Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2022

TỔ QUỐC TRONG MỖI TRÁI TIM NGƯỜI DÂN VIỆT NAM

 

Tự bao giờ, hai tiếng Tổ quốc như đã in sâu vào trong lòng mỗi người con dân đất Việt. Đã bao mùa xuân qua, đất nước và dân tộc Việt Nam phải vượt qua bao thác ghềnh, gian khổ để hôm nay những mùa xuân ấm no hạnh phúc đang hiện diện nơi này. Cứ vậy! từ thế hệ này sang thế hệ khác, hai tiếng Tổ quốc luôn đong đầy những tình cảm nồng nàn. Và ở đâu, trong hoàn cảnh nào hai tiếng Tổ quốc như ngọn lửa luôn rực cháy trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam.
“Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ gìn lấy nó”. Có thể nói, từ bao đời nay biển đảo quê hương luôn là một phần máu thịt không thể tách rời trong tim mỗi người dân đất Việt. Mỗi người thể hiện tình yêu nước, yêu biển - đảo khác nhau nhưng với tất cả đều thể hiện tình cảm mãnh liệt ấy bằng nhiệt huyết của trái tim và lòng nhân ái.
Đất nước Việt Nam với hình chữ S, có bờ biển dài khoảng 3.260 km từ Bắc xuống Nam chiếm tỷ lệ khoảng 100km2 đất liền/ 1km bờ biển và hơn 3.000 hòn đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố giáp biển.
Từ xa xưa, biển đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các hải đảo và quần đảo cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc ta. Trong thời đại hòa bình hôm nay, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia ven biển có những ưu thế và vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với khu vực và thế giới, biển đảo càng có tầm quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lịch sử dân tộc đã ghi nhận trong 14 cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù đối với nước ta, thì có 10 cuộc bắt đầu từ hướng biển. Như vậy có tới 2/3 các cuộc chiến tranh, kẻ thù đã sử dụng đường biển để tấn công xâm lược nước ta và đã bị vùi thây tại những tuyến phòng thủ này.
Bước sang thế kỷ 21, “Thế kỷ của biển và đại dương”, các nguồn tài nguyên trên đất liền đang ngày càng cạn kiệt, vì thế các quốc gia ngày càng quan tâm tới nguồn tài nguyên từ biển cả, nơi bắt đầu các mưu đồ đe dọa hòa bình: Trường Sa – Hoàng Sa giờ đây là tâm điểm.
Thế hệ trẻ hôm nay đang sống và cống hiến nhiệt huyết và sáng tạo của mình, góp phần để Việt Nam trở thành quốc gia “mạnh về biển - giàu lên từ biển”. Vâng! có thể còn những âu lo, còn những khó khăn, thách thức nhưng tình yêu, niềm tự hào và nỗi lo sẽ hóa sức mạnh khi mỗi người chúng ta sẵn sàng hành động với những việc làm thiết thực xuất phát từ tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước.
Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa".
Lời thơ của tác giả Nguyễn Việt Chiến ngân dài vang mãi hình ảnh thật kiêu hãnh dáng đứng của những người lính đảo xa giữa mênh mông đại dương đang canh giữ cho quê hương yên bình. Từ những trang sử bom đạn chiến tranh, những ngày đói khổ, bao nhiêu thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập, thống nhất đất nước và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Hoàng Sa và Trường Sa hai quần đảo oai hùng, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam đã là chứng nhân của bao thời kỳ lịch sử dân tộc. Ngày nay, đất nước đã hòa bình và phát triển nhưng biển đảo vẫn canh cánh mối lo xâm lấn của các thế lực thù địch. Nên nhiệm vụ của tuổi trẻ, nhiệm vụ của mỗi thanh niên với tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển đảo lại được đặt lên trên hết. Thông qua nhưng buổi triển lãm, nhưng chương trình hướng về biển đảo, tuổi trẻ Việt Nam sẽ hiểu biết sâu sắc hơn về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc từ đó luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chung sức, chung lòng cùng nhau bảo vệ biển, đảo.
Ở nơi ấy Trường Sa thân yêu hay nơi nhà dàn kiêu hãnh những chiến sĩ hải quân vẫn đang ngày đêm canh giữ biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Những cánh mai vàng từ đất liền ra đảo, ra nhà giàn là những món quà ý nghĩa nhất của đất liền với miền hải đảo xa xôi. Tuy cách trở và gặp muôn vàn khó khăn ấy nhưng trong lòng mỗi người dân Việt Nam Trường Sa vẫn gần, vẫn được đùm bọc, che chở. Đó là vẻ đẹp muôn đời của dân tộc Việt Nam :"Đứng vững chãi 4000 năm sừng sững/Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa/ Trong và thực sáng hai bờ suy tưởng/ Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa".
Sưu Tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét