Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 6-6-2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nghị định được sửa đổi theo hướng tăng nhiều lần mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS); vi phạm quy định về nhập ngũ. Trong đó, đáng chú ý, nếu người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh NVQS sẽ bị phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng (quy định cũ phạt tiền từ 2 đến 4 triệu đồng) và bổ sung quy định phạt tiền từ 50 đến 75 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ; biện pháp khắc phục là buộc người vi phạm vẫn phải thực hiện NVQS.
Luật NVQS năm 2015 quy định rất rõ, NVQS là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện NVQS theo quy định của luật này. Thực hiện Luật NVQS, hằng năm, hội đồng NVQS các địa phương tiến hành phát lệnh gọi công dân khám tuyển NVQS; tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ theo đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, đủ số lượng, chất lượng. Tuy nhiên, những năm gần đây, phần việc quan trọng này ở nhiều địa phương đang gặp khó khăn.
Tại các địa phương, phần lớn thanh niên thường đi làm ăn xa, học cao đẳng, đại học và được tạm hoãn, miễn thực hiện NVQS. Trong khi đó, công tác quản lý công dân trong độ tuổi nhập ngũ chưa chặt chẽ nên tỷ lệ thanh niên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học tham gia sơ tuyển, khám tuyển NVQS rất hạn chế. Người được gọi khám tuyển thường viện cớ để xin tiếp tục tạm hoãn thực hiện NVQS và sau một vài năm, những đối tượng này đã quá độ tuổi nhập ngũ.
Đó là chưa kể, để trốn tránh nghĩa vụ, không ít trường hợp lợi dụng các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí trong khám tuyển NVQS, như: Hình xăm, huyết áp, thị lực, xét nghiệm ma túy... Các đối tượng sử dụng nhiều tiểu xảo và hành vi tiêu cực nhằm gian lận, làm sai lệch kết quả khám sức khỏe. Không ít gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, sẵn sàng sử dụng tiền bạc và các mối quan hệ để con, em mình được đưa ra khỏi diện triệu tập...
Những quy định trong Nghị định số 37/2022/NĐ-CP được xem là biện pháp quan trọng và cần thiết nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành Luật NVQS; nâng cao mức cảnh báo, răn đe đối với những tổ chức, cá nhân đã và đang manh nha những biểu hiện vi phạm. Cũng có ý kiến cho rằng, việc nâng mức xử phạt là cần thiết, nhưng chưa phải là giải pháp căn cơ, triệt để khi mà ý thức chấp hành nghĩa vụ của công dân chưa được nâng lên; công tác phối hợp, triển khai các khâu, các bước trong quy trình khám tuyển NVQS, gọi công dân nhập ngũ ở một số địa phương còn nhiều vấn đề đáng bàn.
Đặc biệt, trước những tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, nhiều người nghi ngại, tăng nặng mức xử phạt, liệu rằng đã đủ sức cảnh báo, răn đe hay sẽ tạo thêm những kẽ hở để tiêu cực len lỏi vào phần việc quan trọng này? Để bảo đảm thượng tôn pháp luật và nâng mức răn đe hơn nữa, nên chăng cần phải mở rộng phạm vi tội danh hình sự đối với các hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ?
Để nghị định đạt hiệu quả cao trong quá trình thực thi, trước mắt, các địa phương cần sớm tuyên truyền, phổ biến nghị định đến toàn dân. Công tác tuyên truyền phải có trọng tâm, trọng điểm, ngoài các đối tượng công dân trong độ tuổi nhập ngũ, cần chú trọng đến đối tượng là học sinh để nâng cao ý thức chấp hành.
Về lâu dài, các bộ, ngành, địa phương cần xem xét đưa những nội dung cốt lõi, quan trọng của Luật NVQS vào giảng dạy từ bậc THPT. Đây là biện pháp quan trọng để giáo dục, bồi dưỡng, hình thành và bồi đắp tinh thần, ý thức trách nhiệm trong thực hiện nghĩa vụ vẻ vang với Tổ quốc cho các em học sinh ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
QĐND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét