hơn 1.900 vụ án tham nhũng với 4.400 bị cáo trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự, bao gồm 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp Tướng. Có thể nói chưa bao giờ có một số lượng lớn cán bộ, đảng viên sa sút về phẩm chất, vi phạm về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật bị xử lý nhiều như vậy trong cùng giai đoạn. Bên cạnh việc Đảng và Nhà nước kiên quyết, đẩy mạnh hơn việc phát hiện, xử lý thì số lượng lớn cán bộ, đảng viên vi phạm cũng cho thấy tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét