Hy vọng của Phần Lan và Thụy Điển về việc được chấp nhận đơn gia nhập NATO trong cuộc họp của liên minh vào tuần tới đã bị dập tắt, khi Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ không vội vàng.
Được thúc đẩy bởi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng trước, với hy vọng rằng việc gia nhập liên minh sẽ diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ. Thế nhưng thay vào đó, con đường của họ đã bị Thổ Nhĩ Kỳ chặn lại một cách không thể đoán trước, theo New York Times.
Với hội nghị thượng đỉnh hàng năm của NATO bắt đầu vào ngày 29/6 tại Madrid, kỳ vọng của Phần Lan và Thụy Điển việc sẽ được chào đón vào NATO đang nhanh chóng phai nhạt, sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lùi lại lời hứa trước đó rằng sẽ không gây trở ngại.
Ibrahim Kalin, người phát ngôn chính sách đối ngoại chính của ông Erdogan, nói rằng không có thời hạn nào cho việc họ chấp thuận. Ông thậm chí đã nói về việc trì hoãn một năm.
Đòn “đánh úp”
của Thổ Nhĩ Kỳ
Phần Lan đặc biệt thất vọng vì nước này có đường biên giới dài hơn 1.335 km với Nga. Từ sau ngày 24/2, Phần Lan đã nhanh chóng chuẩn bị cho việc nộp đơn xin gia nhập NATO.
Các nhà ngoại giao Phần Lan đã đánh tiếng trước với tất cả 30 thành viên NATO và nhanh chóng nhận được "đèn xanh" từ họ, theo Ngoại trưởng Pekka Haavisto. Điều đó bao gồm sự đảm bảo từ chính ông Erdogan, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho biết.
NATO tự tin rằng mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ đến mức họ đã tổ chức một loạt sự kiện nhằm chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu chấp thuận đơn gia nhập của 2 quốc gia Bắc Âu vào tháng 5, nhưng sau đó đã phải hủy bỏ khi Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ phản đối.
Ông Erdogan đã đưa ra nhiều yêu cầu, chủ yếu tập trung vào các vấn đề dân tộc chủ nghĩa có tác động trong nước, như vấn đề về người Kurd, và việc dẫn độ một số người ủng hộ nhà lãnh đạo đối lập lưu vong, Fethullah Gulen. Ông Erdogan cáo buộc ông Gulen, hiện sống ở Mỹ, về một âm mưu đảo chính bất thành chống lại ông vào năm 2016.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn cả Phần Lan và Thụy Điển nhượng bộ các yêu cầu gồm củng cố luật chống khủng bố của họ; dẫn độ các đối tượng cụ thể, bao gồm một số nhà báo người Kurd; loại bỏ lệnh cấm vận không chính thức đối với việc bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, được áp đặt sau khi Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự vào miền Bắc Syria hồi năm 2019.
Ngoại trưởng Haavisto cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng người Phần Lan rất thất vọng nhưng chính phủ sẽ kiên nhẫn.
“Luật chống khủng bố gần như giống nhau ở tất cả các nước NATO, và tất cả chúng tôi đều lên án PKK”, ông nói, sử dụng tên viết tắt của đảng Công nhân Kurd, tổ chức đấu tranh vũ trang chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ từ những năm 1980. PKK cũng bị Thụy Điển cũng như EU và Mỹ nhìn nhận là một tổ chức khủng bố.
“Vì vậy, chúng tôi cảm thấy rằng áp lực không chỉ đối với Phần Lan và Thụy Điển mà còn đối với một số quốc gia NATO khác về vấn đề này”, ông nói thêm.
Ngoại trưởng Phần Lan nói NATO nên có những tiêu chí chung cho các nước muốn gia nhập, “vì nếu không sẽ gặp phải tình huống mà các quốc gia thành viên NATO khác nhau sẽ đưa ra các tiêu chí khác nhau cho những nước nộp đơn, và tôi đoán rằng điều đó sẽ dẫn đến hỗn loạn”.
Cuộc họp giữa các quan chức Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự bảo trợ của NATO về vấn đề 2 nước mong muốn gia nhập liên minh quân sự đã diễn ra vào ngày 20/6, nhưng kết quả đạt được rất ít.
Sau cuộc họp, người phát ngôn của Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố: “Chúng tôi không đặt ra bất kỳ thời hạn nào cho việc này. Tốc độ, cơ hội cho quá trình này tùy thuộc vào cách thức, tốc độ mà họ (Thụy Điển và Phần Lan) đáp ứng yêu cầu của chúng tôi”.
Hầu hết yêu cầu đó đều liên quan đến việc Thụy Điển cho phép người tị nạn Kurd cũng như ủng hộ mong muốn tự trị của họ - điều mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là mối đe dọa đối với chủ quyền của mình.
Bên cạnh đó, Thụy điển còn có mối liên hệ với YPG - lực lượng dân quân người Kurd có vũ trang đã dẫn đầu chiến dịch chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. YPG nhận được vũ khí và huấn luyện từ liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu, và được quân đội từ Thụy Điển hỗ trợ. Tuy nhiên, YPG cũng có mối liên hệ chặt chẽ với PKK.
Tính toán của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Ông Erdogan đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào tháng 6 tới, và tín nhiệm đối với ông đang giảm dần cùng với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Thụy Điển, Stephanie Babst, một cựu quan chức NATO, nói rằng quyết định của ông Erdogan đều có tính đến các bước đi chính trị trong nước. Vấn đề người Kurd là một mối quan tâm lớn của người dân ở Thổ Nhĩ Kỳ.
“Đây (việc cản trở Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO) dường như là một thông điệp nhằm củng cố nền tảng của ông cho cuộc bầu cử trong nước. Ông ấy muốn chứng tỏ khả năng lãnh đạo. Ông ấy muốn chứng tỏ rằng mình là một nhà lãnh đạo biết lắng nghe, và vì vậy, tôi e rằng ông ấy sử dụng Thụy Điển và Phần Lan như một chiến lược của mình”, bà Babst nhận định.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cẩn trọng khi công khai nói rằng mọi thành viên NATO đều có quyền bày tỏ mối quan ngại của mình, và mối quan ngại về khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ là "chính đáng", cần được lắng nghe và phản hồi.
Dẫu vậy, ông tin tưởng rằng Phần Lan và Thụy Điển sẽ trở thành thành viên của NATO trong tương lai, ngay cả khi họ có thể không đạt được bước tiến trong hội nghị thượng đỉnh ở Madrid.
Nhưng Ngoại trưởng Phần Lan Haavisto, trong khi nói về sự kiên nhẫn và sẵn sàng xoa dịu những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng lưu ý rằng ông Erdogan đang gây khó chịu cho các đồng minh vào thời điểm châu Âu khủng hoảng, và an ninh của khu vực đang đối mặt với các mối lo ngại.
“Tôi phải nói rằng áp lực đang gia tăng giữa các thành viên EU và NATO. Việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể trì hoãn quá trình một năm, cho đến khi nước này kết thúc bầu cử, sẽ là nỗi thất vọng lớn đối với nhiều nước NATO, chứ chưa nói đến Phần Lan và Thụy Điển”, ông nói.
Sự bình tĩnh
của Phần Lan
Mỹ đã công khai ủng hộ Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, và ngoại trưởng Phần Lan thường xuyên tiếp xúc với Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken, quan chức trong Nhà Trắng và các thượng nghị sĩ chủ chốt.
Quốc hội Mỹ cũng ủng hộ, với thượng viện đã chuẩn bị các phiên điều trần cho một cuộc bỏ phiếu nhằm phê chuẩn đơn gia nhập sau khi các vấn đề với Thổ Nhĩ Kỳ được giải quyết.
Cơ quan lập pháp của tất cả nước NATO phải phê chuẩn các sửa đổi đối với hiệp ước thành lập để kết nạp thành viên mới. Quá trình này có thể mất tới một năm.
Tuy nhiên, ông Haavisto cho biết Phần Lan và Thụy Điển đã nhận được sự đảm bảo vững chắc rằng một số thành viên NATO sẽ hỗ trợ an ninh cho họ trong thời gian chờ đợi, bao gồm Mỹ, Pháp, Anh và Đức. “Vì vậy, chúng tôi cảm thấy an toàn”, ông nói. "Ngay tại thời điểm này, không có rủi ro nào sắp xảy ra đối với an ninh của chúng tôi".
Trong thời gian chờ đợi này, ông đề nghị với bạn bè rằng họ nên đọc “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Tolstoy. “Tôi đã bắt đầu đọc nó và tôi hy vọng khi đọc xong, Phần Lan và Thụy Điển sẽ là thành viên của NATO”, ông nói./.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét