Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2022

Tăng cường giáo dục chính nghĩa, giữ gìn hòa bình, tôn trọng đạo lý và truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ hiện nay

 

Thế hệ trẻ chính là những chủ nhân tương lai của nước nhà. Do đó, tăng cường giáo dục chính nghĩa, giữ gìn hòa bình, tôn trọng đạo lý và truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ hiện nay là một nội dung quan trọng góp phần trang bị cho họ những hành trang quý báu để kế thừa, tiếp nối các thế hệ đi trước xây dựng một nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, làm thất bại các âm mưu và thủ đoạn xấu độc của các thế lực phản động chống phá sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Việt Nam là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, luôn mong muốn được sống trong hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước; luôn mong muốn hòa hiếu, hữu nghị, hợp tác với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, dân tộc Việt Nam cũng luôn luôn sẵn sàng cầm súng để chống lại kẻ thù xâm lược, bảo vệ tự do, độc lập, chủ quyền quốc gia dân tộc. Trong bối cảnh diễn biến hết sức phức tạp của tình hình thế giới hiện nay, chúng ta lên án các cuộc chiến tranh xâm lược, các hoạt động khủng bố, gây bạo loạn, lật đổ, can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia có chủ quyền; ủng hộ các cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp trong khu vực, những âm mưu và hành động xâm chiếm, gây nên tranh chấp trên Biển Đông, đe dọa chủ quyền biển, đảo của đất nước ta, chúng ta kiên quyết phản đối. Kế thừa truyền thống yêu hòa bình, hòa hiếu, nhân nghĩa của dân tộc, chúng ta kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, các thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc, đồng thời bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển đất nước ta, hòa bình, ổn định trong khu vực. Là nạn nhân của các cuộc chiến tranh với đau thương, hy sinh xương máu, Việt Nam luôn mong muốn dập tắt mọi ngọn lửa chiến tranh để hòa bình đến với mọi quốc gia, dân tộc. Đó chính là đạo lý chính nghĩa truyền thống của dân tộc Việt Nam mà Đảng ta, dân tộc ta hiện nay cần tôn trọng, gìn giữ và phát huy; vì đó chính là cầu nối giữa đất nước ta, dân tộc ta với các quốc gia, dân tộc khác vì tương lai, văn minh của nhân loại. Dân tộc Việt Nam luôn hành động theo lẽ phải. Vì vậy, chính nghĩa, lẽ phải thuộc về dân tộc ta. Chúng ta nêu cao chính nghĩa sáng ngời, đoàn kết, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, đồng bào trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài; để tranh thủ, thu hút sự ủng hộ rộng rãi, mạnh mẽ của các nước, của cộng đồng quốc tế đối với cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Đồng thời chúng ta luôn tích cực chuẩn bị những giải pháp phù hợp khác, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trước những thuận lợi và khó khăn của đất nước hiện nay, hơn lúc nào hết, thế hệ trẻ Việt Nam phải nhận thấy rõ vị trí, vai trò của mình đối với sự phát triển của đất nước, từ đó không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ về mọi mặt, trau dồi lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” với vai trò là chủ thể tích cực, xung kích, tiên phong trong sự nghiệp phát triển nước nhà. Do đó, để tăng cường giáo dục chính nghĩa, giữ gìn hòa bình, tôn trọng đạo lý và truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ hiện nay cần nghiên cứu, thực hiện tốt một số pháp cơ bản sau:

Một là, chú trọng giáo dục giúp thế hệ trẻ nhận thức đúng các giá trị chân, thiện, mỹ cũng như những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bồi dưỡng cho thế hệ trẻ hôm nay về lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; chú trọng giáo dục nhân cách và nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường kiên định trước những luồng văn hóa, tư tưởng sai lệch; hướng thế hệ trẻ biết tự hào, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời linh hoạt, tỉnh táo trong việc lựa chọn, tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới.

Hai là, luôn chú trọng đổi mới nội dung và hình thức giáo dục. Thế hệ trẻ luôn là lực lượng sung sức nhất, năng động, sáng tạo và luôn muốn tự khẳng định mình, nhưng do tuổi đời còn trẻ, ít kinh nghiệm nên rất cần sự chăm lo, dìu dắt của các thế hệ đi trước cũng như cần được tiếp cận với các chương trình, mô hình giáo dục tiên tiến, hiện đại, năng động, hấp dẫn. Trong khi đó, chương trình giáo dục lại chậm đổi mới, nặng về lý thuyết, thiếu giáo dục kỹ năng sống nên chưa tạo được dấu ấn trong học sinh, sinh viên. Vì vậy, trước hết cần phải đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục, nhất là trong công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội.

Ba là, phát huy cao vai trò nòng cốt của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ Để việc giáo dục, bồi dưỡng có hiệu quả, cần tổ chức tốt các phong trào hành động: Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác, Thanh niên lập nghiệp, Tuổi trẻ giữ nước, Thanh niên tình nguyện, Chiến dịch mùa hè xanh… Đồng thời, đổi mới các phương thức, hình thức, nội dung, biện pháp giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh, thiếu niên; lồng ghép các nội dung giáo dục trong tất cả các mặt công tác, các hoạt động khác của Đoàn.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cho thế hệ trẻ. Gia đình, nhà trường có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc hình thành nhân cách của con người. Những thành viên trong gia đình chính là những tấm gương gần gũi nhất, thực tế nhất để giáo dục cho thanh, thiếu niên. Sự quan tâm của gia đình sẽ giúp thanh, thiếu niên được chia sẻ, lắng nghe, đồng thời giúp họ lựa chọn đúng đắn để không bước chân vào con đường sai trái. Cùng với gia đình, nhà trường cần có nhiều biện pháp quản lý học sinh, sinh viên, thắt chặt nền nếp, kỷ cương, kỷ luật.

Năm là, phát huy tinh thần tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và lối sống của bản thân thanh, thiếu niên. Để làm được điều đó, cần hình thành cho thanh, thiếu niên nhu cầu, động cơ phấn đấu, rèn luyện đúng đắn, ý thức làm chủ, ham học hỏi, cầu tiến bộ, vươn lên tự khẳng định mình; tạo điều kiện thuận lợi để thanh, thiếu niên phấn đấu, rèn luyện, đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả, định hướng phấn đấu cho thanh niên. Mặt khác, bản thân thanh, thiếu niên phải xác định rõ trách nhiệm của mình với Tổ quốc và Nhân dân, sống có lý tưởng, có hoài bão, khát khao vươn tới cái mới, cái tiến bộ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét