Bên cạnh giai cấp công nhân, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhất là V.I.Lênin đã nhìn thấy vai trò to lớn của nông dân và trí thức trong sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân. Họ là đồng minh, là lực lượng cách mạng, là lực lượng vật chất của giai cấp công nhân. Nhưng với những hạn chế từ chính bản thân các giai tầng này, do phương thức lao động quy định, do vai trò trong hệ thống sản xuất xã hội và không có hệ tư tưởng, các giai tầng này không thể giữ vai trò lãnh đạo xã hội. V.I.Lênin cho rằng: “so với giai cấp công nhân thì giới trí thức bao giờ cũng có nhiều tính chất cá nhân chủ nghĩa hơn, ấy là do những điều kiện cơ bản của đời sống và công tác của họ không cho phép họ thống nhất lực lượng một cách trực tiếp và rộng rãi, không cho họ được giáo dục trực tiếp trong lao động tập thể có tổ chức”(7). Chính từ đặc điểm này, V.I.Lênin luôn luôn cảnh báo về thái độ thờ ơ chính trị của đội ngũ trí thức. Người viết: “Người trí thức cấp tiến, người trí thức xã hội chủ nghĩa rất dễ biến thành quan lại của chính phủ nhà vua, thành một anh quan lại tự an ủi rằng ở trong nếp cũ quan trường, mình cũng “có ích” và viện “sự có ích” đó để bào chữa cho thái độ lãnh đạm của mình đối với chính trị, bào chữa cho tính nô lệ của mình trước cái chính phủ roi vọt”(8).
Khi nói về vai trò của trí thức, trong tác phẩm tác phẩm Làm gì, V.I.Lênin khẳng định: “Công nhân trước đây không thể có ý thức dân chủ - xã hội được. Ý thức này chỉ có thể từ bên ngoài đưa vào. Lịch sử tất cả các nước chứng thực rằng chỉ do lực lượng của độc bản thân mình thôi thì giai cấp công nhân chỉ có thể đi đến ý thức công liên chủ nghĩa... Còn học thuyết xã hội chủ nghĩa thì phát sinh ra từ lý luận triết học, lịch sử, kinh tế, do những người có học thức trong giai cấp hữu sản, những trí thức xây dựng nên”(9). Khi đề cập đến vấn đề này, V.I.Lênin đã chỉ ra rằng, việc hình thành hệ tư tưởng của giai cấp công nhân chỉ có thể thực hiện được thông qua vai trò của trí thức - những người đứng ở đỉnh cao tri thức nhân loại.
Tuy nhiên, theo V.I.Lênin, trí thức tồn tại với tư cách không phải là một giai cấp, mà là một tầng lớp (đội ngũ) trung gian trong xã hội, hoạt động trong lĩnh vực lao động trí óc (sản xuất tinh thần là chủ yếu), trí thức không có hệ tư tưởng độc lập mà phụ thuộc vào hệ tư tưởng của giai cấp mà họ phục vụ. Với tư cách là một tầng lớp đặc biệt và ở trong một thể chế chính trị cụ thể, trí thức nói chung là của giai cấp thống trị, do hệ thống giáo dục và đường lối đào tạo của nhà nước, của thể chế chính trị ấy tạo ra. Đội ngũ này tự giác hoặc không tự giác phục vụ cho chế độ và giai cấp thống trị. Quá trình đấu tranh giai cấp và tác động nhiều mặt về lợi ích đã làm cho trí thức phân hóa thành những bộ phận khác nhau. Những bộ phận đó sẽ ngả theo lực lượng này hay lực lượng khác, giai cấp này hay giai cấp khác. Điều này cũng có nghĩa rằng, trí thức không phải là “siêu giai cấp”, “đứng trên mọi giai cấp” như quan niệm của các học giả tư sản, mà theo V.I.Lênin, “Nếu không nhập cục với một giai cấp thì giới trí thức chỉ là một con số không mà thôi”(10). Do đó, trí thức chỉ có thể chứng tỏ mình là một lực lượng xã hội thực sự khi gắn bó chặt chẽ và được sự ủng hộ của một giai cấp, tầng lớp nào đó trong xã hội. Theo nghĩa đó, trí thức không thể là đội ngũ lãnh đạo xã hội.
Lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cho thấy, trong giai đoạn đầu của cách mạng vô sản, phần lớn những người trí thức đứng về phía giai cấp tư sản, bảo vệ những quan điểm, lập trường tư sản, phản ánh những lợi ích của giai cấp tư sản. Cùng với thực tiễn đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân, tầng lớp trí thức ngày càng nhận rõ vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và tìm thấy lợi ích của mình trong cuộc đấu tranh chung đó. Vì thế, ngày càng nhiều trí thức đi theo giai cấp công nhân, ủng hộ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Ngày nay, trí thức càng có vai trò to lớn trong cách mạng khoa học công nghệ. Với những phát minh, sáng chế của trí thức, quá trình sản xuất vật chất của công nhân và nông dân đã có thay đổi căn bản, góp phần thay đổi sức sản xuất của xã hội, tạo ra sự phát triển vượt bậc của thời đại mới về cả giá trị vật chất và tinh thần cho nhân loại. Tuy nhiên, với những đặc điểm cơ bản nêu trên, trí thức không phải là đội ngũ lãnh đạo xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét